Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chú trọng chức năng chủ sở hữu với DNNN

Các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI khẳng định, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là để góp phần thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu đối với DNNN...
 
Tuy nhiên, cần nêu rõ hơn và cụ thể hơn chủ trương, định hướng về thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu đối với DNNN trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI.

Yêu cầu thực hiện chức năng chủ sở hữu

Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định, cần “thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu đối với DNNN”. Đây là điểm mới trong dự thảo văn kiện, là nội dung cần thiết, cần coi đó là một trong những nội dung trọng tâm của đổi mới DNNN. Tuy vậy, cần chỉnh sửa, bổ sung, cụ thể hoá thêm 2 điểm sau đây:

Một là, thể hiện rõ, có trọng tâm hơn yêu cầu thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu. Ghi “thực hiện tốt” là chưa đủ để chỉ rõ định hướng, trọng tâm, trọng điểm của yêu cầu đổi mới thực hiện chức năng chủ sở hữu. Thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu đối với DNNN cần hiểu cụ thể là: (i) phải thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ thuộc chức năng chủ sở hữu (về tổ chức, nhân sự, về vốn, tài sản, về chiến lược, ngành nghề quan trọng, mục tiêu, lợi ích...); (ii) thực hiện có hiệu lực và hiệu quả chức năng chủ sở hữu, đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu phải được thực thi nghiêm túc, vận hành trong thực tế, sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí; (iii) thực hiện một cách tập trung, thống nhất chức năng chủ sở hữu nhà nước, tránh cắt khúc, rời rạc, mà phải có sự phối hợp chặt chẽ, lô gíc giữa các quyền của chủ sở hữu, giữa các chủ thể thực hiện chức năng chủ sở hữu (giữa các bộ ở Trung ương và các sở ở địa phương).

Hai là, mở rộng thêm đối tượng là doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước và cũng rất cần thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu đối với đối tượng này. Dự thảo văn kiện mới chỉ đề cập đến đối tượng là DNNN - gồm doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn chi phối (trên 50%) của Nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước còn nắm giữ một số lượng không nhỏ doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước (dưới mức chi phối) cũng cần thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu (vì ở đó Nhà nước cũng có các quyền và lợi ích đáng kể).

Với những yêu cầu trên, nên chỉnh lại nội dung Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 ở phần liên quan đến thực hiện chức năng chủ sở như sau: “Quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả, tập trung và thống nhất chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và chức năng chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước”. Đồng thời, do đổi mới thực hiện chức năng chủ sở hữu là một trong những trọng tâm của đổi mới DNNN, nên nội dung này cần thể hiện ở cả 3 dự thảo văn kiện trình Đại hội XI, thay vì chỉ ở Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Chuyên trách, chuyên nghiệp

Hiện có quá nhiều đại diện chủ sở hữu đối với DNNN, nhất là với các tập đoàn kinh tế nhà nước, từ Chính phủ đến các bộ, hội đồng quản trị, hội đồng thành viên. Cần thu gọn đầu mối và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan này, mà tốt nhất là thành lập cơ quan chuyên trách về chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước và các tổng công ty lớn, quan trọng. Tổ chức này không phải là doanh nghiệp hay tổng công ty, cũng không phải là cơ quan quản lý nhà nước, mà là tổ chức với bộ máy và cán bộ chuyên trách và chuyên nghiệp, chỉ thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước. Như vậy sẽ tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ, tập trung chức năng của chủ sở hữu; thiết lập hệ thống thông tin, số liệu, dữ liệu cập nhật, thống nhất, đầy đủ, sát thực để giám sát, đánh giá tập đoàn kinh tế nhà nước; đưa ra các tiêu chí và phương pháp đánh giá... Như vậy cũng có cơ sở vững chắc để đánh giá đúng và sát về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty lớn, quan trọng, và thực hiện đầy đủ hơn quyền chủ sở hữu nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.

Theo tinh thần đó, đề nghị bổ sung, chỉnh sửa nội dung có liên quan tại Điểm 2, Mục IV (Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa) của Báo cáo chính trị như sau: “... Nghiên cứu hình thành các tổ chức quản lý đầu tư, kinh doanh có hiệu quả các nguồn vốn, tài sản của Nhà nước và thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN; khắc phục tình trạng bộ máy quản lý hành chính tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh thông qua mệnh lệnh hành chính”.

Tách bạch quản lý chủ sở hữu với quản lý nhà nước

Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước gồm Chính phủ, các bộ quản lý ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng thời làm đại diện chủ sở hữu DNNN không những lẫn lộn vai trò quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu trong cùng một cơ quan nhà nước, mà còn làm cho bộ máy và cán bộ không chuyên nghiệp và chuyên tâm vào một mục đích: hoặc là thiết lập một nền hành chính chuyên nghiệp, có hiệu lực và hiệu quả; hoặc là chuyên trách hoạt động kinh doanh, theo đuổi mục đích kinh doanh sinh lời của doanh nghiệp.

Vì vậy, cần thiết tách bạch chức năng chủ sở hữu để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tiếp tục cải thiện quản trị DNNN. Do đó, tại Điểm 1, Mục IV của Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đề nghị bổ sung, chỉnh sửa như sau: “... Phân định rõ quyền sở hữu của Nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, chức năng chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước...).

TS. Trần Tiến Cường -Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Theo Báo đầu tư)

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi