Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo phía Bắc, gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Yên Bái đã có những bước phát triển đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Năm 2000, GDP của tỉnh là 1.340.136 triệu đồng, đến năm 2008, là 2.950.572, tăng lên gấp 2,2 lần. Cùng với sự phát triển kinh tế ngày càng vững chắc, đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tỉnh ngày càng được cải thiện, chính trị - an ninh quốc phòng luôn được đảm bảo. Đóng góp vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Yên Bái trong thời gian qua thì hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Tỉnh có vai trò vô cùng to lớn. Tăng cường thu hút ĐTNN được các cấp chính quyền Tỉnh coi như là một giải pháp đột phá nhằm từng bước phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh hiện nay và trong tương lai.
Tình hình thu hút nguồn vốn ĐTNN tại tỉnh Yên Bái
Trong thời gian qua, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của toàn tỉnh Yên Bái. Tỉnh đã thu hút được một lượng vốn ODA khá lớn từ nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), các tổ chức phi chính phủ NGOs, Nhật Bản,... Tổng số vốn ODA thu hút được từ năm 2005 đến nay là 818,1 tỷ đồng. Có 19 dự án ODA đang được thực hiện trên địa bàn của Tỉnh, trong đó Uỷ ban Nhân dân tỉnh Yên Bái trực tiếp quản lý là 15; các dự án do Bộ, ngành Trung ương quản lý là 4.
Các dự án ODA trên địa bàn tỉnh Yên Bái tập trung vào nhiều lĩnh vực và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh:
Lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng: nguồn vốn ODA đã giúp tỉnh Yên Bái cải thiện được phần nào hệ thống cơ sở hạ tầng vốn đang còn yếu kém, lạc hậu, thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi hàng hoá, giúp người dân vùng dự án nâng cao khả năng tiếp cận với thị trường, các dịch vụ xã hội, đặc biệt về giáo dục và y tế. Trong các năm 2005, 2006, vốn ODA mà Tỉnh thu hút được là 22,1 và 20,2 tỷ đồng, đến năm 2007, 2008 đã tăng lên là 59,9 và 108,8 tỷ đồng.
Phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn: những dự án ODA trong lĩnh vực này tại tỉnh Yên Bái không chỉ góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hoá sản xuất nông nghiệp mà còn có tác động lớn đến nhiều mặt của cuộc sống ở nông thôn. Nguồn vốn quan trọng này là một trong những nhân tố để giảm hộ nghèo, khuyến khích sản xuất ở nông thôn, đảm bảo phát triển cân đối cơ cấu kinh tế nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tổng số vốn ODA thu hút được từ năm 2005 đến năm 2008 là 335,3 tỷ đồng.
Phát triển lĩnh vực văn hoá xã hội: Số lượng dự án ODA trong lĩnh vực này hiện nay là nhiều nhất nhưng tỷ trọng về khối lượng vốn đầu tư thì không nhiều. Năm 2008, dự án ODA đầu tư vào lĩnh vực văn hóa - xã hội đặc biệt tăng, khối lượng vốn cũng tăng cao chiếm tới 56,2% trong tổng số vốn thực hiện được. Các dự án ODA đã đạt được những kết quả đáng kể, như dự án Tăng cường sức khoẻ sinh sản chu kỳ VI (VIE/01/P03) do Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em làm chủ dự án có giá trị khối lượng thực hiện năm 2005 đạt 5,1 tỷ đồng. Dự án Nâng cao năng lực làm tin thời sự Đài phát thanh truyền hình Tỉnh sử dụng nguồn vốn Chính phủ Tây Ban Nha với khối lượng giá trị thực hiện là: 92 tỷ đồng...
Trong những năm qua, nguồn vốn FDI gia tăng hàng năm vào tỉnh Yên Bái đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động ở địa phương đồng thời bổ sung một phần không nhỏ cho ngân sách đầu tư phát triển của Tỉnh.
Từ năm 1991 đến năm 2008, tỉnh Yên Bái đã cấp giấy phép đầu tư và chứng nhận đầu tư cho 16 dự án có vốn FDI, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 35,5 triệu USD, tổng vốn thực hiện đạt ước gần 12 triệu USD. Hiện nay, trên địa bàn của Tỉnh có 12 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, trong đó có 6 công ty liên doanh, với số vốn đăng ký đầu tư là 13,48 triệu USD (chiếm 38,14% tổng số vốn đăng ký), 5 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với 16,485 triệu USD (chiếm 46,64% tổng số vốn đăng ký), và 1 hợp đồng hợp tác kinh doanh 5,3795 triệu USD (chiếm 15,22%). Các dự án FDI tại Yên Bái hiện tập trung nhiều vào lĩnh vực khai thác khoáng sản thô với 7 dự án (chiếm 58,33% trong tổng số dự án) và 26,636 triệu USD (chiếm 75,36% vốn đăng ký). Ngoài ra còn có các dự án trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ nhưng chiếm tỷ trọng không nhiều.
Thông qua hoạt động thu hút FDI, tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận được các kỹ thuật công nghệ tiên tiến của nước ngoài, các doanh nghiệp của Tỉnh có điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu của địa phương. Từ năm 2000, tổng doanh thu của các doanh nghiệp FDI liên tục tăng, đến nay đóng góp vào GDP của Tỉnh ước đạt 493,2 tỷ đồng. Tổng số thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước của khu vực FDI đạt trên 37,2 tỷ đồng, bằng 0,025% so với tổng thu ngân sách của Tỉnh. Ngoài ra các doanh nghiệp FDI cũng đã tạo công ăn việc làm trực tiếp cho trên 500 lao động tại địa phương và hàng trăm lao động gián tiếp, góp phần giúp tỉnh Yên Bái giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho người dân. Với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, giá trị xuất khẩu của Tỉnh đã được nâng cao đáng kể. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN từ trước đến nay đạt 13,9 triệu USD bằng 37% so với tổng giá trị xuất khẩu của Tỉnh. Nhập khẩu đạt 305 nghìn USD tương đương 4,8 tỷ đồng, bằng 0,02% so với với giá trị nhập khẩu của cả Tỉnh.
Những hạn chế
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Yên Bái thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa tương xứng với tiềm năng của Tỉnh. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Yên Bái khảo sát, nhưng số lượng các dự án đầu tư vào Tỉnh không tăng nhiều.
Tỷ lệ các dự án đầu tư nước ngoài có sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn còn thấp. Tiến độ thực hiện dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra, kết quả là chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện còn lớn, tốc độ tăng vốn thực hiện chưa cao. Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tại tỉnh Yên Bái còn khiêm tốn cả về vốn đầu tư và các đối tác đầu tư. Các dự án FDI tại Yên Bái hiện vẫn còn tập trung nhiều vào lĩnh vực khai thác khoáng sản thô. Các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nhiều lĩnh vực quan trọng khác mà Tỉnh có tiềm năng chưa được chú trọng. Các nhà đầu tư FDI cũng chưa phong phú, đa dạng mà mới chỉ giới hạn ở những quốc gia nhất định như Đài Loan, ấn Độ, Trung Quốc, Pháp. Việc thu hút các dự án FDI vào khu công nghiệp chưa đạt hiệu quả do công tác quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm. Nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề cung ứng cho các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
Đối với các dự án ODA, mặc dù số vốn đã tăng đáng kể hàng năm nhưng nhìn chung, quy mô vốn các dự án còn nhỏ. Lĩnh vực đầu tư hiện nay vẫn chỉ tập trung chủ yếu vào nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa xã hội. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng còn ít, trong khi đó nhu cầu của Tỉnh về nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, điện lưới để phục vụ đi lại, sản xuất kinh doanh của người dân là rất lớn.
Bên cạnh đó, do Yên Bái là một Tỉnh nghèo, kém phát triển, nguồn ngân sách của Tỉnh hạn hẹp nên đang gặp khó khăn rất lớn do thiếu vốn đối ứng và vốn cam kết của địa phương trong các dự án đã được phê duyệt và ký kết với các nhà tài trợ, thời gian kể từ khi ký kết dự án đến lúc triển khai thực hiện còn kéo dài, có dự án lên đến gần 2 năm.
Các giải pháp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thu hút, sử dụng và quản lý vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, nâng cao hơn nữa vai trò của nguồn vốn này đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh trong thời gian tới, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Nhà nước, tỉnh Yên Bái cần có những giải pháp đồng bộ, chú trọng vào những vấn đề sau đây:
Thứ nhất, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài hợp lý và vững chắc. Để xây dựng chiến lược một cách có chất lượng, sát với tình hình thực tế, Tỉnh cần quan tâm cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế, làm công tác dự báo, đồng thời linh hoạt trong các phương án để có khả năng thích ứng được với sự thay đổi của các luồng vốn FDI, ODA giữa các tỉnh, địa phương trong cả nước.
Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh cần có những quy định và chính sách phù hợp với đặc điểm riêng của mình, thể hiện những ưu đãi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các thủ tục hành chính gây khó khăn cho các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp đầu tư cần từng bước xoá bỏ, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho các doanh nghiệp. Tỉnh Yên Bái cũng cần có kế hoạch tập trung đầu tư hơn nữa để hoàn thiện hạ tầng phục vụ cho nhu cầu phát triển chung như hệ thống giao thông (đường bộ, đường sắt, đường sông), xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt và thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa trong nội bộ tỉnh, giữa các địa phương. Cơ sở hạ tầng tốt là yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong thời gian tới, các hoạt động xúc tiến đầu tư của Tỉnh cần được triển khai mạnh mẽ, với các phương thức đa dạng hơn. Các bộ phận xúc tiến đầu tư của Tỉnh cần có mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để nắm bắt các thông tin cần thiết về chiến lược kinh doanh của các công ty nước ngoài, tìm hiểu nguyện vọng các nhà đầu tư và thu hút các nhà đầu tư lớn trên thế giới đồng thời giới thiệu các cơ hội đầu tư của Tỉnh. Ngoài ra cần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng trang web trong xúc tiến đầu tư và thương mại. Các thông tin cần được chuyển tải cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Để làm tốt được hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay và trong tương lại, Tỉnh cần có nguồn ngân sách hợp lý cho hoạt động này.
Thứ tư, chú trọng công tác đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực và thu hút trọng dụng nhân tài về làm việc tại Tỉnh. Để làm được việc này, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ các cấp, Tỉnh cần có chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn bó và làm việc lâu dài tại Tỉnh.
Thứ năm, tăng hiệu quả hoạt động của các dự án đã triển khai. Tỉnh cần tổ chức nhiều hơn các buổi gặp gỡ, tiếp xúc định kì của các nhà chức trách có thẩm quyền, trao đổi thông tin, bàn bạc tháo gỡ khó khăn trên cơ sở hợp tác cùng có lợi với các nhà tài trợ, nhà đầu tư nước ngoài. UBND tỉnh, các sở ban ngành có liên quan cần lắng nghe tiếp thu ý kiến đề xuất, đóng góp của nhà đầu tư, tài trợ trên cơ sở giải quyết các vấn đề vướng mắc một cách thấu đáo, hợp lý, tạo sự thân thiện và tâm lý thoải mái, khích lệ các nhà đầu tư. Ngoài ra, Tỉnh cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình thu hút và sử dụng ODA, FDI ở địa phương cũng như cả nước, nhất là những điển hình thu hút, sử dụng nguồn lực này có hiệu quả nhằm cung cấp những thông tin sát thực cho toàn thể người dân, các ngành, cấp trong toàn Tỉnh. Tăng hiệu quả hoạt động của các dự án đã triển khai sẽ có tác động tích cực, góp phần làm tăng tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài tại Yên Bái trong tương lai.
Mục tiêu của tỉnh Yên Bái đặt ra trong giai đoạn 2005-2010 là thu hút được khoảng 1.060 tỷ đồng vốn ODA và 150 tỷ đồng vốn FDI. Nhiệm vụ cần phải thực hiện trong thời gian tới của Tỉnh là rất lớn. Với tốc độ tăng của vốn ODA và FDI mà Tỉnh thu hút được trong thời gian qua thì mục tiêu mà Tỉnh đặt ra hoàn toàn có thể đạt được. Hy vọng rằng, Yên Bái sẽ có những nỗ lực thực hiện các giải pháp đối với hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn của Tỉnh một cách đồng bộ, chất lượng để nguồn vốn nước ngoài được sử dụng một cách có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh một cách bền vững./.
( Theo Bùi Thị Lý // Báo Kinh tế và Dự báo )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com