![]() |
Nhà máy nghiền tuyển quặng sắt do chi nhánh Matexim đầu tư đang chuẩn bị đi vào hoạt động. |
Bắc Cạn là địa phương giàu tiềm năng khoáng sản, nhưng những năm trước chủ yếu chỉ khai thác nhỏ lẻ để xuất thô, cho nên giá trị kinh tế mang lại không cao. Khắc phục tình trạng đó, hai năm trở lại đây, tỉnh có nhiều nỗ lực để khai thác tiềm năng khoáng sản và đã thu được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để ngành khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn phát triển bền vững.
Triển vọng thay đổi cơ cấu kinh tế
Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đa dạng, phong phú. Các loại khoáng sản chủ yếu là, quặng kẽm chì, sắt, vàng sa khoáng, măng-gan... Song, Bắc Cạn xác định thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản trên địa bàn là cần thiết, nhưng tỉnh chưa có nguồn lực để thực hiện việc này một cách bài bản, cụ thể. Theo các tài liệu trước đây dự báo, quặng kẽm chì trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn được xác định có trữ lượng lớn nhất nước với hàng trăm mỏ và điểm mỏ, tiếp đến là quặng sắt có trữ lượng khá. Trước đây, việc khai thác quặng kẽm chì, sắt trên địa bàn mang tính tận thu, quy mô nhỏ lẻ để xuất thô nên giá trị kinh tế mang lại cho tỉnh và người lao động không cao, lại gây ô nhiễm môi trường, quá trình vận chuyển làm nhiều tuyến đường nhanh xuống cấp, ảnh hưởng dân sinh. Các loại thuế thu được từ hoạt động khai thác, kinh doanh khoáng sản hằng năm không đủ để tu bổ, bảo dưỡng đường giao thông. Có thời kỳ giá thành quặng kẽm chì trên thị trường tăng cao làm xuất hiện tình trạng khai thác tự do trong dân dẫn đến thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng xấu tình hình an ninh - chính trị tại địa phương.
Với quan điểm khai thác tiềm năng khoáng sản, nhất là quặng kẽm chì, sắt để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế địa phương, tỉnh Bắc Cạn đã đề ra kế hoạch, với các bước đi phù hợp, cụ thể, phát triển ngành công nghiệp này. Tỉnh đã ban hành cơ chế thu hút đầu tư; quy hoạch lại ngành công nghiệp khai thác và chế biến quặng kẽm chì, sắt trên địa bàn; không xuất quặng thô để nâng cao giá trị kinh tế, chỉ cấp mỏ cho những doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu. Nhờ tăng cường quản lý nên thời gian gần đây ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.
Ðể thu hút và tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu, tỉnh chủ trương cấp phép khai thác các mỏ kẽm chì cho Công ty Ngọc Linh và Tổng Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn, cấp phép khai thác các mỏ sắt cấp cho Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi, Chi nhánh Công ty Thiết bị và Vật tư toàn bộ MATEXIM (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) và Tổng công ty cổ phần Xây dựng và Khoáng sản Sơn Trang, nhằm cung cấp đủ nguyên liệu cho những doanh nghiệp này xây dựng nhà máy chế biến sâu. Mặt khác, khi đã được cấp mỏ, xác định đủ nguyên liệu để chế biến sâu thì các doanh nghiệp nêu trên đã đầu tư vốn để xây dựng nhà máy có công suất lớn với công nghệ hiện đại, có nguồn lực đầu tư để xử lý về mặt môi trường. Ðến nay, Công ty Ngọc Linh đã ký hợp đồng sản xuất thiết bị và đang tích cực san ủi mặt bằng để xây dựng Nhà máy điện phân chì, kẽm tại xã Ngọc Phái (Chợ Ðồn) với công suất 35 nghìn tấn/năm, vốn đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ được xây dựng từ cuối năm 2009. Ðầu tháng 6-2009, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Vạn Lợi đã khởi công xây dựng Nhà máy liên hợp gang thép công suất 250 nghìn tấn/năm tại Khu công nghiệp Thanh Bình. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn một nghìn tỷ đồng. Dự kiến từ cuối năm 2010, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, sản xuất 250 nghìn tấn gang/năm, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.000 lao động, phần lớn là người địa phương. Công ty TNHH một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên đang lập phương án cải tạo nâng công suất Xưởng tuyển 45 nghìn tấn quặng kẽm chì lên 100 nghìn tấn quặng nguyên khai/ năm tại xã Bản Thi (Chợ Ðồn).
Bên cạnh đó, Nhà máy luyện chì công suất 10 nghìn tấn/năm do Tổng công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn đầu tư cũng sẽ chính thức vận hành vào tháng 10 tới đây. Tổng công ty Xây dựng và Khoáng sản Sơn Trang hiện đang khai thác mỏ sắt Pù Ổ với quy mô công nghiệp tại xã Ngọc Phái, huyện Chợ Ðồn cũng đầu tư xây dựng Nhà máy tuyển quặng sắt nghèo ngay tại mỏ. Khi các nhà máy chế biến khoáng sản đi vào hoạt động đồng loạt trong vòng từ một đến hai năm tới sẽ giải quyết việc làm ổn định cho khoảng ba nghìn lao động địa phương, nộp ngân sách cho tỉnh gấp ba lần so với tổng thu trên địa bàn hiện nay và sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế vốn thuần nông của tỉnh (hiện nay ngành công nghiệp và xây dựng cơ bản chỉ chiếm hơn 16% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh).
Ðể phát triển bền vững
Thực tế hiện nay đặt ra một số vấn đề cần giải quyết để ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn phát triển. Cụ thể là, sau khi quy hoạch lại ngành khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn, tỉnh chủ trương thu một số mỏ đã cấp phép khai thác tận thu trước đây cho các doanh nghiệp nhỏ để giao cho các doanh nghiệp đã và đang xây dựng nhà máy chế biến sâu khai thác với quy mô công nghiệp. Nhưng giữa hai doanh nghiệp chưa chuyển giao được cho nhau. Các doanh nghiệp đã được cấp mỏ trước đây nay bị thu lại thì đòi phần đầu tư đường giao thông và một số hạng mục khác quá cao, nên các doanh nghiệp được giao mới không chấp thuận. Do đó, bên mới được giao mỏ không thể triển khai thăm dò, lập phương án khai thác. Một số doanh nghiệp đã được cấp mỏ thì triển khai việc thăm dò và làm các thủ tục để được cấp phép khai thác quá chậm. Trong khi đó tỉnh lại chưa quy định thời gian cụ thể, vì vậy dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp nhận mỏ mà không triển khai các thủ tục theo quy định.
Mặc dù mới chỉ chạy thử Nhà máy nghiền tuyển quặng sắt nghèo, nhưng Giám đốc Chi nhánh MATEXIM Bắc Cạn Ngô Quảng Yên và một số cán bộ lãnh đạo nhà máy chế biến khoáng sản khác trên địa bàn đều rất bức xúc trước tình trạng cấp điện không ổn định, làm cho nhiều thiết bị hư hỏng, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch UBND huyện Chợ Ðồn Triệu Văn Lực cho biết, tại nhiều mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đều có những vấn đề về môi trường, vì nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng khai thác khoáng sản mà chưa quan tâm đến đề án bảo vệ môi trường như cam kết. Các mỏ kẽm chì, sắt chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa, đường giao thông xuống cấp, đi lại khó khăn nên cần phải đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ðó là những vấn đề mà tỉnh cần quan tâm giải quyết trong thời gian tới.
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh một số đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, còn một số doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến công tác này. Nhiều cơ sở sản xuất chưa chú trọng công tác bảo hộ, bảo đảm an toàn lao động, nhất là đối với khai thác khoáng sản vào mùa mưa có thể dẫn đến sạt lở, trong quá trình vận chuyển sẽ mất an toàn cho người và phương tiện. Các doanh nghiệp được tỉnh cấp mỏ và có chủ trương cấp mỏ trong thời gian tới cần làm tốt công tác khảo sát, thăm dò trữ lượng một cách chính xác, làm cơ sở cho nhà máy có đủ nguyên liệu hoạt động lâu dài.
(Theo THẾ BÌNH // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com