Hầu hết các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất với tờ trình của Chính phủ trong việc ban hành Luật Đo lường nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, bảo đảm đo lường thống nhất và chính xác.
Việc đảm bảo đo lường chính xác và thống nhất là hết sức cần thiết đối với mọi lĩnh vực của đời sống - Ảnh minh họa |
Tiếp tục phiên họp thứ 33, chiều 24/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đo lường.
Đến nay, cả nước có hơn 230 tổ chức được công nhận khả năng kiểm định phương tiện đo với chuẩn đo lường, trang thiết bị và phương tiện kiểm định khá đầy đủ với trên 2.800 kiểm định viên được đào tạo cơ bản.
Tuy nhiên, do được đầu tư rải rác từ nhiều nguồn trong nhiều thời kỳ khác nhau nên chuẩn đo lường, trang thiết bị còn mang tính chắp vá, hệ thống tổ chức kiểm định phương tiện đo hiện nay mới chỉ đáp ứng từ 60-70% nhu cầu kiểm định.
Độ chính xác, phạm vi đo của chuẩn quốc gia và thiết bị sao truyền còn hạn chế. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất phương tiện đo mang tính chuyên nghiệp ít, sản lượng thấp, chất lượng phương tiện đo không ổn định.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong, quan điểm xây dựng Luật Đo lường là theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chuẩn đo lường quốc gia để bảo đảm tính thống nhất và chính xác của đo lường trên phạm vi cả nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân, đáp ứng hội nhập quốc tế.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phạm vi điều chỉnh của Luật. Hiện có 3 ý kiến khác nhau.
Một loại ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật là tập trung đo lường pháp định. Nhóm thứ hai đề nghị bổ sung thêm hoạt động sửa chữa phương tiện đo pháp định, điều kiện hoạt động của tổ chức, cá nhân sửa chữa phương tiện. Nhóm ý kiến thứ ba đề nghị Luật cần điểu chỉnh toàn diện hoạt động đo lường, bao gồm cả đo lường khoa học và đo lường công nghiệp.
Thay mặt Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Đặng Vũ Minh đề nghị, trong điều kiện nước ta hiện nay, trước mắt nên tập trung chủ yếu vào quy định về đo lường pháp định như dự thảo Luật, đồng thời nên có một số điều khoản có quy định liên quan đến đo lường khoa học cũng như đo lường công nghiệp.
Liên quan đến công tác kiểm tra, thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng nội dung này quá nhiều trong kết cấu và không tương xứng với nội dung khác. Còn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho rằng hoạt động kiểm tra, thanh tra về đo lường cần có quy chế phối hợp chặt chẽ, bên cạnh đó cần làm rõ vai trò của các Viện đo lường.
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết, hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng kế hoạch phân cấp và giao quyền mạnh cho một số tổ chức sự nghiệp về đo lường có uy tín và được quốc tế công nhận đứng ra thay mặt nhà nước làm một số nhiệm vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đề nghị cần bổ sung thêm quy định về cơ sở hạ tầng đo lường, bởi đây mới là phần quan trọng trong khi Luật không đề cập đến.
Chia sẻ vấn đề hạ tầng, bao gồm hạ tầng pháp lý, hạ tầng nhân lực và đặc biệt là hạ tầng cơ sở vật chất, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong đề nghị không nên quy định trong Luật mà nên thể hiện trong các văn bản dưới Luật.
(Theo Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com