Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hợp tác kinh tế-xã hội TPHCM - Tiền Giang: Lực đẩy lớn để Tiền Giang “cất cánh”

Là một trong những vựa nông sản lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, lại cách TPHCM chỉ khoảng 60 km nên Tiền Giang (TG) và TPHCM đã sớm ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Qua gần 6 năm triển khai chương trình hợp tác, TG đã đạt nhiều bước tiến lớn trên con đường phát triển.

Điểm sáng công nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án 500 ha rau an toàn đã được triển khai đến 4 huyện (Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công) với diện tích 350 ha và sản phẩm đã được tiêu thụ tại TPHCM với sản lượng 10 tấn/ngày.

 Bên cạnh đó, là vùng cây trái đặc trưng của Nam bộ nên liên tục từ năm 2005 đến nay trái cây TG luôn được chọn để phục vụ khách du lịch trong Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TPHCM), đồng thời chiếm 70% lượng trái cây trong Lễ hội Trái cây Nam bộ diễn ra hàng năm ở đây.

Công nhân đang may trong xưởng của Công ty CP May Tiền Tiến (Mỹ Tho - Tiền Giang), một dự án của Tổng Công ty CP May Việt Tiến (TPHCM). Ảnh: MINH NHỰT

Với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp (DN) ở TPHCM, ngành nông nghiệp ở TG đã ngày càng thoát ra được lối sản xuất thô sơ, tiến lên hiện đại hóa. Sản phẩm gà làm sẵn và trứng gia cầm của các DN ở TG đã được một số siêu thị uy tín của TPHCM chấp nhận. Trái thanh long ở huyện Chợ Gạo và vú sữa ở huyện Châu Thành đã được trồng và đóng gói theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu toàn cầu…

Bên cạnh nông nghiệp thì y tế cũng là một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai địa phương. Có tới 6 sơ sở y tế trọng điểm của TG được các bệnh viện lớn ở TPHCM hỗ trợ về chuyên môn.

Bệnh viện Mắt TG đã được Bệnh viện Mắt TPHCM chuyển giao phương pháp phẫu thuật Phaco, đào tạo kỹ thuật bắn tia laser Yag trong phẫu thuật thủy tinh thể. Nhiều bác sĩ của TG đã được Bệnh viện Bình Dân chuyển giao kỹ thuật mổ bướu cổ, ngoại niệu, điều trị nang thận và tập huấn mổ nội soi. Ngành y tế TG đã phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy mở lớp đào tạo về chẩn đoán hình ảnh cho đội ngũ cán bộ y tế của khu vực ĐBSCL. Đồng thời, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mở lớp đào tạo nội soi cho 27 bác sĩ ngoại khoa của TG… Theo Sở Y tế TG, hầu hết đội ngũ y bác sĩ của TG đều được đào tạo ở TPHCM.

Tuy vậy, trong nhiều mảng hợp tác giữa TPHCM và TG thì công nghiệp là lĩnh vực đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhất như nhận định của Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư TG Lê Văn Hưởng. Ông Hưởng cho biết, các DN TPHCM đã tham gia 22 dự án lớn thuộc ngành công nghiệp ở TG với tổng vốn đầu tư trên 5.650 tỷ đồng. Trong đó có nhiều “đại dự án” đối với TG như KCN Tân Hương (581 tỷ đồng, Công ty TNHH Nhựt Thành Tân làm chủ đầu tư), cụm công nghiệp Bình Đông (Công ty Khang Thông làm chủ đầu tư), Nhà máy nước Đồng Tâm (1.400 tỷ đồng)… Tổng Công ty CP May Việt Tiến đã thành lập 3 công ty may và nhà máy ở TG với tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, sản xuất 7 triệu sản phẩm/năm. Ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Việt Tiến, cho biết, các nhà máy của Việt Tiến ở TG đem lại doanh thu hàng năm khoảng 300 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu 18 triệu USD, đóng góp cho ngân sách TG 15 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động.

Đẩy mạnh tháo gỡ thủ tục

Với tiềm năng lớn về nuôi trồng và chế biến thủy sản, TG đã thu hút được 30 DN ở TPHCM đến đầu tư nuôi thủy sản trên diện tích 215 ha, đó là chưa kể một số DN tư nhân đã đầu tư ngoài vùng dự án. Ở KCN Mỹ Tho, nhiều nhà máy chế biến thủy sản của các DN TPHCM đã hoạt động khá hiệu quả như các công ty Thành Công, Việt Phú, Hùng Vương, Hưng Phát, Gò Đàng…

Tại xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè), Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã đăng ký đầu tư 3 dự án lớn tại là Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Cổ Lịch (công suất 124.800 tấn/năm, vốn đầu tư 133 tỷ đồng), Nhà máy chế biến thủy sản và thực phẩm (12.000 tấn/năm, 186 tỷ đồng), kho lương thực Cổ Lịch (150.000 tấn/năm, 71 tỷ đồng). Còn tại hai xã Song Thuận và Kim Sơn (huyện Châu Thành), có đến 6 dự án chế biến thủy sản của các DN TPHCM với tổng vốn đầu tư 197 tỷ đồng… Do vậy, cùng với sự hợp tác ở nhiều ngành kinh tế mũi nhọn khác, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư TG Lê Văn Hưởng cho rằng chương trình hợp tác KT-XH với TPHCM đã tạo cho TG thêm kênh huy động vốn đầu tư phát triển, thu hút được 42 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 7.750 tỷ đồng và tạo việc làm cho 8.000 lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Đặc biệt, giai đoạn hợp tác với TPHCM, tăng trưởng kinh tế những năm 2005-2008 của TG đạt bình quân 11,5%/năm trong khi 10 năm trước đó chỉ là 8,3%/năm…

Tuy nhiên, ông Hưởng cũng thừa nhận mức độ hợp tác KT-XH giữa hai địa phương chưa tương xứng với tiềm năng và năng lực của hai bên. Cụ thể, có nhiều lĩnh vực hợp tác đã được thực hiện nhưng không đem lại kết quả, phải kết thúc trước thời hạn như dự án Khu du lịch Đồng Sen, dự án của Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre. Bên cạnh đó, một số dự án đã được nêu trong thỏa thuận nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện như xây dựng thương hiệu hàng hóa, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp…

Trong nhiều nguyên nhân của thực trạng trên thì nguyên nhân quan trọng nhất, theo đánh giá của phần lớn cán bộ và DN, là do hạn chế trong cung cấp thông tin. Vì vậy, nhằm nâng cao hơn nữa chương trình hợp tác về chất lẫn lượng, Chủ tịch UBND tỉnh TG Trần Thế Ngọc cho rằng cần rà soát lại các nội dung hợp tác theo hướng cụ thể, khả thi, đồng bộ và mang lại hiệu quả cao cho cả hai địa phương.

Riêng TG sẽ điều chỉnh lại các chính sách khuyến khích đầu tư và quy trình thủ tục đầu tư mới, đảm bảo thông thoáng hơn; tăng cường công khai và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư… Theo Bí thư Tỉnh ủy TG Trần Thị Kim Cúc, thời gian tới, TG mong muốn nhận được sự đầu tư vào công nghiệp chế biến nông thủy sản, nguồn lao động có tay nghề, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, dầu khí, kho cảng, vận tải đường thủy…

(Theo HOÀNG LIÊM // SGGP Online)

  • Hoạt động thương mại tỉnh Hải Dương tháng 12 và năm 2009
  • Hà Nội chi 1.000 tỷ đồng lập Quỹ phát triển đất
  • Suy giảm đất nông nghiệp, nhìn từ Hưng Yên
  • Đắc Nông: Cô gái xinh đẹp chờ “đánh thức”
  • Mô hình kinh tế nuôi dế mới ở Đà Bắc
  • Đưa Thái Nguyên thành trung tâm kinh tế, giáo dục
  • Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng thủy sản xuất khẩu đã có mặt ở hơn 30 nước trên thế giới
  • Chắp cánh cho ĐBSCL vươn ra biển lớn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi