 | Lò Văn Giàng Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu |
Những kết quả chủ yếu năm 2008 Với tinh thần đoàn kết và đồng thuận, nhất trí của toàn Đảng bộ, trong chỉ đạo, thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, cùng sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008. Năm 2008, kinh tế Lai Châu tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đặc biệt chương trình phát triển cao su đã tạo ra hướng chuyển đổi mới về cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp. Năng suất các cây trồng vụ Đông Xuân, vụ mùa tăng so cùng kỳ, an ninh lương thực được đảm bảo; giá cả một số mặt hàng nông sản tăng khá có lợi cho nông dân. Sản xuất công nghiệp có bước chuyển biến tích cực, thu hút được nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.  | Buổi chiều ở Sìn Hồ - Lai Châu |
Hoạt động thương mại có bước phát triển, mạng lưới phân phối được mở rộng đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hàng hoá đa dạng và phong phú. Hệ thống nhà hàng, khách sạn, siêu thị,... phát triển nhanh; chất lượng các hoạt động dịch vụ như thương mại, du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông,... từng bước được nâng lên, cơ bản đáp nhu cầu ngày càng cao của người dân. Lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm toàn diện, phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở được duy trì và phát triển khá. Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần ổn định đời sống nhân dân, tỷ lệ giảm nghèo giảm từ 39,89% năm 2007 xuống còn 34,7% năm 2008. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là cho người nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách,... Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Kinh tế phát triển chưa đồng đều, chưa bền vững; lạm phát tăng cao và thiên tai, dịch bệnh, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn gặp nhiều khó khăn. Kết cấu hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn nhiều yếu kém, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là cơ sở hạ tầng đô thị, vùng sâu, vùng xa vùng dân tộc thiểu số. Một số lĩnh vực về xã hội còn nhiều bất cập, chất lượng giáo dục tuy đã được cải thiện nhưng còn chênh lệch giữa các vùng trong tỉnh. Mức giảm tỷ lệ sinh thấp so với kế hoạch, tỷ lệ bà mẹ sinh con thứ 3 tăng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2008 a. Các nhóm chỉ tiêu về kinh tế - Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 14,97%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Lĩnh vực Nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 38,42% năm 2007 xuống 35,24% năm 2008; Công nghiệp, xây dựng tăng từ 31,69% năm 2007 lên 35,63% năm 2008; Dịch vụ giảm từ 29,9% năm 2007 xuống 29,13% năm 2008. - Thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 6,38 triệu đồng, bằng 111,93% so với kế hoạch, tăng 28,9% so với năm 2007. - Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 144.323 tấn, tăng 6.968 tấn so với năm 2007. Bình quân lương thực đầu người đạt 417 kg/người, tăng 9,3 kg so với năm 2007. - Cây công nghiệp: Trồng mới ha chè 86,63 ha, đạt 86,63% kế hoạch; trồng mới 859,5 ha cao su, bằng 85,95% kế hoạch. - Thực hiện di dân TĐC thủy điện Sơn La cho 1.065 hộ, bằng 99,07 % kế hoạch. - Thu ngân sách trên địa bàn đạt 231 tỷ đồng, vượt 54% kế hoạch, tăng 81 tỷ đồng so với năm 2007. b. Nhóm chỉ tiêu về xã hội - 66/98 xã, chiếm 67,35% số xã có điện, có 61% số hộ được sử dụng điện. - Dân số trung bình đạt 343.787 người. Tỷ lệ tăng dân số là 2,51%, trong đó tăng tự nhiên 19,14%o, mức giảm tỷ lệ sinh 0,75%o. Do tỉnh mới chia tách nên tốc độ tăng cơ học duy trì ở mức cao. - 33/98 xã (33,67%) có Trạm y tế đạt tiêu chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Y tế, tăng 9 xã so với năm 2007, đạt 100% kế hoạch; 3,37 bác sỹ/1 vạn dân, bằng 92,58% kế hoạch. - Đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở thêm 25 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn phổ cập THCS lên 75 xã. - Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39,89% năm 2007 xuống còn 33,7% năm 2008, giảm 6,19 điểm %; Giải quyết việc làm mới cho 4.200 người, đạt 100% kế hoạch. Tổ chức cai nghiện ma tuý cho 920 lượt người, đạt 92% kế hoạch. - Nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 21,3%; Số lao động được đào tạo trong năm 9.600 người, trong đó đào tạo nghề cho 9.100 người. - 82% số hộ được nghe đài phát thanh, 71,8% số hộ được xem truyền hình, vượt kế hoạch. - 27,8% số thôn, bản, làng được công nhận đạt tiêu chuẩn văn hóa. c. Nhóm chỉ tiêu về môi trường - Tỷ lệ che phủ rừng 38,18%. - Trên 45% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; trên 62% dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt. |
|
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 Năm 2009 là năm thứ 4 triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 và là năm quyết định hoàn thành trước 1 năm các chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm, thiết thực lập thành tích chào mừng 100 năm thành lập tỉnh, 60 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Lai Châu. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động bất lợi ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Mục tiêu tổng quát Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư nhằm khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, tăng nhanh sản phẩm xã hội, tăng thu ngân sách địa phương. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm và các dự án sử dụng nguồn Trái phiếu Chính phủ,... Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu năm 2009, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI. Các chỉ tiêu chủ yếu a. Các chỉ tiêu kinh tế (1). Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP từ 14-15%, trong đó ngành nông, lâm, thuỷ sản tăng 4-4,5%; Ngành công nghiệp, xây dựng tăng 24-24,5%; Ngành thương mại, dịch vụ tăng 16,5 -17%. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản - Công nghiệp - Dịch vụ là 32,7 - 35,8 - 31,5(%). (2). Thu nhập bình quân đầu người/năm (giá hiện hành) đạt trên 7 triệu đồng. (3). Tổng sản lượng lương thực có hạt 146.500 tấn, Bình quân lương thực đầu người đạt 417kg/người. (4). Phấn đấu trồng mới 100 ha chè; 2.500 ha cây cao su. (5). Tỷ lệ tăng đàn gia súc 5 - 6% (mục tiêu năm 2010: 6 - 7%/năm). (6). Tiếp tục củng cố các khu, điểm TĐC thuỷ điện Sơn La; Đẩy nhanh các điều kiện để thực hiện di dân TĐC thuỷ điện Huổi Quảng, Bản Chát; Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện di dân TĐC thuỷ điện Lai Châu. (7). Phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 170 tỷ đồng. b. Các chỉ tiêu xã hội (9). 89,8% (88/98) số xã và 75% số hộ được sử dụng điện. (10). Dân số trung bình 350.816 người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình đạt 2,04%, trong đó tăng tự nhiên 1,875%, mức giảm tỷ lệ sinh 0,9%o. (11). 35/98 xã (35,7%) có Trạm y tế đạt tiêu chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Y tế (mục tiêu năm 2010 đạt 50%); phấn đấu đạt 4 bác sỹ/1 vạn dân. (12). Đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở thêm 23 xã. Hoàn thành phổ cập giáo dục Trung học cơ sở. (13). Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,71% xuống còn dưới 28,95%; Giải quyết việc làm cho 4.300 người; Tổ chức cai nghiện cho 1.000 lượt người. (14). Nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo lên 26%; Số lao động được đào tạo trong năm 8.500 người. (15). 89,7% số hộ nghe được đài phát thanh, trên 80% số hộ xem được truyền hình. (16). 63% gia đình đạt chuẩn văn hoá; 45% số thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn văn hoá; 66% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá. c. Các chỉ tiêu môi trường (17). Độ che phủ rừng đạt 41-42%. (18). 50% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, 73% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhiệm vụ chủ yếu của các ngành, lĩnh vực Phát triển nông nghiệp và nông thôn Nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng bằng việc chủ động về cơ cấu giống mới, phân bón, đảm bảo gieo trồng đúng thời vụ và chủ động về nước tưới; tập trung thâm canh tăng vụ, đưa cây màu xuống ruộng những nơi có điều kiện. Tập trung phát triển cây cây chè, thảo quả, cao su, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật hình thành các vùng sản xuất tập trung, gắn với cơ sở sản xuất và chế biến. Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, đặc biệt chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chè. Tiếp tục trồng mới 100ha chè, 380ha thảo quả, 2.500ha cao su. Tập trung phát triển mạnh các loại gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Thực hiện quyết liệt hiệu quả dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc. Bảo đảm về giống, thức ăn, kỹ thuật và các điều kiện cần thiết khác để khôi phục và phát triển nhanh chăn nuôi. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình dự án về phát triển nông nghiệp và nông thôn: 135 giai đoạn 2, chương trình vệ sinh môi trường nông thôn, các dự án phát triển thủy lợi...xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt là các dự án giao thông nông thôn, dự án thuỷ lợi vốn OPEC. Tăng cường chỉ đạo việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, các mô hình hiệu quả tại các khu vực thích hợp vào áp dụng trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Tiếp tục đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ quản lý để tăng sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Về phát triển công nghiệp Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, thủ công nghiệp có thế mạnh. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Mường So và cụm công nghiệp thị xã Lai Châu, các dự án đầu tư thuỷ điện, khai thác và chế biến khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư mới, mở rộng sản xuất, đa dạng các sản phẩm công nghiệp. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển các ngành hàng có lợi thế về nguồn nguyên liệu. Xây dựng sản phẩm chủ lực để tập trung đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Về phát triển thương mại, dịch vụ, thu ngân sách Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát. Tổ chức tốt mạng lưới phân phối, lưu thông hàng hoá; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển mạnh mạng lưới phân phối bán buôn và bán lẻ để đảm bảo cung ứng hàng hoá với giá cả hợp lý, nhất là hàng tiêu dùng thiết yếu và tại điểm bán hàng ở vùng sâu, vùng xa. Duy trì tỷ trọng thương mại bán lẻ đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng khu vực miền núi, vùng sâu; thực hiện tốt chính sách trợ cước, trợ giá đối với các mặt hàng thiết yếu; tổ chức tốt việc tiêu thụ hàng hoá nông lâm sản của nhân dân. Thực hiện tốt công tác thu ngân sách trên địa bàn, tăng cường các biện pháp chống thất thu. Chủ động tăng cường tạo các nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu trên cơ sở khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, chống thất thu thuế. Tiếp tục tăng cường hoạt động tín dụng ngân hàng cả về huy động vốn và cho vay vốn đối với các ngành, các thành phần kinh tế. Chú trọng đầu tư đến vùng sâu, vùng xa; quan tâm đầu tư vốn cho vay sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.  | Một phiên chợ của bà con dân tộc ở Lai Châu |
Đầu tư phát triển Huy động tối đa các nguồn lực của các thành phần kinh tế đầu tư thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010. Tiếp tục đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các công trình trọng điểm của tỉnh, các công trình giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Tập trung đẩy mạnh việc triển khai giải ngân nguồn vốn NSNN; sớm đưa các công trình vào sử dụng, và nâng cao hiệu quả công trình. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra trong đầu tư xây dựng phòng chống thất thoát lãng phí. Cải thiện môi trường đầu tư để huy động vốn đáp ứng cho yêu cầu tăng trưởng. Ngoài các giải pháp huy động nguồn vốn, việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công phải được coi trọng hơn nữa. Tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa trong thực hiện Nghị quyết 10 và quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát; thực hiện đình hoãn, giãn các dự án và cả các hạng mục đầu tư kém hiệu quả, chưa cấp bách. Phát triển các lĩnh vực xã hội Tiếp tục triển khai các Chỉ thị và thực hiện nghiêm túc cuộc vận động “Hai không” với bốn nội dung theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục, nâng cao trách nhiệm và tính năng động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục. Củng cố, duy trì và phát huy kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phấn đấu hoàn thành phổ cập THCS thêm 23 xã, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Tiếp tục thực hiện chủ trương kế hoạch hoá gia đình; cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng dân số gắn với nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và kế hoạch hoá gia đình. Thực hiện tốt chính sách lao động giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tạo việc làm mới cho 4.300 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn cũng như thành thị. Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh công tác xã hội hoá xoá đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo; tăng cường các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người dân, hướng dẫn tự phấn đấu vươn lên xóa ngèo bền vững. Tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững Quản lý, khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên. Tiếp tục triển khai đo đạc bản đồ địa chính nhằm phục vụ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất phục vụ xây dựng các dự án và chuyển mục đích sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường; đẩy mạnh công tác quản lý môi trường, cam kết bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo trồng cây xanh và bố trí các điểm thu gom rác tại các khu đô thị, khu đông dân cư. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội Tiếp tục xây dựng nền quốc phòng địa phương vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng và trật tự an toàn xã hội nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho kinh tế xã hội phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng xã phường trong sạch, vững mạnh, không có tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt các đề án phòng, chống tội phạm và quản lý tốt các hoạt động tôn giáo. Phát huy vai tr� giám sát của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư đối với việc phòng, chống các tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, buôn lậu và các tiêu cực xã hội khác. Kiềm chế thấp nhất tai nạn giao thông. Giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2009 Một là, tập trung phát triển sản xuất, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực có lợi thế, những sản phẩm có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế như phát triển cây cao su, sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng, khai thác chế biến khoáng sản, thuỷ điện, phát triển kinh tế cửa khẩu, sản xuất hàng hoá xuất khẩu tại địa phương. Hai là, rà soát, kiểm tra các công trình đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí vốn các công trình đã quyết toán, hoàn thành, công trình đang thi công có khối lượng thực hiện lớn, công trình trọng điểm; thực hiện giãn, hoãn các công trình chưa thật bức thiết, hạn chế khởi công mới; kiện toàn và tăng cường lực lượng cán bộ cho các Ban quản lý dự án. Ba là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lao động, theo hướng tăng nhanh tỷ trọng lao động phi nông nghiệp, đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo môi trường thông thoáng để thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Bốn là, bố trí nguồn vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý theo hướng ưu tiên cho phát triển cây cao su, chăn nuôi đại gia súc, phát triển rừng, hình thành vành đai thực phẩm ở thị xã, thị trấn,... cân đối nguồn vốn và chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh uỷ. Năm là, phấn đấu không còn hộ đói, giảm mạnh hộ nghèo, thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống đồng bào 5 dân tộc đặc biệt khó khăn; trước hết là tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức thiết trước mắt, nhất là điều kiện sống, chuyển đổi cơ cấu sản xuất,... đồng thời giải quyết tốt vấn đề lâu dài, xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí,... với bước đi phù hợp. Sáu là, tăng cường đào tạo nghề cho người lao động, đi đôi với giải quyết việc làm, thực hiện tốt các chính sách xã hội, chú ý chính sách về đảm bảo đời sống nhân dân khi thu hồi đất giải phóng mặt bằng phục vụ yêu cầu xây dựng ở thị xã, thị trấn, đồng bào vùng tái định cư thủy điện. Bảy là, đẩy mạnh triển khai các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao,... phục vụ kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh. Tám là, tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, nhất là quản lý đất đai, nguồn vốn, đầu tư xây dựng cơ bản... đi đôi với tăng cường các biện pháp cải cách hành chính và thực hiện tốt chủ trương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm; xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm. Chín là, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia, có biện pháp quản lý, chấn chỉnh kịp thời tình trạng lợi dụng tự do tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do... ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Mười là, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước”; tăng cường phân cấp quản lý, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong giải quyết công việc hành chính. Mười một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, quản lý của chính quyền các cấp, nêu cao vai trò của Đảng viên, tập hợp MTTQ, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009./. |