Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chữ “nếu” cho GDP

Ngày 9/11, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, với chỉ tiêu tăng GDP nhiều khả năng sẽ ở mức từ 6 đến 6,5% như đề xuất của Chính phủ.

Tăng trưởng kinh tế của năm 2011 dự kiến chỉ đạt mức tăng khoảng 5,8 đến 6%, thấp xa so với mức mà Quốc hội đã thông qua là tăng từ 7 đến 7,5%.

picture
Diễn biến tăng trưởng GDP của Việt Nam từ năm 1985 đến 2010 - Nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB).

Đánh giá về kết quả này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói: “Cùng với việc chỉ tiêu tạo việc làm mới không đạt được như dự kiến, những chỉ báo về giảm điện năng tiêu thụ và tăng lượng hàng tồn kho, nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc và dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng”.

Chính vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tán thành với đề xuất của Chính phủ về mức tăng GDP của năm 2012 là từ 6 đến 6,5%, nhưng kèm theo đó, ông nhấn mạnh đến một chữ “nếu”: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 khoảng từ 6% - 6,5% là tiền đề để phấn đấu đạt kết quả cao hơn trong 3 năm cuối của kế hoạch 5 năm, nhằm đạt mức cận dưới (tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%) của chỉ tiêu kế hoạch 5 năm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11. Ủy ban Kinh tế cho rằng, chỉ tiêu này có thể đạt được và không mâu thuẫn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nếu phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế”.

Chữ “nếu” này nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội, như ý kiến của đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu): “Việc tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là phù hợp. Tuy nhiên, trong điều kiện tỷ trọng đầu tư công của chúng ta giảm, tỷ trọng tổng đầu tư xã hội cũng giảm trong điều kiện hệ số ICOR tăng lên thì để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi phải cơ cấu mạnh đầu tư công”.

Chữ “nếu” này tưởng như rất giản đơn, nhưng để vượt qua nó là một câu chuyện nhiều khả năng chưa thể giải quyết trong năm 2012.

Bởi, việc phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, chỉ nhìn riêng ở góc độ đầu tư thôi, cũng có thể thấy đây sẽ trở thành nhiệm vụ khó khả thi của năm 2012, khi mà năm 2011, công việc này được thực hiện dù với một tinh thần quyết liệt nhất thì thực sự, kết quả vẫn chưa mấy khả quan.

Thẩm tra quá trình phân bổ, cắt giảm đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển buộc phải nhấn mạnh, “việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới theo Nghị quyết 11 của Chính phủ chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải”.

Chi đầu tư phát triển vẫn vượt dự toán và tăng 15,1% trong bối cảnh mà các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thực sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả, trong khi nhiều dự án mới chưa thực sự cấp bách vẫn được khởi công, các dự án chưa thực sự cấp bách, hoặc hiệu quả kinh tế thấp chưa được cắt giảm nhiều...

Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội đều đã cho rằng chỉ tiêu tăng 6 hay 6,5% GDP của năm 2012 chỉ thực sự có ý nghĩa khi mà nó đi kèm với việc kiềm chế lạm phát được dưới một con số. Nếu để lặp lại tình trạng như của năm 2011, sẽ phá huỷ các thành quả kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2011 được Quốc hội thông qua là không quá 7%. Vào thời điểm tháng 4 năm nay, Chính phủ đưa ra mức phấn đấu là tương đương như năm 2010, tức là tăng khoảng 12%. Sau đó, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 6, mức này tiếp tục được điều chỉnh là tăng khoảng 15 đến 17% và đến tháng 10, Chính phủ dự kiến là tăng khoảng 18%.

Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) nói: “Việc quan trọng hơn rất nhiều là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10% cho năm 2012 và những năm sau đó. Để làm được việc này, mức tăng trưởng GDP dù không đạt 6% thì theo tôi cũng vẫn là thành công”.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cũng nói: “Mục tiêu số một là quyết tâm phấn đấu đưa lạm phát năm 2012 ở mức một con số. Do đó, trước mắt không nên đặt nặng chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở năm 2012, mà có thể chấp nhận chỉ tiêu thấp hơn năm 2011”.

Thực tế, khi thuyết minh về con số này trước phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay: “Chính phủ lựa chọn kịch bản thấp cho năm 2012, là tăng trưởng GDP chỉ là 6%. Nếu điều kiện thế giới và trong nước thuận lợi sẽ phấn đấu đạt kết quả cao hơn”.

Như vậy, mức tăng 6%, với Chính phủ, đã là con số thấp rồi và vì vậy, không thể để nó thấp hơn. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói trong phiên họp báo Chính phủ chiều 4/11: “Năm 2012, Chính phủ dứt khoát không để tăng GDP thấp hơn 6%”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mà nền kinh tế đang thiếu một chữ “nếu”, thì nói như cách của đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội): “Đặt mục tiêu tăng trưởng như vậy, vào lúc này có phải là quá sớm chăng?”.

(Theo Vneconomy)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
  • Giá trị sản xuất của doanh nghiệp nhà nước đi xuống
  • Lạm phát 2012 dưới 10%
  • “Sẽ có những điều chỉnh hợp lý hơn về tiền lương”
  • Chỉ tiêu không đạt, trách nhiệm thuộc ai?
  • Quy hoạch sử dụng đất: “Quốc hội chất vấn, trả lời ra sao?”
  • Doanh nhân là đại biểu Quốc Hội: Nhân tố tạo sức lan toả
  • Diễn đàn Quốc hội “nóng” chuyện chặn đình đốn sản xuất
  • Quốc hội soi lại hiệu quả gói kích cầu 2009
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi