Vừa qua, Chính phủ đã đề ra nhiều đề án, chương trình, dự án đầu tư rất lớn như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, đề án tăng tốc phát triển công nghệ thông tin, dự án điện hạt nhân… Đây đều là những siêu dự án có quy mô vốn đầu tư lên tới hàng tỉ và thậm chí hàng chục tỉ USD, buộc phải đi vay vốn nước ngoài. Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội về khả năng trả các khoản nợ vay này.
Trong những năm tới sẽ có nhiều dự án, chương trình đầu tư rất lớn phải vay vốn nước ngoài. Nếu cộng vốn đầu tư tất cả các dự án đó lại thì nợ quốc gia của ta có vượt ngưỡng an toàn?
Hiện nay thì nợ quốc gia của ta vẫn trong ngưỡng an toàn, nợ quốc gia vẫn ở mức 34 – 36% GDP. Xu thế trong những năm tới là nợ quốc gia có thể tăng rất nhanh, có thể lên trên 40%. Nhưng cái đáng lo nhất là phải làm sao không được vượt qua 50 – 60% GDP. Thông lệ quốc tế là như thế. Nhưng có những nước trong khủng hoảng vừa qua như một số nước EU thì họ phá cái trần đó rồi. EU trước đây đưa ra chuẩn là bội chi không được quá 3% và nợ quốc gia không được quá 50% GDP nhưng vừa rồi họ vượt quá rồi. Bội chi của họ cũng lên đến 6 – 7% rồi. Có nước trong khối EU nợ quốc gia đã quá 60%. Nhưng đó là nợ trong tình thế cấp bách. Còn chúng ta chưa phải ở mức độ đó. Nhưng phải nhớ là họ khác, ta khác vì tiềm lực kinh tế của ta và họ khác nhau. Ta còn nghèo thì khả năng trả nợ của ta khó khăn hơn. Chúng ta phải đặt ra một cột mốc, một giới hạn riêng cho vấn đề nợ quốc gia cho phù hợp với khả năng của chúng ta, nếu không sự an toàn của nền tài chính quốc gia không đảm bảo. Cho nên, Quốc hội phải giám sát một số chỉ tiêu theo luật Quản lý nợ công, có công cụ để quản lý nợ công này.
Hầu như công trình lớn nào cũng bị đội vốn đầu tư lên so với dự kiến ban đầu, như đường Hồ Chí Minh, nhà máy lọc dầu Dung Quất… Đây cũng là yếu tố làm tăng nợ quốc gia?
Khi xác định mục tiêu đầu tư cũng có mấy yếu tố: thời gian thi công nhiều dự án hay bị kéo dài, không đảm bảo tiến độ trong khi đó giá cả biến động, tăng cao, làm dự toán đầu tư bị phá vỡ hết. Có công trình tăng gấp đôi, gấp ba về kinh phí đầu tư. Cho nên Quốc hội đã giám sát và yêu cầu Chính phủ, các bộ tìm giải pháp để các công trình hoàn thành đúng tiến độ.
Có cách nào kiềm chế mức độ gia tăng các khoản nợ, đảm bảo trong ngưỡng an toàn?
Chúng ta đang phải đi vay nhiều thì nợ quốc gia phải tăng lên, chúng ta không đủ nguồn lực thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì phải đi vay. Đất nước nào cũng thế thôi, nhất là những nước còn chậm phát triển, việc phải đi vay là chuyện đương nhiên. Tất cả các nguồn vay để phát triển hạ tầng, rồi vay ví dụ để làm điện hạt nhân…, chúng ta phải trả lãi. Có những khoản vay về, đầu tư đem lại lợi nhuận và có nguồn trả. Cho nên luật Quản lý nợ công có hai phần. Một là phần vay của Chính phủ và một phần là cơ quan Chính phủ bảo lãnh. Phần nào doanh nghiệp đi vay là trách nhiệm của doanh nghiệp. Vay để đầu tư thế nào cho hiệu quả là cả một câu chuyện, như vấn đề hệ số ICOR, với một nước bình thường thì hệ số đó từ 3,5 đến 4 thôi. Nhưng ta có lúc lên đến 8 rồi. Nếu ta không giảm được hệ số này thì gánh nặng nợ quốc gia là tất yếu thôi.
Đã có những công trình được nhiều chuyên gia, tổ chức bên ngoài khuyến cáo không nên tiến hành chính là vì nguồn lực đầu tư của ta còn rất hạn chế và công trình đó chưa quá cấp thiết với Việt Nam như dự án đường cao tốc Bắc Nam?
Những ý kiến, khuyến nghị của bên ngoài ta cũng rất cần tham khảo. Quan trọng nhất là chúng ta phải quyết định cho đúng thôi.
Chính phủ vừa qua cũng đã bảo lãnh cho nhiều khoản vay của doanh nghiệp như cho các tập đoàn. Nếu như có tập đoàn nào đó gặp khó khăn chưa trả được nợ thì gánh nặng đó phải chăng cũng lại do ngân sách quốc gia gánh thay?
Chuyện vay bảo lãnh là như vậy đấy, nhưng sòng phẳng ra anh đã vay thì phải trả cả gốc và lãi. Xu thế là bảo lãnh phải giảm dần để đến thời điểm nào đó thì không còn bảo lãnh nữa. Bảo lãnh, xét cho cùng, vẫn là cái gì đó mang tính bao cấp. Nếu có lúc nào đó doanh nghiệp không trả nợ được thì Chính phủ phải trả nợ thay. Ta hiện vẫn có cơ chế bảo lãnh không chỉ cho các tập đoàn đâu mà có cả bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(Theo Mạnh Quân/sgtt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com