ĐB Nguyễn Đăng Trừng phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội, sáng 22-10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ nỗi lo giá cả leo thang dịp cuối năm, giá vàng nhảy múa, lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận…
Đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) cho rằng, giá cả leo thang là lo lắng chung của người dân, do vậy không phải “cứ tăng trưởng kinh tế, vượt chỉ tiêu đề ra là yên tâm”. ĐB Nguyễn Đăng Trừng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần tập trung kiềm chế lạm phát, đặc biệt là dịp cuối năm, giá cả thường tăng.
Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của QH Đào Trọng Thi thẳng thắn: “Có những chỉ tiêu chưa đạt, nhưng đáng lo ngại là lạm phát những tháng cuối năm tăng nhanh, nếu không có biện pháp khống chế quyết liệt sẽ khó khăn. Một số chỉ tiêu môi trường, văn hóa, xã hội không đạt, có phần do ta chưa cố gắng. Chúng ta mong muốn phát triển nhanh nhưng phải bền vững”.
Theo ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), năm nay số thu ngân sách vượt chỉ tiêu chủ yếu nhờ vào tiền thu từ đất, còn tiền thu thuế không được nhiều. Nhập siêu càng lớn nguồn thu thuế càng cao, nhìn số thu tích cực nhưng thực chất là hệ quả của nhập siêu lớn. “Vừa muốn phục hồi tăng trưởng vừa muốn kiềm chế lạm phát, nhưng hai mục tiêu này không thể song song thực hiện. Như vậy sẽ như đi trên dây” – ĐB Lịch phân tích.
Nhận xét nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) dẫn chứng: “Đầu tư công, nợ công đã ở mức cao. Chính phủ cần xem xét đến tính hiệu quả, có lộ trình giảm đầu tư công để giảm dư nợ quốc gia. Do vậy, cần sớm tái cấu trúc nền kinh tế, để có cơ cấu kinh tế hợp lý hơn, thoát khỏi trì trệ”. Bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu điện, bà Hường cho rằng, nếu năm 2011 tiếp tục thiếu điện liên miên, sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về trận bão lũ kinh hoàng ở miền Trung vừa qua, nhiều ĐB chất vấn chiến lược phát triển thủy điện. “Phát triển thủy điện là đúng, nhưng thủy điện nhỏ tại miền Trung thì QH đã cảnh báo rồi, hậu quả rõ, nhưng tại sao vẫn như vậy?”- ĐB Đặng Văn Khanh nói .
Thừa đại học vẫn hụt nhân lực
Nhiều ĐB cho rằng chất lượng giáo dục chưa được cải thiện bao nhiêu. Trường đại học ồ ạt mọc lên, nhưng đầu vào không đủ tiêu chuẩn, trong khi lẽ ra phải tập trung cho phát triển đào tạo nghề. “Trường phải có diện tích đủ rộng để nghiên cứu chứ không phải chỉ là nơi sinh viên đến nghe giảng. Trường như vậy sẽ khó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng tốt. Chính phủ phải có chính sách quản chặt hơn”- ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) lên tiếng.
ĐB Bùi Duy Nhâm (Hà Nội) phân tích: Đời sống nông thôn vùng sâu, xa còn nhiều khó khăn, do vậy phải tập trung xây dựng nông thôn mới. Đồng thời sớm có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề, phù hợp với nhu cầu xã hội, có chính sách giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
(Theo Nguyễn Tuấn - Hải Hà // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com