Cải cách thủ tục hành chính (CCHC) có mục tiêu cuối cùng là tạo ra nền hành chính công khai, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho nhân dân, DN. Chương trình CCHC đang tiến hành tại tỉnh Hải Dương cũng không ngoài mục đích ấy.
Theo Quyết định số 2115/QĐ-UBND tỉnh Hải Dương, thì mỗi sở, ban ngành, huyện đều phải có 1-2 cán bộ về làm việc với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của tỉnh. Đây phải là các cán bộ chịu trách nhiệm về công tác CCHC của ban ngành, địa phương ấy, và làm việc với hình thức trưng dụng có thời hạn với Tổ công tác. Cách làm này của tỉnh Hải Dương đảm bảo kéo được những cán bộ hiểu rõ nhất về thực tiễn các thủ tục hành chính hiện đang áp dụng tại cơ quan họ tham gia vào việc thống kê, phân loại, sau đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp cải cách phù hợp.
Từ Đề án 30...
Theo yêu cầu của Ban chỉ đạo đề án 30, từ tháng 6/2009 các tỉnh, thành phố phải công bố trên internet bộ thủ tục hành chính chung đang thực hiện tại chính quyền cấp xã, cấp huyện, công khai phục vụ nhân dân. Tại Hải Dương, việc thực hiện yêu cầu này đã được lồng ghép cùng với nỗ lực đẩy mạnh việc nâng cao trình độ cán bộ. Nhờ thế việc rà soát các thủ tục hành chính đã được triển khai nhanh chóng, chính xác, với tinh thần nắm được nhu cầu của người dân khi thực hiện các thủ tục. Cùng với đó, là kết quả phần lớn các cán bộ, nhân viên hành chính cấp huyện, xã đã biết sử dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Quế - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, phụ trách Đề án 30 tại tỉnh - đánh giá: “Hải Dương đã thực hiện hết sức nghiêm túc và đạt kết quả cao trong giai đoạn I thực hiện Đề án 30 xét trên quy mô cả nước”. CCHC được Hải Dương xem như hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của tỉnh. Và do vậy, chương trình CCHC đã được toàn tỉnh thực hiện rốt ráo, bước đầu đạt nhiều hiệu quả, đóng góp vào kết quả toàn diện mà Hải Dương đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ 2006 - 2010. Còn theo ông Nguyễn Văn Thương, người dân huyện Nam Sách thì: “Khi bộ thủ tục hành chính cấp huyện công bố, chúng tôi sẽ chủ động và tự tin hơn khi giao dịch, giải quyết công việc. Chúng tôi mong rằng các thủ tục phải công khai, minh bạch, thông báo ngay tại các “cửa” để dân biết và cùng cán bộ thực hiện”.
Vì một nền hành chính hiệu quả
Sau thời gian tích cực, khẩn trương rà soát, hệ thống hóa, Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết ở ba cấp chính quyền tỉnh Hải Dương đã được công bố. Tại Hải Dương, Đề án 30 được triển khai với ba giai đoạn: thống kê thủ tục hành chính; rà soát thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện các kiến nghị đơn giản hoá thủ tục hành chính. Đầu mối triển khai Đề án do Tổ công tác của tỉnh thành lập thực hiện. Tổ công tác này gồm 6 thành viên, đều là các cán bộ có năng lực, hiểu rõ quy trình, hệ thống hành chính hiện đang áp dụng. Tổ công tác đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cho giai đoạn thống kê, rà soát thủ tục hành chính, mẫu đơn mẫu tờ khai hành chính và yêu cầu, điều kiện để thực hiện thủ tục hành chính; tổ chức triển khai, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện kế hoạch. Tổ công tác đã tham mưu lựa chọn ba đơn vị cấp huyện, năm đơn vị cấp xã để làm điểm triển khai thống kê thủ tục hành chính. Sau đó, tổ công tác tổ chức triển khai rộng ra toàn tỉnh.
Sau gần 1 năm, với nỗ lực của các ngành, các cấp và các cán bộ trực tiếp thực hiện đề án, một khối lượng lớn công việc đã hoàn thành. Đó là việc triển khai thực hiện Đề án 30 ở 302 cơ quan, đơn vị. Đã kiểm tra, rà soát 2.045 thủ tục hành chính. Trong đó, có 197 thủ tục hành chính cấp xã, 248 thủ tục hành chính cấp huyện và sở, ngành, 1.600 thủ tục hành chính cấp tỉnh. Đây là cơ sở chính để Tổ công tác hoàn thành bộ thủ tục hành chính áp dụng chung cho cấp huyện và bộ thủ tục hành chính áp dụng chung cho cấp xã, Và hiện tại đang gấp rút hoàn thiện bộ thủ tục hành chính của cấp sở, ngành.
(Theo Minh Thành // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com