Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế-xã hội, trong những năm qua, môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã có nhiều cải thiện, ngày càng bình đẳng hơn, thông thoáng và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, góp phần chống suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Từ năm 2003 đến 2008, đã có 515 dự án được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thỏa thuận địa điểm đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký khoảng 63.550 tỷ đồng; trong đó các dự án đã được Uỷ ban nhân dân Tỉnh thỏa thuận đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư là 377 dự án, với số vốn là 42.996 tỷ đồng, bằng 73,2% số dự án và bằng 67,7% về vốn đăng ký so với tổng dự án được thoả thuận địa điểm hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện có 199 dự án đã và đang triển khai với số vốn đầu tư khoảng 10.764 tỷ đồng, chiếm 52,7% so với tổng dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư, trong đó có 54 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư khoảng 1.274 tỷ đồng, chiếm 10,5% về số dự án và bằng 2% về vốn thực hiện so tổng dự án được Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trong cơ cấu đầu tư, lĩnh vực du lịch - thương mại vốn là thế mạnh của Tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn nhất: 213 dự án, bằng hơn 41% tổng số dự án; lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm vị trí thứ hai: 125 dự án, bằng hơn 24% tổng số dự án; tiếp theo là công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: 101 dự án, bằng 20% tổng số dự án. Ngoài ra còn phải kể đến các lĩnh vực xã hội: 42 dự án, chiếm 8% số dự án và thủy điện: 34 dự án, chiếm 6,6% tổng số dự án.
Đầu tư nước ngoài tại Lâm Đồng cũng ngày càng có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Doanh thu xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu địa phương và tạo việc làm thường xuyên cho 7.500 lao động và hàng ngàn lao động thời vụ, đã góp phần phát triển các dịch vụ có liên quan.
Giai đoạn 2006 - 2008 có thể xem là thời kỳ có bước chuyển biến mang tính đột phá, tổng vốn đầu tư xã hội đạt tới trên 15.500 tỷ đồng, bằng 44,3% GDP; ước tính 5 năm 2006 - 2010 bằng 3,2 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Nhờ vậy, tốc độ tăng GDP của Tỉnh trong 3 năm 2006 - 2008 đạt tới 15%/năm, gấp 1,5 lần giai đoạn 2001 - 2005 (10,7%/năm). Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 đạt 6,1 triệu đồng, năm 2007 đạt 9,72 triệu đồng và tăng lên 12,5 triệu đồng năm 2008. Thu ngân sách nhà nước năm 2005 đạt 1.203 tỷ, năm 2007 đạt 1.844 tỷ đồng, và năm 2008 đạt 2.200 tỷ đồng.
Đạt được những kết quả nêu trên là do môi trường đầu tư của tỉnh Lâm Đồng đã được các nhà đầu tư đánh giá ngày càng có sức hấp dẫn. Tỉnh đã chủ động triển khai một số giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, với các điểm nhấn quan trọng như:
Một là, về cải thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Tỉnh đã đầu tư vào chương trình nâng cấp sân bay Liên Khương, các tuyến đường bộ nối với các khu du lịch (Đan kia - suối Vàng - Lang Bian...), các tuyến đường nối với các vùng có tiềm năng phát triển của Tỉnh cũng như nối Lâm Đồng với các tỉnh lân cận. Tỉnh cũng rất chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để phát triển dịch vụ và hệ thống tài chính ngân hàng, tăng cường trang bị cơ sở vật chất và áp dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Hiện nay, Lâm Đồng đang xúc tiến đầu tư 5 tuyến đường đặc biệt để kết nối, phát triển các vùng mang tính chiến lược của Tỉnh trong năm 2009, với tổng vốn dự toán lên đến gần 1.500 tỉ đồng.
Hai là, về các chính sách cải thiện các yếu tố kết cấu hạ tầng “mềm”, bao gồm chính sách phát triển kinh tế vĩ mô, chính sách thu hút đầu tư của Tỉnh, chính sách khai thác, bảo vệ và duy trì tài nguyên thiên nhiên, chính sách thu hút lao động, phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát triển khoa học công nghệ, huy động các tiềm lực khoa học công nghệ trên địa bàn Tỉnh, chính sách hợp tác liên vùng và hợp tác kinh tế quốc tế, cải cách hành chính, tính năng động của chính quyền địa phương, đảm bảo ổn định về chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng và quy hoạch phát triển hệ thống đô thị.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, định kỳ tổ chức đối thoại với từng nhóm doanh nghiệp, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp; thực hiện phân cấp mạnh mẽ theo hướng khả năng của các huyện, thị. Cụ thể là phân cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định đầu tư với các dự án nhóm C, phê duyệt kết quả đấu thầu đối với các dự án do UBND Tỉnh quyết định đầu tư; phân cấp cho Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đến 50 tỷ đồng. Đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách, Tỉnh giao cho các huyện Đức Trọng, Bảo Lâm, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thỏa thuận địa điểm đầu tư các dự án có tổng vốn đầu tư không quá 50 tỷ đồng, các huyện còn lại thoả thuận dự án có tổng vốn đầu tư không quá 30 tỷ đồng, đồng thời phân cấp cho UBND cấp huyện thực hiện đăng ký đầu tư.
Bốn là, Tỉnh đã tập trung các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu, trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng, nguồn vượt thu ngân sách nhà nước năm 2008 để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh; đặc biệt là tập trung vốn đầu tư cho các dự án, công trình có hiệu quả, sắp hoàn thành. Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả gói hỗ trợ kích cầu của Chính phủ trên địa bàn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài mức hỗ trợ lãi suất 4% của Trung ương, Tỉnh còn thực hiện hỗ trợ thêm 1% để các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng đầu tư sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực chế biến hàng nông sản từ nguyên liệu của địa phương, chế biến trà, cà phê, điều, gỗ tinh chế, sản xuất vật liệu xây dựng và trong tiêu thụ nông sản cho nông dân theo hợp đồng. Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đang tiến hành cuộc vận động giảm giá 15-20% trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch để thu hút khách đến Lâm Đồng...
Năm là, triển khai thực hiện đề án giảm nghèo, lồng ghép việc thực hiện đề án hỗ trợ hộ nghèo với các chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với người có thu nhập thấp. Tổ chức triển khai các chính sách về đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ lao động mất việc làm, nhất là số mất việc làm ở các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế; tập trung công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động...
Những chính sách trên tuy nhằm đáp ứng tình hình cấp bách hiện nay, song về cơ bản cũng mang ý nghĩa lâu dài, có tác dụng cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh theo hướng ngày càng thân thiện, hỗ trợ các doanh nghiệp và theo hướng thị trường. Chắc chắn rằng, trong giai đoạn sắp tới, cùng với tiến trình đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư chung của cả nước và khu vực Tây Nguyên, việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư vẫn tiếp tục được đặt ra với Tỉnh nhằm tạo ra một không gian kinh tế mới sau khủng hoảng. Với những nỗ lực đáng ghi nhận như hiện tại, kinh tế của Tỉnh vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ của thời kỳ “bùng phát” vừa qua ngay cả trong bối cảnh chung của thời kỳ khủng hoảng./.
( Theo Phan Minh Đức // Báo Kinh tế và Dự báo )
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com