Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Doanh nhân là đại biểu Quốc Hội: Nhân tố tạo sức lan toả

Nhiều đại biểu mong muốn có cơ chế thích hợp hỗ trợ các ĐBQH là doanh nhân nhằm cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ cần thiết để các đại biểu có thể hoạt động hiệu quả

Để thực hiện tốt vai trò của mình, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là doanh nhân cam kết thực hiện đầy đủ nhiệm vụ người ĐBQH trước cử tri và nhân dân cả nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gương mẫu đi đầu trong phát triển DN, là nhân tố tạo ra sức lan tỏa cho các DN khác phát triển.

Đây là một trong những nội dung tại cuộc gặp mặt ĐBQH khóa XIII là doanh nhân mới đây với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Vai trò quan trọng

Với kinh nghiệm của người đã từng giữ trọng trách Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, phụ trách về kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chia sẻ: Trước hết, cần nhất trong Quốc hội, các doanh nhân là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm tốt vai trò là đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền lợi cho sự phát triển của doanh nhân VN - đây là một lực lượng đối mới, lực lượng quan trọng trong phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, các ĐBQH cần đóng góp ý kiến của mình cho Quốc hội thực hiện tốt các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các ĐBQH là doanh nhân khi thảo luận tại Quốc hội cần cố gắng làm hết sức mình, thể hiện tiếng nói của DN đối với Quốc hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hầu hết các dự án luật mà Quốc hội xây dựng đều có liên quan tới doanh nhân và đều vì mục đích phát triển kinh tế đất nước. Vì vậy, ĐBQH là doanh nhân có vai trò rất quan trọng và cần tập trung trí tuệ, công sức để đóng góp cho Quốc hội.

Chủ tịch QH cho rằng, các ĐBQH là doanh nhân sẽ làm tốt vai trò của mình, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. VCCI với tư cách là đại diện cho cộng đồng DN, doanh nhân cần đồng hành cùng với DN, doanh nhân để phục vụ sự nghiệp đổi mới, tiếp tục có nhiều đóng góp cho hoạt động của Quốc hội.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu QH khóa XIII, Chủ tịch VCCI,  trong bối cảnh hiện tại, khi nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là trọng tâm thì Quốc hội, HĐND sẽ phải dành nhiều thời gian nhất cho các vấn đề kinh tế, cho hệ thống pháp luật và các chính sách kinh tế. Là những con người từ thực tiễn đời sống kinh tế, các doanh nhân có những ý kiến đóng góp rất thiết thực, đầy hơi thở cuộc sống khi tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế.

TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, hoạt động nghị trường trong thời gian qua cho thấy, nhiều bộ luật, nghị quyết của Quốc hội, của HĐND đi nhanh vào cuộc sống, tác động tích cực và đời sống kinh tế nhờ phần đóng góp tích cực của các đại biểu quốc hội, HĐND là doanh nhân. Chính thế mạnh này của các doanh nhân đã tạo nên những góc nhìn, nhận định và khuyến nghị có giá trị thực tiễn khi tiến hành các hoạt động giám sát các cơ quan chính quyền trong việc thi hành pháp luật, thực hiện vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND.

Nhiều thách thức

Tuy nhiên, theo TS Vũ Tiến Lộc, doanh nhân tham gia làm ĐBQH không chỉ có những mặt thuận lợi mà còn có cả những thách thức và hạn chế. Thách thức lớn nhất là các doanh nhân không chỉ là đại diện cho DN mà còn là đại diện cho cử tri nơi bầu ra mình và cử tri cả nước. Muốn vậy các ĐBQH là doanh nhân phải vượt lên chính mình, vượt lên quyền lợi của từng DN, của giới doanh nhân để làm tròn nhiệm vụ ĐBQH.

Thách thức thứ hai là sự thiếu hụt về thời gian và thông tin. Việc phải dành 1/3 thời gian cho hoạt động của QH là một thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay. Sự hạn chế về thông tin, năng lực tổng hợp và nghiên cứu để đóng góp vào các quyết định, quyết sách ở tầm vĩ mô, tầm quốc gia là điều mà các doanh nhân là ĐBQH cần được hỗ trợ.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội DN Hà Nội cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ của mình, trước hết các doanh nhân là ĐBQH cần sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia tất cả các kỳ họp. Kinh nghiệm tham gia làm ĐBQH từ khoá XII của ông Sơn cho thấy, trong nửa nhiệm kỳ đầu việc sắp xếp phối hợp thời gian rất lúng túng. “Thời gian họp tại hội trường chiếm khoảng 50%, 50% còn lại là hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri...và phản ánh, thực hiện các nguyện vọng của cử tri tới các cơ quan chức năng và giám sát  việc thực hiện và trả lời ý kiến của cử tri. Bên cạnh đó là thời gian tham gia các hoạt động của các UB...” - ông Sơn chia sẻ.

Cần có tiếng nói chung

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn đầu tư phát triển VN cho rằng, trước một kỳ họp QH, VCCI nên tổ chức cuộc họp để cung cấp thông tin chính thống về kinh tế - xã hội, trong giới DN, doanh nhân. 38 đại biểu QH khoá XIII hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên các thông tin về các lĩnh vực kinh tế cũng rất đa dạng và khác nhau. Vì vậy, cần có các thông tin chính thống để định hướng phát ngôn trên hội trường và ngoài hành lang cũng như ở bất kỳ thời gian, địa điểm mà các ĐBQH là doanh nhân xuất hiện. “Bởi lẽ sự xuất hiện của các ĐBQH là doanh nhân không phải là một doanh nhân bình thường, đại diện cho một DN mà là đại diện cho giới DN, cho cộng đồng DN, cho nhân dân” - Bà Hường khẳng định.

Trước thực tế như vậy, TS Vũ Tiến Lộc cho biết, với tư cách là tổ chức quốc gia của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân VN, VCCI sẽ nghiên cứu thiết lập một cơ chế thích hợp hỗ trợ các ĐBQH là doanh nhân. Cơ chế này nhằm cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ cần thiết để các đại biểu có thể hoạt động hiệu quả. Thông qua cơ chế này, VCCI sẽ phối hợp tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri là doanh nhân cho các ĐBQH, tiến hành các khảo sát, điều tra và nghiên cứu tình hình và kiến nghị của DN...

Ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dầu khí VN :

Để giúp cộng đồng DN phát triển mạnh, tôi cho rằng, QH cần ban hành các luật kịp thời, đặc biệt là các luật hiện không phù hợp, cản trở sự phát triển kinh tế đất nước cần đưa ngay vào chương trình nghị sự. Bên cạnh đó, một số luật phải sửa đổi, quy trình cần rút gọn, chẳng hạn Luật dầu khí sửa đổi, phải mất 4 - 5 năm mới sửa được, hay như Luật đất đại cũng cần phải sửa, bởi nhiều điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng có liên quan tới Luật đất đai, Luật đấu thầu cũng còn những bất cập, gây khó khăn cho sự phát triển của DN...

Với các doanh nhân là ĐBQH, tôi cho rằng họ phải là những người đi đầu, gương mẫu trong việc thực hiện hiến pháp, pháp luật, các quy định của Nhà nước... phát triển DN của mình mạnh lên, thực hiện tốt các quy định, các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội...

Ông Lê Quang Hiệp - Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần đầu tư và xây dựng HUD4 :

Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã coi DN, doanh nhân có vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước, điều này cổ vũ các DN, doanh nhân rất nhiều. Nhà nước cũng đã tạo nhiều hành lang pháp lý để DN, doanh nhân phát triển mạnh. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần xem lại chất lượng DN, bởi trong thời gian qua, nhiều DN phát triển rất mạnh, tạo được công ăn việc làm, đóng góp ngân sách cho nhà nước, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều DN kém hiệu quả. Hiện tại, các địa phương đều báo cáo số lượng DN hằng năm phát triển mạnh nhưng cần đặt ra câu hỏi, số lượng DN mới đó có bao nhiêu % thực sự tốt, có đóng góp cho Nhà nước.

Ông Đinh Huy Chiến - Chủ nhiệm HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công (Thái Nguyên) :

Đề nghị QH cần bổ sung sửa đổi Luật HTX để phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của khu vực này. Bên cạnh đó, cần cho ra đời luật liên quan đến lĩnh vực đào tạo nhân lực.

Chúng tôi là DN sản xuất công nghiệp cần sử dụng nhiều lao động, tuy nhiên, hiện nay chất lượng lao động của chúng ta chưa được cao, tay nghề thấp, chưa chuyên nghiệp. Đồng thời với việc Nhà nước đã quan tâm tới quyền lợi của người lao động cũng cần quan tâm tới quyền lợi của người sử dụng lao động... làm sao hài hoà lợi ích các bên.

Ông Phan Văn Quý - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương :

Các doanh nhân là ĐBQH cần phát huy sức mạnh của mình, nói trên diễn đàn QH và thực hiện tại DN phải giống nhau, phải là động lực để thúc đẩy các DN khác noi theo.

Tôi cho rằng ngoài việc hoàn thành trách nhiệm của một đại biểu thông thường, các doanh nhân là đại biểu QH cần đi tiên phong trong việc đóng góp cho các bộ luật, chính sách, đặc biệt là các luật liên quan tới DN, doanh nhân.

Để làm tốt hoạt động này, các ĐBQH cần không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức luật cũng như kinh nghiệm thực tế của chính DN mình và các DN bạn. Từ đó, đưa ra được những đóng góp khách quan, thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đầu tư của VN nói chung.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ - Giám đốc công ty TNHH Mỹ Lệ :

Hiện nay chúng ta cho thành lập các Hiệp hội nhưng lại chưa có Luật về các hiệp hội hoạt động tốt hơn. Chẳng hạn, muốn phát triển kinh tế tốt, chúng ta cần phát triển các vùng miền, mỗi vùng miền lại có thế mạnh riêng. Tuy nhiên, việc phát triển chưa đồng bộ, còn mang tính đại trà, từ đó có sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động của DN và nền kinh tế.

Tôi cũng mong muốn ĐBQH cần quan tâm hơn nữa tới vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ về vốn, cơ chế để khuyến khích DN đầu tư vào những khu vực này.

 

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi