Lĩnh vực Chính trị là yếu tố quan trọng tác động đến tâm lý tư tưởng của cán bộ và người dân của huyện trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, nền kinh tế cả nước đã thay đổi lớn, các thành phần kinh tế đã có cơ hội tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, đời sống người dân cả nước nói chung và các tỉnh ven biển miền Trung nói riêng đã được nâng cao lên rất nhiều so với thời gian trước đổi mới (1986). Với sự quan tâm đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường học, trạm xá, cũng như giáo dục đào tạo được phổ cập, hơn nữa, gần đây làn sóng đầu tư có xu hướng tập trung mạnh vào các tỉnh ven biển miền Trung trong đó có huyện Sơn Tịnh, nền kinh tế của Sơn Tịnh đã tăng trưởng cao và ổn định. Vì vậy tạo được lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người dân tích cực tham gia vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Sơn Tịnh cũng là huyện có truyền thống cách mạng, hàng năm huyện tổ chức các cuộc mít tinh kỷ niệm để phát huy truyền thống quê hương, điều này tác động rất lớn và tích cực đến ý thức và tinh thần chính trị của người dân Sơn Tịnh. Lĩnh vực Kinh tế, trung bình tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện từ năm 2000 đến 2005 là 12,63%. Bình quân hàng năm tỉ lệ tăng ở các ngành như sau: nông nghiệp là 7,7 %, công nghiệp và xây dựng 19,6 % và dịch vụ 17,4 %. Nhìn chung trong giai đoạn 2001 - 2005, lĩnh vực nông-lâm-thủy sản vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của Huyện, công nghiệp - xây dựng và lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch có xu hướng tăng lên nhưng chưa cao. Tuy nhiên, tỉ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp có xu hướng giảm dần theo các năm bên cạnh đó là xu hướng tăng dần của công nghiệp và dịch vụ. Điều này thể hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Huyện theo xu hướng công nghiệp hoá. Về xã hội, các hoạt động xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy người dân tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân trong Huyện. Hàng năm, Sơn Tịnh tổ chức nhiều hoạt động văn hoá (truyền thống và hiện đại) nhằm phát huy tinh thần cho cán bộ và người dân tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Huyện, thực hiện các nhiệm vụ mà Tỉnh cũng như Nhà nước giao cho. Các hoạt động được tổ chức như: Tổ chức lễ dâng hương tại Đài tưởng niệm; Hội đua thuyền truyền thống; Hội võ cổ truyền; Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ hàng năm; Kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng 10; Kỷ niệm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; Các hoạt động văn hóa thể thao mừng Đảng mừng Xuân; Xây dựng quỹ vì người nghèo; Tổ chức các đợt thông tin lưu động; Hội diễn văn nghệ, giao lưu văn nghệ; Thể dục thể thao; Tổ chức cho các đoàn nghệ thuật về biều diễn ở Huyện; Kiểm tra các đợt đối với văn hóa độc hại, phản động; Phong trào xây dựng gia đình văn hóa .... Huyện đã có 1 bệnh viện, 2 phòng khám khu vực, 1 đội vệ sinh phòng dịch, 21 trạm y tế. Hiện nay, đội ngũ cán bộ y tế đã có ở tất cả các thôn trong huyện và hoạt động có hiệu quả với 228 cán bộ y tế (221 cán bộ ngành y, 38 bác sĩ, 7 cán bộ ngành dược trong đó có 1 dược sĩ có trình độ đại học). Hoạt động y tế của các xã cũng đã đóng vai trò tích cực trong việc theo dõi khám chữa bệnh tại các cộng đồng dân cư. Cụ thể là năm 2007, điều trị ngoại trú cho 35.914 người, số lần khám bệnh là 59.289 lần, điều trị nội trú là 5.184 lần. Lực lượng vũ trang của Huyện đã được xây dựng chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhân dân và nâng cao khả năng hiệp đồng chiến đấu trong mọi tình huống. Công tác tuyển quân hàng năm đều đạt 100%. Lực lượng dự bị động viên được quản lý bảo đảm về số lượng, chất lượng được tăng lên. Các phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc được duy trì, phòng tuyến an ninh nhân dân được giữ vững. Lực lượng an ninh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phá vỡ nhiều âm mưu và chỉ đạo thực hiện kiên quyết, nhờ đó tội phạm hình sự đã giảm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy trong trường học của Huyện được tăng cường đáng kể. Đến hết năm 2005, huyện có 22 trường mẫu giáo, 28 trường tiểu học với số học sinh là 16.972 người và 761 giáo viên; 21 trường trung học cơ sở với 19.068 học sinh và 760 giáo viên; 5 trường phổ thông trung học với 8.288 học sinh và 290 giáo viên. Số lao động qua đào tạo tăng đáng kể trong những năm gần đây, theo thống kê năm 2006 thì toàn Huyện có khoảng 1.167 người có trình độ đại học, 2.464 người có trình độ cao đẳng, 3.992 người có bằng trung học chuyên nghiệp, đây là một tiềm năng cần phải phát huy tối đa hiệu quả để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Khoa học công nghệ, Sơn Tịnh là huyện nằm kề sát thành phố Quảng Ngãi và cách thành phố Đà Nẵng 100 km (đây là 1 trong 4 trung tâm khoa học công nghệ lớn nhất của cả nước), vì thế Sơn Tịnh có nhiều thuận lợi để tiếp xúc với nền khoa học công nghệ mới, thông qua các cơ sở đào tạo và qua quan hệ công tác với các cơ sở nghiên cứu của thành phố Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng. Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Tịnh cũng quan tâm đầu tư phát triển trình độ khoa học công nghệ cho các nhóm người trong Huyện. Tuy nhiên, mặc dù lãnh đạo Huyện đã quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ nhưng thành quả đạt được còn rất nhiều hạn chế như: Sơn Tịnh không có những cơ quan chuyên trách nghiên cứu khoa học. Những hoạt động nghiên cứu chỉ mang tính chất nhỏ lẻ và chưa có quy mô tổ chức tốt; Đầu tư của Huyện cho phát triển công nghệ còn hạn chế và chưa có chương trình tốt để kêu gọi nguồn đầu tư của Tỉnh, Trung ương hay từ doanh nghiệp; Đội ngũ cán bộ Huyện còn hạn chế về trình độ để có thể tham gia nghiên cứu các giải pháp công nghệ; Sơn Tịnh mới đang ở giai đoạn bắt đầu, xây dựng các khu công nghiệp để đón bắt đầu tư, thực tế các doanh nghiệp hoạt động chưa nhiều, nhiều doanh nghiệp còn đang trong quá trình xây dựng, vì thế việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp công nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa tạo nhiều cơ hội cho người dân tiếp cận với khoa học công nghệ thông qua sản xuất. Về môi trường, Huyện vẫn còn đang trong tình trạng chưa có ô nhiễm đáng báo động. Tuy nhiên, một số ô nhiễm vẫn xảy ra, Sơn Tịnh cần phải tính toán để có biện pháp giải quyết sớm như tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm đất, ô nhiễm tiếng ồn, tránh tình trạng khi môi trường đã ở giai đoạn ô nhiễm nặng mới tính đến việc khắc phục hậu quả. Lãnh đạo Huyện và phòng tài nguyên môi trường cũng đã xác định vấn đề bảo vệ môi trường là quan trọng, nhưng chưa có nhiều giải pháp. Một số nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường ở Sơn Tịnh: Ô nhiễm liên quan đến quá trình sinh hoạt của người dân; liên quan đến quá trình sản xuất; do chặt phá rừng vô tổ chức làm giảm sức chịu đựng của môi trường, mất đa dạng sinh học; do tác động của thiên tai và ô nhiễm do phương tiện giao thông. Môi trường xã hội của Sơn Tịnh tương đối tốt. Chính quyền huyện Sơn Tịnh cũng luôn quan tâm đến phát triển một môi trường xã hội lành mạnh, ngày càng phù hợp hơn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các loại hình văn hoá truyền thống và hiện đại đan xen với nhau tác động đến đời sống tinh thần của người dân Sơn Tịnh. Bên cạnh đó, với xu thế phát triển kinh tế theo xu hướng công nghiệp, người dân Sơn Tịnh cũng đang dần dần thích ứng với đặc điểm văn minh đô thị. Sơn Tịnh cũng có lợi thế về vị trí và giao thông để tiếp xúc với các trung tâm văn hoá xã hội tiên tiến như thành phố Quảng Ngãi, Đà Nẵng, sắp tới sẽ có thêm Vạn Tường, khu kinh tế Dung Quất. Vì thế rất có tiềm năng cho Sơn Tịnh phát trển văn hoá theo xu hướng hiện đại. Về luật pháp, trong những năm qua, tình hình chấp hành pháp luật của người dân và cán bộ huyện Sơn Tịnh là tương đối tốt. Các cán bộ là lực lượng được chỉ đạo, gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật, kỷ luật công tác là vấn đề được lãnh đạo huyện Sơn Tịnh luôn quan tâm và chỉ đạo nghiêm khắc đối với cán bộ. Vì thế tình hình vi phạm pháp luật của công chức xảy ra rất ít và mức độ nghiêm trọng không cao, chủ yếu là do lỗi về hạn chế trình độ và xử lý ở mức xử phạt hành chính, chưa có tội phạm hình sự liên quan đến việc cán bộ nhà nước vi phạm trong công tác. Uỷ ban nhân dân Huyện cũng thường xuyên chỉ đạo các phòng ban, cơ quan bảo vệ pháp luật cấp huyện và xã thường xuyên nâng cao nghiệp vụ, tuyên truyền giải thích pháp luật để người dân ngày một nâng cao trình độ, am hiểu pháp luật và phục vụ tốt hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Huyện. Thực tế người dân Sơn Tịnh do đa số sống ở nông thôn thôn nên bị hạn chế việc cập nhật và am hiểu pháp luật, vì thế Huyện đã tổ chức nhiều cuộc vận động, tuyên truyền giải thích pháp luật cho người dân, đặc biệt là các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sơn Tịnh chịu tác động của nhiều nhân tố, qua kết quả của nghiên cứu này, hy vọng sẽ giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách ở địa phương hiểu sâu hơn về tình hình các yếu tố liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của Huyện, đồng thời giúp họ hiểu biết sâu về những thuận lợi và những khó khăn trong việc phát triển từng nhân tố nêu trên. Kết quả nghiên cứu này cũng giúp các nhà quản lý địa phương trong việc đề xuất các giải pháp cho việc phát triển các nhân tố theo mô hình phân tích PESTEL, gồm có: Chính trị, kinh tế, xã hội, Công nghệ, Môi trường và Pháp luật./. |