Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc hội soi lại hiệu quả gói kích cầu 2009

Các chính sách hỗ trợ này được đánh giá là kịp thời, giúp Việt Nam vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, ngăn chặn được suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách, các chính sách trên sau 2 năm thực hiện lại bộc lộ nhiều điểm hạn chế cần phải được rút kinh nghiệm.

Tại báo cáo thẩm tra của mình, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội lần lượt chỉ ra những bất cập trong chính sách hỗ trợ. Chủ trương giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp quý IV/2009 và của năm 2009 có tổng số thuế được giảm là trên 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng chính sách hỗ trợ thuế còn mang nặng tính bình quân, chỉ tác động đến doanh nghiệp làm ăn có lãi. Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ lại không được hưởng ưu đãi... Điều này đã dẫn đến sự mất công bằng trong chính sách, chưa hỗ trợ đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cho rằng, việc giảm 50% VAT thuế đối với 19 nhóm mặt hàng có mục đích ban đầu là hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp thực hiện việc giảm giá để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế là người mua đã không được hưởng lợi gì từ ưu đãi thuế vì doanh nghiệp không thực hiện giảm giá, dù rằng họ đã được ưu đãi giảm 50% thuế. Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc sử dụng chính sách miễn giảm thuế để việc hỗ trợ đảm bảo công bằng, đúng đối tượng.

Tại báo cáo thẩm tra của mình, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng chỉ ra một số bất cập trong chính sách hỗ trợ lãi suất 4% theo gói kích thích kinh tế năm 2009 của Chính phủ.

Tính đến hết ngày 31/12/2009, dư nợ hỗ trợ theo gói kích cầu lãi suất của Chính phủ là 385.681 tỷ đồng. Trong đó, số tiền phải hỗ trợ lãi suất là 11.178 tỷ đồng. Việc hỗ trợ lãi suất này đã giúp không ít doanh nghiệp giảm chi phí vốn và hạ giá thành sản phẩm... Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội xác định chính sách này dù được đánh giá là khá thành công, song vẫn còn tồn tại. Một số cá nhân đã lợi dụng sự ưu đãi này để trục lợi. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cũng chưa tạo được sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thiếu trọng tâm, thậm chí, có đơn vị đã vay vốn hỗ trợ lãi suất để chuyển sang tiền gửi.

Cơ quan này đưa ra số liệu báo cáo ngày 26/5/2011 của Thanh tra Chính phủ để dẫn chứng cho việc chính sách hỗ trợ lãi suất đã bị lợi dụng. Trong đó, doanh nghiệp đã vay 15 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất về cho vay lại. Khoảng 58,5 tỷ đồng số vốn hỗ trợ lãi suất thực hiện vượt thời gian sử dụng thực tế; 41,5 tỷ đồng cho vay không phù hợp với nhu cầu; 18,2 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất để mua hàng nhưng không có hàng bán…

Không mấy ngạc nhiên trước báo cáo thẩm tra này, Đại biểu Ksor Phước cho rằng việc nói lại các vấn đề liên quan đến gói kích cầu kinh tế từ năm 2009 là chuyện không đừng. "Tôi rất băn khoăn về mặt quản lý Nhà nước. 10 năm qua. Các vấn đề tồn tại kể trên vẫn xảy ra nhưng không được khắc phục, xử lý", ông nói.

Vị đại biểu Quốc hội này cho rằng Chính phủ cần phải có thái độ nghiêm túc, rút kinh nghiệm và có sự cam kết trước Quốc hội về những tồn tại kể trên. "Chúng ta không thể cứ chi trước rồi giải trình sau, bội chi năm nào cũng chỉ có tăng chứ không thấy giảm", ông Ksor Phước nhấn mạnh.

Cũng có cùng những băn khoăn trên, đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng báo cáo thẩm tra về hiệu quả gói kích cầu của Ủy ban Ngân sách Nhà nước đã nêu ra một thực trạng cần phải nghiêm túc nhìn nhận. Theo ông, những khuyết điểm trong điều hành quản lý ngân sách tồn tại cả chục năm nay ai cũng biết chứ không phải đến khi kiểm toán và cơ quan thanh tra vào cuộc mới phát hiện. "Nếu chúng ta không thay đổi tư duy, thì 2 năm sau, các lỗi tương tự, các khuyết điểm kể trên vẫn cứ lặp lại", ông Thuận nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh không bình luận trước các ý kiến đại biểu mà chỉ nói thêm rằng: Các chính sách hỗ trợ kể trên cần được đặt vào thực tế bối cảnh năm 2009. "Đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của nền kinh tế, đòi hỏi các giải pháp khẩn", Bộ trưởng Ninh nói.

Ông dẫn chứng với gói hỗ trợ giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, lúc đầu, Chính phủ xác định chỉ hỗ trợ cho các đơn vị gặp khó khăn. Thế nhưng, khi đưa ra bàn thảo, nhiều ý kiến cho rằng nếu sự hỗ trợ này chỉ thực hiện với các doanh nghiệp gặp khó sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Do vậy, Chính phủ quyết định mở rộng doanh nghiệp ưu đãi bằng cách hỗ trợ cả doanh nghiệp làm ăn tốt để kích thích kinh tế phát triển. "Doanh nghiệp thua lỗ, làm ăn khó khăn hay sắp phá sản... họ đâu có tiền nộp thuế để mà miễn, giảm. Tôi cho rằng khi đánh giá tính hiệu quả cần phải được đặt vào cụ thể bối cảnh lúc bấy giờ", Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết thêm.

(Vnexpress)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi