Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất trong cả nước, hội tụ những yếu tố cần thiết cho phát triển nông, lâm- thuỷ- sản, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu. Năm 2007, Nghệ An đạt giá trị xuất khẩu 114,4 triệu USD, trong đó có khoảng 15 mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu; thị trường xuất khẩu đã mở rộng tới 60 quốc gia và lãnh thổ. Tuy nhiên, quy mô giá trị xuất khẩu còn quá nhỏ, chưa ổn định, thiếu bền vững và chưa tương xứng với những tiềm năng mà Nghệ An có. Đây thực sự là vấn đề đặt ra cho chiến lược xuất khẩu của Tỉnh trong thời gian tới.
Hoạt động xuất khẩu của tỉnh Nghệ An
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Nghệ An không ổn định, năm 2004 tăng trưởng âm do dịch SARH, năm 2005 là năm tăng vượt bậc nhờ tăng số lượng và giá trị các mặt hàng xuất khẩu nông thủy sản, công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp nặng và khoáng sản. Nhìn chung tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Nghệ An còn thấp so với cả nước.
Tỉ lệ giữa giá trị xuất khẩu và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nghệ An có tăng nhưng chậm, năm 2000 là 4,1%, năm 2005 tăng lên 7,97% và đến năm 2007 là 7,98%. Tỉ lệ so sánh này là một trong những yếu tố thể hiện “hệ số mở của nền kinh tế” của Tỉnh, điều này cho thấy nền kinh tế Nghệ An đang dần hội nhập vào nền kinh tế thị trường của thế giới, nhưng mức độ hội nhập đang còn thấp so với các địa phương khác trong cả nước.
Bình quân giá trị xuất khẩu/người của Nghệ An tăng nhưng vẫn còn thấp so với Việt Nam (năm 2007 Việt Nam là 56,8 USD/người).
Quy mô xuất khẩu của Nghệ An còn nhỏ so với cả nước chỉ chiếm khoảng từ 0,2 đến 0,3% giá trị xuất khẩu của cả nước, nhưng tỉ trọng này có xu hướng tăng mặc dù tăng chậm, điều đó thể hiện sự nỗ lực của Tỉnh về chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu. Đặc biệt năm 2007 Nghệ An đã vượt qua con số 100 triệu USD để gia nhập “Câu lạc bộ xuất khẩu trên 100 triệu USD”, giá trị tăng gấp 5 lần so với năm 2000. Mặt khác, trong giá trị xuất khẩu thì xuất khẩu trực tiếp chiếm trên 90%, chỉ dưới 10% xuất khẩu ủy thác nên hiệu quả xuất khẩu tương đối cao.
Trong cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Nghệ An chiếm tỉ trọng cao nhất là nhóm nông-lâm-thuỷ sản chiếm khoảng 53% giá trị và có xu hướng tăng, tiếp đến là nhóm công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 33% nhưng có xu hướng giảm, nhóm công nghiệp nặng, khoáng sản chiếm tỉ trọng thấp nhất gần 14% và có xu hướng tăng. Điều đó chứng tỏ thế mạnh xuất khẩu của Nghệ An vẫn là sản phẩm khu vực 1 và khoáng sản, nền kinh tế của Tỉnh vẫn là sản xuất nông nghiệp và khai thác nguồn tài nguyên (khoáng sản, rừng) sẵn có, vẫn thiếu các sản phẩm thông qua chế biến, hoặc có hàm lượng kỹ thuật cao. Trong khi đó cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam như sau: nhóm công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỉ trọng cao nhất và có có xu hướng tăng nhanh; tiếp đó là nhóm công nghiệp nặng, khoáng sản và có xu hướng giảm; nhóm nông-lâm-thuỷ sản tỉ trọng chiếm thấp nhất và có xu hướng giảm dần.
Nghệ An có khoảng 43 mặt hàng xuất khẩu, trong đó có 34 mặt hàng xuất khẩu trực tiếp, 9 mặt hàng xuất khẩu ủy thác, số mặt hàng xuất khẩu chính không nhiều, có mặt hàng có 1 sản phẩm, có mặt hàng có nhiều sản phẩm (hàng dệt may, gỗ...). Số hàng xuất khẩu có từ nhiều nguồn: sản xuất trong tỉnh, thu gom từ các tỉnh bạn, từ nước bạn Lào.
Năm 2000, Nghệ An mới có 6 mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó có 5 mặt hàng nhóm nông-lâm-thuỷ sản, 1 mặt hàng công nghiệp; đến năm 2005 có 14 mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó có 7 mặt hàng nhóm nông-lâm-thuỷ sản (trong nhóm này có mặt hàng đường kính năm 2000 là hàng xuất khẩu chính nhưng đến năm 2005 trở đi đã mất dần vị thế), 7 mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khoáng sản; đến năm 2007 có 15 mặt hàng xuất khẩu chính, trong đó thêm 1 mặt hàng nhóm nông-lâm-thuỷ sản (vừng). Nghệ An đã có sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế và kinh doanh xuất khẩu nên đa dạng hóa các mặt hàng, danh mục các mặt hàng xuất khẩu chính năm 2007 tăng hơn 2 lần so với năm 2000.
Xét về giá trị xuất khẩu, năm 2000 các mặt hàng xuất khẩu chính chỉ đạt trên 11 triệu USD, chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu; đến năm 2007 các mặt hàng xuất khẩu chính đạt trên 72 triệu USD, chiếm trên 63% giá trị xuất khẩu.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Nghệ An bao gồm: Tinh bột sắn (là mặt hàng giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Nghệ An, được xuất khẩu vào năm 2003. Sản lượng và giá trị mặt hàng này tăng mạnh, chiếm gần 15% giá trị xuất khẩu); Cao su (đây cũng là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao của Nghệ An, chiếm gần 15% giá trị xuất khẩu và có xu hướng tăng; Lạc nhân (đây là mặt hàng xuất khẩu giá trị của Nghệ An, chiếm trên 8% giá trị xuất khẩu; Chè búp khô; cà phê; Hàng dệt, may; Hàng thủ công mỹ nghệ (sản phẩm này chủ yếu là đồ gỗ gia dụng, mây tre đan. Giá trị xuất khẩu tăng nhưng tỉ trọng không ổn định, chiếm khoảng 2,6% giá trị xuất khẩu); Sản phẩm gỗ (giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ không ổn định, chiếm khoảng 2,1% giá trị xuất khẩu); Khoáng sản (giá trị xuất khẩu khoáng sản cũng không ổn định, chiếm khoảng 2,1% giá trị xuất khẩu); Đá trắng (giá trị xuất khẩu và tỉ trọng xuất khẩu đá trắng tăng nhanh, chiếm trên 4,4% giá trị xuất khẩu) và một số mặt hàng xuất khẩu chính khác như gạo,thuỷ sản, vừng, nước dứa cô đặc.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã xuất khẩu đến khoảng 60 nước và vùng lãnh thổ. Ngoài thị trường truyền thống như Châu Á, các doanh nghiệp Nghệ An đã từng bước thâm nhập vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU...
Nghệ An cũng đã xuất được một lượng hàng lớn các sản phẩm cánh kiến, tùng hương (nhựa thông), cà phê, mủ cao su sang các thị trường được xem là mới như ấn Độ, Marốc, Tuốcmênixtan, Acmênikixtan. Gần đây, khu vực thị trường EU và Mỹ tăng đáng kể trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của Nghệ An, từ 12,8% năm 2000 lên 22% năm 2007, trong đó thị trường Mỹ đạt trên 4 triệu USD, thị trường EU đạt 11,5 triệu USD với các mặt hàng chính như hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, chè, nước dứa cô đặc, bật lửa ga... Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nghệ An xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này phần lớn đều qua bạn hàng trung gian nước ngoài. Thị trường các nước Đông Âu cũ nay đang được các doanh nghiệp khai thông trở lại, nhất là thị trường Nga, Ucraina, Rumani, Hunggari song còn qua trung gian, thị phần nhỏ bé.
Bốn tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh đạt gần 66 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ, trong đó, nổi bật là các mặt hàng tinh bột sắn, chè, hàng thủ công mỹ nghệ, mủ cao su, quặng...
Các doanh nghiệp Nghệ An đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU... và dần có được kinh nghiệm giao dịch trên thương trường quốc tế. Đặc biệt đối với một số hàng nông sản như lạc nhân, sản phẩm gỗ, tinh bột sắn, chè, cánh kiến, tùng hương (nhựa thông), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã gần như “chuyển ngôi” từ vị trí chỉ là người cung ứng hàng xuất khẩu cho các Tổng công ty Trung ương trở thành “nhà xuất khẩu”.
Tại các nước Châu Á, Trung Quốc được coi là thị trường hàng đầu của các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu bao gồm: Tinh bột sắn, cao su, hải sản, sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà phê, chè, hàng thủ công mỹ nghệ và hàng hoá khác. Thái Lan là thị trường xuất nhập khẩu tiềm năng đồng thời là một đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp Nghệ An, khi mà hành lang Đông - Tây được nối liền, vùng Đông Bắc Thái Lan sẽ tiêu thụ một lượng khá lớn hàng nông hải sản của Nghệ An xuất khẩu sang Lào qua cửa khẩu Thanh Thuỷ. Nhật Bản là một trong những thị trường lớn của Nghệ An và đang có tốc độ tăng cao. Gần đây Nhật Bản bổ sung thêm 118 loại hàng nông sản vào danh mục ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng lại giảm thuế GSP đối với 60 mặt hàng. Lào là nước tiếp giáp biên với Nghệ An và có 2 cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ, đây là điều kiện thuận lợi để Nghệ An mở rộng thương mại với Lào. Thông qua thị trường Lào, các doanh nghiệp Nghệ An có cơ hội tiếp cận với thị trường Thái Lan, Myanma. Các nước Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippine là thị trường lớn tiêu thụ lạc nhân, thiếc thỏi, dăm gỗ đồng thời cũng là thị trường lao động chính của Tỉnh...
Tại các nước châu Âu: Đây là thị trường tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn và giá cả cao nhưng yêu cầu hết sức khắt khe về chất lượng, vệ sinh môi trường, mẫu mã, kinh doanh bài bản hiện đại. Trong năm 2007 thị trường này chiếm tỷ trọng gần 16% trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng thị trường này có nhu cầu mà Nghệ An có thể cung cấp bao gồm dệt may, chè, cà phê, hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ, bật lửa ga, nước dứa cô đặc.
Tại các nước châu Mỹ, đây là một thị trường khổng lồ của thế giới, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, nhưng cũng là thị trường khắt khe, phức tạp, đòi hỏi chất lượng sản phẩm xuất khẩu cao. Hằng năm Nghệ An đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ các mặt hàng như bật lửa ga, bột giấy.
Các nước Châu Phi, Tây Á và Nam Á: Là những thị trường trong tương lai không xa nữa Nghệ An sẽ cố gắng đưa được một số mặt hàng sang thị trường này. Thị trường này tuy mới mẻ đối với Nghệ An nhưng có nhiều hứa hẹn vì tương đối dễ tính, có nhu cầu cao đối với nhiều loại sản phẩm hàng hoá mà Nghệ An có thể cung cấp như chè, nhựa thông, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, gạo tẻ... Trong thời gian tới cần nỗ lực tiếp cận và thâm nhập thị trường này bằng các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, trước mắt có thể thông qua công ty của nước thứ ba.
Các thị trường chính chiếm 89,2% giá trị xuất khẩu, trong đó thị trường châu Á chiếm 69,8% (cao nhất là Trung Quốc, các nước ASEAN chiếm 24,4%), thị trường châu Âu 15,6%.
Và giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu
Thứ nhất, xác định mặt hàng xuất khẩu chủ lực để đầu tư nâng cao tính cạnh tranh, xây dựng thương hiệu.
Trong điều kiện năng lực và trình độ phát triển kinh tế của Tỉnh chưa cao, không đủ để đầu tư cho nhiều mặt hàng xuất khẩu, do vậy cần xác định mặt hàng chủ lực được sản xuất trên địa bàn của Tỉnh, mang tính bản địa cao. Các mặt hàng đó là: tinh bột sắn, lạc nhân, dứa cô đặc, gỗ dăm, đá trắng. Lạc nhân có tính bền vững cao vì lạc nhân là sản phẩm có tính bản địa, chất lượng tốt, phù hợp với đặc điểm đất đai, khí hậu Nghệ An, nhất là vùng đất cát pha (chưa có cây nào hiệu quả hơn lạc), tận dụng nguồn lao động nông dân lớn, thị trường tiêu thụ rộng, ổn định; gỗ dăm là sản phẩm từ các loại cây trồng phủ xanh đất trống đồi trọc như keo, tràm, bạch đàn từ 3-5 năm tuổi, không những có giá trị xuất khẩu qua sơ chế mà còn có giá trị về môi trường; đây là những loại cây xóa đói giảm nghèo. Còn các mặt hàng tinh bột sắn, dứa cô đặc, đá trắng là những mặt hàng chủ lực trước mắt. Tinh bột sắn, dứa cô đặc có giá trị xuất khẩu cao nhưng có nguy cơ làm cho đất bạc màu nhanh, xói mòn rửa trôi mạnh khi thu hoạch, ô nhiễm môi trường nơi sơ chế nên cần nghiên cứu, tính toán hiệu quả giữa được và mất mọi mặt để phát triển lâu dài hay chỉ một thời gian. Đá trắng là khoáng sản quý hiếm của Việt Nam, chỉ có ở Nghệ An với chất lượng tốt, nếu cứ để xuất khẩu thô kéo dài thì quá lãng phí, cần sản xuất các sản phẩm xuất khẩu từ đá trắng. Ngoài ra cần nghiên cứu đầu tư vào một số mặt hàng mới như cam, khoai sọ, là những sản phẩm cao cấp có giá trị của Nghệ An, gọi là “hàng của những người giàu”, mặc dù chưa có mặt trong hàng xuất khẩu, đây có thể là ý tưởng mới. Hiện nay các sản phẩm này đang hiếm trên thị trường vì chưa được đầu tư trồng trọt quy mô lớn.
Thứ hai, xác định thị trường xuất khẩu trọng điểm
Với khoảng 60 quốc gia và lãnh thổ được giao dịch xuất khẩu, nhưng cần xác định các thị trường trọng điểm để ưu tiên đầu tư nghiên cứu, tiếp thị... Các thị trường đó là: Trung Quốc, ASEAN (đặc biệt là Lào), một số nước EU (chủ yếu là các nước Đông Âu), đây là những thị trường truyền thống chiếm tỉ trọng cao trong xuất khẩu, ổn định, ít phức tạp, thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nghệ An. Ngoài ra cần tiếp cận nghiên cứu thị trường mới là Nhật Bản, ấn Độ và châu Phi./.
( Theo Hồ Thị Thanh Vân // Báo Kinh tế và Dự báo )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com