- Với lợi thế đa dạng các vùng sinh thái, những năm qua, hàng loạt các mô hình nuôi trồng thủy sản ở Kiên Giang được hình thành, nổi bật như: tôm - lúa, cá lồng bè trên biển, tôm càng xanh, cua, sò..., góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ thủy sản ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Con tôm và cây lúa Vùng sinh thái U Minh Thượng gồm bốn huyện: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Toàn vùng hiện có 65 nghìn ha đất áp dụng mô hình tôm - lúa, hằng năm thu hoạch hơn 20 nghìn tấn tôm, chiếm hơn 2/3 sản lượng tôm nuôi toàn tỉnh Kiên Giang. Cách đây gần mười năm, khi địa phương chưa quy hoạch mô hình con tôm ôm cây lúa, nhiều hộ dân trong vùng đã tự ý chuyển đổi đất sản xuất 1 - 2 vụ lúa mỗi năm sang mô hình sản xuất 1 vụ tôm - 1 vụ lúa. Từ đây, mâu thuẫn của người trồng lúa và người nuôi tôm đã xảy ra, và chính quyền địa phương, các ngành chức năng phải xử lý, hòa giải. Tuy nhiên, trước kết quả tốt của những mô hình mới và trước những khó khăn trong cuộc sống của những người trồng cây lúa, các địa phương chủ động quy hoạch và vận động người dân chuyển đổi diện tích đất nhiễm mặn thu hoạch vụ hè thu kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa. Hàng loạt các công trình thủy lợi được xây dựng để áp dụng mô hình sản xuất này. Chỉ tính riêng huyện An Biên, từ năm 2001 - 2005, diện tích áp dụng mô hình tôm - lúa tăng bình quân 178%/năm, sản lượng tăng hơn 400%/năm. Ðồng chí Phạm Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy An Minh cho biết: "Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, con tôm ôm cây lúa là bước đột phá không chỉ riêng huyện An Minh mà của toàn vùng U Minh Thượng. Ðất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, tập quán sản xuất... tất cả đều phù hợp với mô hình này". An Minh cũng là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất vùng với gần 35 nghìn ha, trong đó phần lớn diện tích áp dụng mô hình 1 tôm - 1 lúa. Sau hơn bảy năm áp dụng mô hình này, số hộ nghèo của huyện đã giảm đáng kể. Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ở An Minh phát triển mạnh, nông dân ở Năm Hắc, Năm Nước, Danh Thìn ở xã Vân Khánh Tây hay Út Hòa xã Ðông Hòa, Ba Tần xã Thuận Hòa... đã phất lên trở thành những điển hình trong sản xuất theo mô hình 1 tôm - 1 lúa cho cả vùng học tập. Ðồng chí Huỳnh Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận khẳng định: "Từ khi chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm - lúa, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện áp dụng mô hình này giảm mạnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của Vĩnh Thuận từ 0,7 đến 0,85%/năm. Vụ tôm năm 2009, toàn vùng U Minh Thượng trúng đậm, trong đó Vĩnh Thuận đạt cao nhất với năng suất bình quân 320kg/ha". ![]() Nông dân Kiên Giang thu hoạch tôm sú. Nuôi cá trên biển Trong một chuyến đi thực tế tới các xã đảo ở Kiên Giang gần đây, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự phát triển nhanh của mô hình nuôi cá lồng bè trên biển ở đây, đặc biệt là ở đảo Hòn Mấu, Hòn Ngang (xã Nam Du), Hòn Củ Tron (xã An Sơn), Hòn Tre (xã Hòn Tre) huyện Kiên Hải; quần đảo Hải Tặc thuộc xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên hay quần đảo Bà Lụa, thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương... Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Kiên Giang: Năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 131 lồng bè trên biển nuôi cá mú, cá bớp, với sản lượng khoảng 90 tấn/năm, thì đến năm 2008, số lồng bè nuôi cá đã tăng lên 546 lồng, với sản lượng 693 tấn/năm và hiện nay lên đến 925 lồng, sản lượng hơn 1.200 tấn/năm. Chỉ tính trong năm năm (2005 - 2009), số lồng bè nuôi cá trên biển ở Kiên Giang đã tăng hơn bảy lần và sản lượng thủy sản thu hoạch tăng hơn 13,3 lần. Kết quả này chứng tỏ, nghề nuôi cá lồng bè trên biển đang phát triển đúng hướng. Một trong những huyện có phong trào nuôi cá lồng bè trên biển phát triển mạnh là huyện đảo Kiên Hải. Với 23 đảo lớn nhỏ hợp thành, Kiên Hải đã tận dụng rất tốt lợi thế này để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Ðồng chí Trần Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải cho biết: Nghề nuôi cá lồng bè xuất hiện rất sớm ở đây, nhưng mãi đến những năm 2005 - 2008 mới phát triển mạnh. Hiện nay toàn huyện có 141 hộ nuôi, với 375 lồng bè. Nhiều hộ dân ở xã Nam Du, An Sơn đã phất lên khá, giàu cũng từ mô hình nuôi cá lồng bè. Xã Nam Du đã thành lập được HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản. Theo một công bố mới đây của các nhà khoa học, mặt nước quanh đảo Hòn Tre có khả năng nuôi cá lồng bè quanh năm. Ðây là tin vui cho rất nhiều hộ dân nơi đây. Vì theo đồng chí Trần Thị Hồng, trước đây ngư dân cho rằng, đảo Hòn Tre gần đất liền, nguồn nước sẽ ngọt vào mùa lũ nên hằng năm tạm ngưng nuôi từ tháng 6 đến tháng 10. Kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Kiên Giang cho rằng: Vùng biển Kiên Giang có thời tiết và khí hậu ít biến động, chất lượng môi trường nước tốt, thích hợp cho sinh vật biển phát triển, giống và nguyên liệu làm thức ăn cho cá cũng khá dồi dào, vì vậy đáp ứng được yêu cầu nuôi trồng của người dân. Và theo kế hoạch phát triển nuôi cá lồng bè trên biển của tỉnh đến năm 2015 Kiên Giang có 1.500 lồng bè, đạt sản lượng 2.000 tấn/năm. Nỗ lực gắn sản xuất với thị trường Cũng theo kỹ sư Nguyễn Ngọc Phượng, Kiên Giang đã hình thành bốn vùng sinh thái mà tiềm năng nuôi trồng thủy sản được duy trì nhiều năm nay. U Minh Thượng có thể phát triển đa dạng về chủng loại thủy sản: mặn, lợ, ngọt. Hằng năm, diện tích tôm - lúa là 65 nghìn ha, sản lượng thu hoạch 20 nghìn tấn; sò huyết 3.500 ha, sản lượng sáu nghìn tấn; cua biển khoảng hai nghìn ha, sản lượng ba nghìn tấn. Vùng tứ giác Long Xuyên với thế mạnh nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, diện tích nuôi 1.500 ha, sản lượng 10 nghìn tấn. Vùng tây sông Hậu, gồm các loài cá nước ngọt, diện tích nuôi cá tra thâm canh và bán thâm canh ở huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng là 100 ha, sản lượng đạt 10 nghìn tấn. Huyện Gò Quao, Giồng Riềng với lợi thế nước ngọt quanh năm sẽ phát triển nuôi tôm càng xanh trên diện tích 50 ha, sản lượng đạt 20 tấn/năm. Vùng biển và hải đảo tập trung nuôi cá lồng bè, chủ lực là cá mú, cá bớp, ghẹ, ốc hương, tôm hùm... Thế mạnh là vậy, song tồn tại lớn nhất của Kiên Giang hiện nay là chưa xây dựng được vùng nguyên liệu thủy sản tập trung gắn với thị trường tiêu thụ. Vừa qua, tỉnh đã tổ chức hội thảo về chủ đề này. Tại hội thảo, nguyên nhân được xác định là do thiếu hụt nguồn giống bảo đảm chất lượng đối với những loài nuôi như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá bớp, cá mú sao, mú đen, cá tra... phải nhập từ miền trung về, trong khi các cơ sở sản xuất giống tại chỗ chỉ đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu. Chi phí tăng cao, hiệu quả nuôi giảm và thị trường tiêu thụ không ổn định nên nông dân thường xuyên gặp cảnh "được mùa - mất giá". Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn Kiên Giang chỉ thu mua và đưa vào sản xuất khoảng 15% nguồn nguyên liệu thu hoạch từ các vùng nuôi. Sản lượng còn lại "chạy" sang các doanh nghiệp ngoài tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, TP Hồ Chí Minh... "Với 17 công ty, 21 nhà máy hiện có, nhưng năng lực chế biến đối với mặt hàng tôm của Kiên Giang chỉ đạt 10% công suất thiết kế, vì vậy kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhiều năm qua không đạt kế hoạch" - đồng chí Nguyễn Văn Bấu nói. Trên cơ sở những đánh giá, phân tích và những cứ liệu khoa học, Kiên Giang xây dựng năm vùng nuôi trồng thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ là phù hợp. Ngoài bốn vùng sinh thái đã hình thành, tỉnh sẽ quy hoạch huyện Tân Hiệp thành vùng nuôi cá da trơn. Trong quá trình thực hiện sẽ tập trung xây dựng dự án sản xuất giống thủy sản tập trung ở Phú Quốc. Ðẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho người nuôi; xây dựng các mô hình trình diễn có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, mở rộng thị trường nội địa nhằm tiêu thụ hết sản phẩm thủy sản cho nông dân, ngư dân. |
(Theo VIỆT TIẾN // Báo Nhân dân điện tử)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com