Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị qua 20 năm đổi mới

Tháng 7/1989, tỉnh Quảng Trị trở về với tên gọi của chính mình khi tách ra khỏi tỉnh Bình Trị Thiên trước đây. Với ý chí tự lực, tự cường được sự hỗ trợ to lớn của Trung ương, của bạn bè trong và ngoài nước, Quảng Trị từng bước khắc phục, xây dựng lại quê hương, bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 20 năm qua được duy trì ở mức cao, giai đoạn sau tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn giai đoạn trước: từ 5% (1989 - 1996) lên 8,6% (1996 - 2005), từ năm 2006 đến năm 2008, tình hình kinh tế - xã hội có sự tăng trưởng vượt bậc, GDP tăng trưởng bình quân trên 2 con số (11,5% - 11,2% - 10,3%), cao hơn trung bình của cả nước. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng cao nhất (19,5%/năm), khu vực nông - lâm - ngư nghiệp tăng 6,5%/năm và khu vực dịch vụ tăng 6,5%/năm.     

Lao Bảo - một trong những khu kinh tế trở thành 
trung tâm thu hút đầu tư của Quảng Trị

Tiềm năng phát triển

Quảng Trị là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, với hành lang kinh tế Đông - Tây thuận lợi trong giao lưu kinh tế với trong nước và quốc tế, nhất là với Thái Lan, Lào, thuận lợi cho phát triển dịch vụ du lịch, thương mại, công nghiệp hướng về xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư. 

Nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nguyên liệu từ nông, lâm, thuỷ sản khá đa dạng, có thể khai thác để phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; ngoài ra, tiềm năng thuỷ điện và các nguồn tài nguyên khoáng sản khác như: nước khoáng nóng, titan, cát thuỷ tinh... cũng là một nguồn lực đáng kể cần tập trung khai thác phát triển. Tiềm năng phát triển du lịch phong phú trên cơ sở kết hợp các loại hình du lịch quá cảnh, mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá - lịch sử, hoài niệm chiến trường xưa, du lịch tâm linh... Nguồn lao động với lợi thế về chi phí lao động rẻ là điều kiện để mở rộng các ngành để thu hút nhiều lao động như may mặc, xuất khẩu, giày da. Ngoài ra bờ biển dài với nguồn tài nguyên khá phong phú, thuận lợi cũng là một thế mạnh để phát triển tổng hợp kinh tế biển.

Huy động các nguồn vốn đầu tư

Nhằm khai thác tiềm năng lợi thế kinh tế và duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, chính sách sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội qua 20 năm đạt 14.424 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư chuyển biến tích cực theo hướng tăng huy động nguồn nhân lực của toàn xã hội cho đầu tư phát triển, giảm dần bao cấp từ nguồn ngân sách.

Vốn ngân sách địa phương quản lý tăng nhanh hàng năm, thể hiện quyết tâm của tỉnh huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Năm 1995 là 78 tỷ đồng đến năm 2008 đạt 607 tỷ đồng, tăng bình quân 17,1%. Tổng vốn ngân sách địa phương quản lý là 3.874 tỷ đồng, trong đó: vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư có mục tiêu và vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 1.968 tỷ đồng, chiếm 29,9%. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2001 - 2008 là 343 tỷ đồng, chiếm 5,2%. Nguồn vốn này cũng được đầu tư theo các mục tiêu của Chính phủ nhằm phát triển giáo dục, giao thông và thuỷ lợi miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Hiệu quả của vốn đầu tư

Với những cố gắng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong việc huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng, tiềm năng lợi thế được khơi dậy và từng bước phát triển có kết quả; năng lực sản xuất của các ngành kinh tế tăng lên đáng kể. Đời sống nhân dân có chuyển biến tích cực cả về vật chất lẫn tinh thần, bình quân thu nhập đầu người 1,2 triệu đồng (1990) tăng lên 11,2 triệu đồng (2008) (tương đương 66,5 USD). Từ một địa phương hàng năm phải đối phó với nạn giáp hạt, đến nay đã cơ bản xóa được hộ đói, giảm hộ nghèo, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được cải thiện đáng kể.

Các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH, phát huy lợi thế trong từng ngành. Các vùng kinh tế phát triển theo hướng phát huy lợi thế, hình thành các vùng chuyên canh tập trung sản xuất hàng hoá tương đối lớn: lúa gạo ở Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh; cao su, hồ tiêu ở Vĩnh Linh, Gio Linh; cà phê ở Hướng Hoá... tạo điều kiện để phát triển dịch vụ và tiêu thụ hàng hoá, phân bố lại lực lượng sản xuất, lao động và dân cư.

Các vùng kinh tế động lực (thị xã Đông Hà, Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt, các Khu công nghiệp) từng bước được hình thành và trở thành những trung tâm thu hút đầu tư hấp dẫn. Về khu công nghiệp Nam Đông Hà và Quán Ngang đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và hỗ trợ một phần ngân sách Trung ương để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đã bố trí cho cả hai khu công nghiệp là 68,5 tỷ đồng/tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư, đến nay có 26 dự án đăng ký và triển khai với tổng mức đầu tư là 1.723 tỷ đồng.

Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, từ một vùng rừng núi hoang vu, Lao Bảo đã trở thành một điểm đến của du khách và các nhà đầu tư, trở thành một trọng điểm phát triển theo mục tiêu định hướng của tỉnh. Đến nay đã có 52 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.260 tỷ đồng (tương đương 140 triệu USD); 26 dự án đã hoàn thành và hoạt động có hiệu quả với tổng vốn đầu tư 576 tỷ đồng, 170 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn 1.300 tỷ đồng, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp 320 tỷ đồng (chiếm 35% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh); kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tăng mạnh (năm 2005: 64,2 triệu USD, 2006 là 136 triệu USD, tăng 212,2% năm 2007 là 150 triệu, tăng 11,1% ước thực hiện 2008 là 290 triệu USD, tăng 93%), khách xuất nhập cảnh năm 2005 là 156 ngàn lượt người, năm 2006 là 274 ngàn lượt và ước thực hiện năm 2008 trên 300 ngàn lượt.

Du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành du lịch đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Lượng khách du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và hoài niệm về chiến trường xưa trong những năm gần đây tăng đột biến. Số khách lưu trú năm 2000 là 28.360 người, đến năm 2006 đạt 225.000 người, năm 2008 ước đạt 360.000 lượt người, tăng bình quân hàng năm đạt 42,3%/năm, doanh thu năm 2002 là 217 tỷ đồng, đến năm 2006 đạt 420 tỷ đồng, năm 2008 ước đạt 600 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 18,5%/năm.

Để đánh giá lại hiệu quả đầu tư, ở góc độ địa phương, thường người ta quan tâm hơn đến số lượng các dự án, lượng vốn bỏ ra mà ít hơn quan tâm khảo sát đánh giá đầy đủ về hiệu quả đồng vốn theo hệ số ICOR. (Bảng)

Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tổng hợp từ các địa phương thường cao hơn bình quân của cả nước 1,5% - 2%. Nguyên nhân do các địa phương thường tính trùng và Quảng Trị cũng không phải là ngoại lệ. Với cách tính này, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2000 - 2008 thực tế của Quảng Trị vào khoảng 8,7 - 9,2%/năm, hệ số ICOR trong khoảng 4,8 - 5,1. Hệ số ICOR bình quân giai đoạn 2001 - 2008 của tỉnh Quảng Trị cao hơn so với bình quân của cả nước (ICOR của cả nước là 4,4). Như vậy, công tác huy động và sử dụng vốn đầu tư đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từng bước được cải thiện và hệ số ICOR giảm liên tục từ năm 2003 đến nay. Tuy vậy, nhìn chung trong cả thời kỳ 2001 - 2008, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư vẫn chưa cao, hệ số ICOR còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Nguyên nhân của những hạn chế đó, trước hết nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn doanh nghiệp và nhân dân đầu tư, vốn FDI) được huy động còn mức tiềm năng. Nguồn lực đầu tư hạn chế nhưng phải bố trí cho quá nhiều mục tiêu đầu tư làm phân tán nguồn lực. Do chủ quan nóng vội, thiếu tôn trọng quy luật khách quan của kinh tế thị trường là nguyên nhân chính gây nên thất bại của các dự án sản xuất kinh doanh. Chất lượng dự án quy hoạch chưa có tầm nhìn xa, thiếu căn cứ kinh tế, xã hội đáng tin cậy, nhất là phân tích và dự báo về thị trường và năng lực cạnh tranh.

Tuy Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát triển nhưng bên cạnh cũng còn nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, điều này dẫn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh kém thuận lợi so với các vùng, miền trong cả nước. Đây là nguyên nhân chính làm giảm sức thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Quy hoạch chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa theo kịp với quá trình thay đổi của các yếu tố khách quan, các diễn biến về thị trường nên tính định hướng cho doanh nghiệp còn yếu.

Giải pháp trong thời gian tới

Nhìn lại 20 năm Quảng Trị đổi mới và phát triển, qua phân tích tiềm năng, triển vọng và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trên địa bàn và để trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH kinh tế tỉnh nhà thì vốn được coi là một trong những yếu tố có tính quyết định.  Như vậy, để có vốn, cần có quá trình tích luỹ tạo nguồn vốn (vốn trong nước, trên địa bàn và từ bên ngoài). Do đó, cần có những chính sách  và giải pháp phù hợp đối với từng loại nguồn vốn, cụ thể sau:

Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tích cực khai thác nguồn vốn của Trung ương đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2010 và năm 2020. Phát huy tác động và khai thác có hiệu quả kết quả đầu tư các công trình này. Nâng cao nguồn vốn huy động và sử dụng có hiệu quả vốn từ ngân sách địa phương. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (đường, điện, nước, thông tin...).

Nguồn vốn tín dụng, bao gồm cả tín dụng ưu đãi của Nhà nước từ nguồn vốn ODA, quỹ hỗ trợ phát triển của tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn là những nguồn hết sức quan trọng. Hiện nay, nguồn vốn tín dụng thương mại tương đối dồi dào, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển. Để khai thác và giải ngân nguồn vốn này, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần căn cứ vào chương trình phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại tiếp cận với các doanh nghiệp xây dựng các chương trình đầu tư một cách cụ thể để thẩm định và cho vay theo từng dự án.

Nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, trên thực tế nhiều dự án có quy mô lớn vẫn chưa thể “bén duyên” với Quảng Trị. Vì vậy, để xây dựng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển bền vững, tỉnh cần xem xét tính khả thi để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ từng dự án. Do đó, tỉnh phải đề ra các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư kèm theo quy chế quản lý nên sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư có thiện chí và ngược lại. Với lợi thế là tỉnh đầu cầu trên Hành lang kinh tế Đông- Tây về phía Việt Nam, Quảng Trị có điều kiện để tiếp thị và quảng bá tiềm năng lợi thế của mình. Từ đó tạo ra mối liên kết vùng trong sự liên doanh hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh. Muốn vậy, tỉnh cần tích cực tăng cường các đợt xúc tiến đầu tư để tạo ra cơ hội gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh việc tăng cường quảng bá, kêu gọi và xúc tiến đầu tư thì việc cải cách thủ tục hành chính cần phải được quan tâm hơn nữa. Nên chăng, tỉnh thành lập một cơ quan chuyên trách dưới hình thức “dịch cụ công” để đảm nhận trọn gói các quy trình hoàn thành một dự án, sẽ tiết kiệm được thời gian và tạo thiện cảm đối với các nhà đầu tư, hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra, tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, nhanh chóng, hiệu quả. Hoàn thiện và cụ thể hoá quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, Trung ương và địa phương trong quản lý các hoạt động đầu tư nước ngoài. Có như vậy, Quảng Trị mới chủ động phát huy lợi thế so sánh và đẩy mạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật, rút ngắn khoảng cách phát triển với các vùng miền trong cả nước, vững bước trên con đường CNH, HĐH kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.

( Theo Nguyễn Quốc Thanh // Báo Kinh tế và Dự báo )

  • Cải thiện môi trường đầu tư ở Lâm Đồng góp phần chống suy giảm tăng trưởng kinh tế hiện nay
  • Phát triển kinh tế trang trại ở Hà Nội: Còn nhiều rào cản
  • Chế biến thủy sản xuất khẩu ở ĐBSCL: Quanh con tôm lại 'nóng'
  • Dự án đầu tư xây dựng cơ bản ngành nông nghiệp Hà Nội năm 2009: Khó kịp về đích
  • Ninh Bình: Nguồn vốn kích cầu đã phát huy hiệu quả
  • Thăm dò, khai thác đá vôi tại tỉnh Hải Dương
  • Nghề nuôi lợn rừng: Làm chơi, ăn thật
  • Thị trường Hải dương tuần từ 11 đến ngày 18/12/2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi