Hôm 22/9, các ủy ban của Đại hội đồng AIPA lần thứ 31 đã đồng thời tiến hành các phiên họp, trong đó, tập trung thảo luận nhiều dự thảo nghị quyết do Việt Nam đề xuất.
Phiên họp của Ủy ban về các vấn đề Chính trị - Ảnh TTXVN |
Tại Ủy ban về các vấn đề chính trị, các đại biểu đã nghe đoàn Việt Nam trình bày Báo cáo kết quả cuộc gặp giữa lãnh đạo AIPA và ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN 16 và Báo cáo kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tổ chức tại Hà Nội vào tháng 4 năm 2010 và tập trung thảo luận 3 dự thảo Nghị quyết về Thúc đẩy hợp tác giữa AIPA – ASEAN; Tình hình an ninh khu vực và thế giới; Tăng cường đoàn kết và thống nhất trong đa dạng ở ASEAN. Đây là các dự thảo Nghị quyết do Đoàn Việt Nam đề xuất.
Các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết của Đoàn Việt Nam, nhất trí về cơ bản với nội dung của các dự thảo nghị quyết. Đồng thời, các đại biểu cũng đóng góp những ý kiến cụ thể.
Về dự thảo Nghị quyết về thúc đẩy hợp tác giữa AIPA và ASEAN, các đại biểu đề xuất ngôn ngữ của dự thảo cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn của AIPA trong việc thúc đẩy hợp tác với ASEAN, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Về dự thảo Nghị quyết về tình hình an ninh khu vực và thế giới, các đại biểu đã nhất trí bổ sung vào dự thảo nguyên tắc khuyến khích giải quyết những khác biệt giữa các quốc gia trong nội bộ ASEAN bao gồm cả những khác biệt về lãnh thổ thông qua các biện pháp hòa bình, đàm phán song phương hoặc đa phương và trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Về dự thảo Nghị quyết về tăng cường đoàn kết và thống nhất trong đa dạng trong ASEAN, ủy ban đã thống nhất bổ sung nguyên tắc tôn trọng quyền của lao động nhập cư trên cơ sở tôn trọng luật pháp của quốc gia sở tại; khuyến khích cơ chế đối thoại song phương về một số vấn đề mà nghị sĩ các quốc gia ASEAN quan tâm khi cần thiết. Các dự thảo nghị quyết này đã được Ủy ban nhất trí và sẽ trình Đại hội đồng AIPA-31 thông qua tại phiên toàn thể lần thứ 2.
Tại Ủy ban về các vấn đề kinh tế, các đại biểu đã tập trung thảo luận và nhất trí trình Đại hội đồng 3 dự thảo nghị quyết gồm Dự thảo Nghị quyết về Hội nghị chuyên đề của AIPA về Vai trò của nghị sĩ quốc hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính – kinh tế và phát triển bền vững; Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Báo cáo của Hội nghị nhóm tư vấn AIPA lần thứ 2 (AIPA Caucus II); và Dự thảo Nghị quyết về vấn đề thúc đẩy đối thoại với khu vực kinh tế tư nhân.
Đối với dự thảo Nghị quyết về Hội nghị chuyên đề của AIPA về vai trò của nghị sĩ quốc hội trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính – kinh tế và phát triển bền vững, các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị và nhất trí nội dung nghị quyết để trình Đại hội đồng.
Đồng thời, trong quá trình thảo luận, các đại biểu cũng đã trao đổi nhằm tìm ra các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế vừa qua, trong đó nhiều đại biểu nhấn mạnh cần xem nạn rửa tiền là một trong những nguyên nhân đó.
Về dự thảo Nghị quyết về vấn đề thúc đẩy đối thoại với khu vực kinh tế tư nhân, các đại biểu nhất trí với đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và khẳng định cần tiếp tục tăng cường đối thoại giữa chính phủ với khu vực kinh tế này để đảm bảo tính minh bạch và nhất quán của các chính sách.
Các đại biểu cũng đã nhất trí bổ sung vào nghị quyết việc thúc giục chính phủ các nước chú trọng đến việc thiết lập và áp dụng mô hình đối tác công – tư (Public Private Partnerships - PPP) để tăng cường mối quan hệ tương tác giữa chính phủ và khối kinh tế tư nhân không chỉ bằng đối thoại mà còn cả qua hành động.
Ủy ban cũng đã đánh giá cao và nhất trí với dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Báo cáo của Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA lần thứ 2 (AIPA Caucus II) do Đoàn Singapore đề xuất.
Tại Ủy ban về các vấn đề xã hội, các đại biểu tập trung thảo luận và nhất trí với nội dung các nghị quyết về biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và phòng chống dịch bệnh; về phát triển nguồn nhân lực; về người khuyết tật; và về việc thông qua báo cáo của Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban điều tra thực trạng nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy của AIPA (AIFOCOM). Các dự thảo nghị quyết đều do Việt Nam đề xuất.
Tại Ủy ban về các vấn đề tổ chức, ý kiến của đại diện nghị viện các nước đều cho rằng việc bổ sung các vị trí của Ban thư ký AIPA là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng quá tải của Ban thư ký.
Ủy ban đã nhất trí với đề xuất của Tổng thư ký AIPA về việc bổ sung chức danh phụ trách về thông tin, truyền thông để quảng bá hình ảnh và hoạt động của AIPA với điều kiện không ảnh hưởng đến ngân sách của AIPA.
Bên cạnh đó, trong phiên họp sáng nay, Ủy ban cũng đã nhất trí với 7 nghị quyết khác để trình Đại hội đồng trong đó có việc công nhận tư cách quan sát viên của Ấn Độ và xác định Quốc hội Campuchia sẽ là chủ nhà của Đại hội đồng lần thứ 32 và kỳ Đại hội đồng này sẽ được tổ chức vào tháng 9/2011.
(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com