Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư hạ tầng giao thông tại TPHCM - Vấn đề cấp bách

Chiều 27-8, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã chủ trì phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 8, 8 tháng đầu năm và công tác trọng tâm tháng 9-2009. Tại cuộc họp này, các vấn đề về đầu tư hạ tầng giao thông, chuẩn bị hàng hóa cho dịp tết, công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1… đã được quan tâm mổ xẻ.

        Khó khăn trong thu ngân sách

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu cơ quan thuế tăng cường kiểm tra những doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế để truy thu. Việc thu thuế phải đảm bảo nuôi dưỡng nguồn thu và thu đúng thu đủ; đồng thời phải thực hiện đầy đủ các chính sách miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ.

Qua thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 8 tháng đầu năm 2009 cho thấy, mặc dù nền kinh tế TP gặp rất nhiều khó khăn, nhiều biến động nhưng có nhiều chỉ số tăng trưởng dương. Điều này khẳng định các giải pháp về ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội… của Chính phủ được TP triển khai thực hiện linh hoạt nên mang lại hiệu quả. Kết quả này thật quý báu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã nhận định như vậy tại cuộc họp.

Ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TPHCM dẫn chứng: Khu vực nông nghiệp tăng trưởng cao và ổn định. Khu vực công nghiệp tiếp tục phục hồi và liên tục tăng, tháng sau luôn cao hơn tháng trước.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng ước đạt 276.021 tỷ đồng, tăng 5,5%; trong đó, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 8,1%, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 7,9%; riêng công nghiệp nhà nước địa phương giảm 9,3%. Khu vực dịch vụ cũng đạt tốc độ tăng tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Theo ông Luận, những điều kiện này sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc phấn đấu từ nay đến cuối năm nền kinh tế TP sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn và phục hồi từng bước.

Ngoài ra, TPHCM cũng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Trong tháng 8, TP đã giải quyết việc làm cho hơn 30.400 lao động, trong đó hơn 27.000 người có việc làm ổn định.

Đại diện Sở GD-ĐT cũng cho biết, công tác chuẩn bị cho năm học mới đã sẵn sàng. TP đã đầu tư xây dựng hơn 600 phòng học đưa vào sử dụng trong năm học mới này.

Theo Sở Công thương TPHCM, các công việc chuẩn bị hàng hóa dịp tết cũng đang được tiến hành. Sẽ có 10 mặt hàng chính yếu phục vụ tết được bình ổn giá, thậm chí giá thấp hơn 10% so với thị trường.

Theo báo cáo của UBND TP, tổng thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng ước thực hiện 82.774,3 tỷ đồng, đạt 67,3% dự toán cả năm, giảm 3,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 48,7%). Tuy nhiên, theo phản ánh của một số quận, việc thu ngân sách rất khó để đạt được theo kế hoạch đề ra.

Đại diện UBND quận 1 cho rằng, theo kế hoạch, năm 2009, quận phải thu ngân sách đạt 2.222 tỷ đồng, nhưng tính đến tháng 8 quận chỉ thu được 1.450 tỷ đồng (đạt khoảng 65% kế hoạch). Nếu phấn đấu lắm thì có thể đạt được 85% kế hoạch.

Tương tự, ông Lâm Đình Chiến, Bí thư Quận ủy đồng thời Chủ tịch UBND quận 10, cho rằng: 2 năm liền quận tham gia “Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng” và nguồn thu các năm đều đạt kế hoạch nhưng năm nay thật khó có thể! Tuy nhiên, ông Chiến cũng hứa với lãnh đạo TP sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo được nguồn thu. 

Cầu Chà Và mới hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần giải tỏa áp lực giao thông của TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

        Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chánh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài cho rằng: Trong 4 tháng còn lại, các sở ngành, quận huyện phải tận dụng, phát huy tối đa các điều kiện hiện có, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, tạo tiền đề để nền kinh tế TP năm 2010 có bước phát triển mạnh mẽ hơn. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông.

“Năm 2010 khả năng phục hồi nền kinh tế rất mạnh. Hiện nay, hạ tầng giao thông TP đã bất cập vì thế sẽ càng trở nên áp lực khi nền kinh tế phục hồi. Do vậy, vấn đề đầu tư hạ tầng giao thông vẫn được TP xem là vấn đề cấp bách”, ông Nguyễn Thành Tài nhiều lần nhấn mạnh.

Theo ông, các quận – huyện cần đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời, các sở ngành phối hợp với địa phương để thực hiện các giải pháp chống kẹt xe tình thế. Về trách nhiệm của mình, chính quyền TP sẽ cố gắng tạo nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông bằng nhiều hình thức. Ngay từ bây giờ, cần xác định rõ các công trình giao thông trọng điểm để tiếp tục đầu tư. TP xem nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho hạ tầng giao thông cũng là vốn cấp bách.

(Theo VÂN ANH // SGGP online)

  • Cơ hội và thách thức
  • Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hậu Giang: Khai phá tiềm năng vùng lúa gạo
  • Thu hút đầu tư 9 tháng đầu năm : Đồng Nai về đích sớm
  • Cảng Quảng Ninh : Bứt phá qua... bão lốc!
  • Bến Tre là khu vực đầu tiên ở Đông Nam Á nhận chứng chỉ MSC
  • Tây Ninh điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
  • Tuyến trục giao thông Hà Đông được tăng giá đất 40%
  • Khô hạn nghiêm trọng ở miền Bắc: Chuyển trồng lúa sang hoa màu
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi