Phát ngôn của mỗi người trước công chúng và của từng phương tiện truyền thông càng cần phải được thể hiện sao cho đúng với trách nhiệm và đạo đức công vụ được giao, đúng với trách nhiệm công dân và cái tâm trong sáng của mỗi người trong sự nghiệp chung của mọi người, của đất nước.
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đang diễn ra tiếp tục là một trong những tâm điểm được chú ý nhất trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng nhìn chung đã phản ánh được khách quan, đầy đủ không khí và nội dung các phiên họp toàn thể trên hội trường, trong các buổi thảo luận ở tổ của các đại biểu Quốc hội.
Thông tin định kiến, hại cho sự nghiệp chung
Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, có một số cơ quan truyền thông vì những lý do khác nhau dường như đã chỉ thiên về đưa những thông tin có vẻ như mang tính phản biện, nhưng thực chất chỉ là những nhận định, đánh giá một chiều, không khách quan, không chuẩn xác, không toàn diện, dễ sinh ra sự nhiễu thông tin, dần dần làm cho nhân dân hoang mang, trở nên hoài nghi tất cả trong lúc, hơn bao giờ hết, mọi người rất cần sự chung lòng, chung tay góp sức để cùng vượt qua những khó khăn thách thức trong một thế giới vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nghiêm trọng nhất kể từ gần 70 năm nay trên trường quốc tế.
Nhìn nhận một cách công bằng, đại bộ phận các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam đã làm đúng chức năng chính trị của mình trong việc đưa tin bài về hoạt động của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, giúp cho cử tri trong cả nước thấy rõ được không chỉ những yếu kém, bất cập, cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực đang có, mà còn có thể nhìn nhận đúng những thành tựu, nỗ lực chung trong việc vượt qua các khó khăn, thách thức cả khách quan và chủ quan để có được những chỉ số kinh tế - xã hội như hiện nay.
Những ý kiến mang tính xây dựng và thiện chí có thể góp phần tạo nên tư duy, nhận thức mới về những yếu kém, bất cập và đề ra những giải pháp khắc phục phù hợp để tất cả chúng ta cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp chung. Trong ảnh: Một phiên thảo luận tại Quốc hội. Ảnh: VNN |
Không phải trong bất cứ lĩnh vực nào điều làm được cũng ở mức như chúng ta mong muốn nhưng rõ ràng tình hình kinh tế xã hội vẫn có bước phát triển khả quan nhất là khi nhìn nó trong bối cảnh chung của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đã và vẫn đang còn hoành hành trên thế giới.
Những nỗ lực của Chính phủ trên các mặt công tác cũng đã được đánh giá đúng trên diễn đàn Quốc hội.
Thí dụ như về chương trình tổng thể cải cách hành chính, tuyệt đại bộ phận các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với đánh giá trong Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng, khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tích cực; thể hiện ở hiệu quả và những tác động xã hội rõ rệt.
Các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với nhận định là, một số lượng lớn các thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, không hợp lý, dễ bị lợi dụng, lạm dụng đã được rà soát, loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung; nhiều thủ tục hành chính mới được ban hành theo hướng công khai, minh bạch, thuận lợi, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thu hút đầu tư, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận…
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chẳng hạn, đã đề nghị ủng hộ Chính phủ nâng cấp cơ quan chuyên trách hành chính thành cơ quan trực thuộc Chính phủ, đủ thẩm quyền, quyền hạn thực hiện chức năng của mình, từ sự rút kinh nghiệm này quyết tâm chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ…
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, ngoài việc cải cách công tác lập pháp và tư pháp, cần quan tâm đúng mức cơ chế, chính sách đào tạo đạo đức, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy hiệu quả hiện đại hóa nền hành chính đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp qua các hoạt động tư vấn, hướng dẫn kèm theo tăng cường hành lang pháp lý...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần phải đặc biệt nhấn mạnh tới nguồn nhân lực trong cải cách hành chính, trong đó trình độ, đạo đức... là những vấn đề then chốt…
Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII với 80,53% ý kiến tán thành, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 do Chính phủ trình với tổng số thu 595.000 tỷ đồng; tổng chi 725.600 tỷ đồng; mức bội chi là 120.600 tỷ đồng. Các đại biểu tán thành với kế hoạch trong năm 2011 phát hành 45.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình trong danh mục do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Đánh giá về tình hình thực hiện dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 Dung Quất, nhiều đại biểu Quốc hội đã ghi nhận thành công của dự án sau 13 năm triển khai, đã hoàn thành cơ bản tất cả các gói thầu, hạng mục, đã được chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định ở 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn thiết kế.
Đến nay, sản phẩm nhà máy đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát huy hiệu quả sử dụng tài nguyên thô của đất nước; tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế đối với tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và thúc đẩy kinh tế khu vực miền Trung của đất nước nói chung…
Dân chủ càng cao, tâm và tầm càng phải lớn
Theo dõi một cách đầy đủ các hoạt động của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, có thể thấy rõ những bước tiến bộ không thể phủ nhận được trong quá trình thực thi các nguyên tắc dân chủ hóa đời sống chính trị xã hội ở đất nước ta hiện nay.
Những đại biểu Quốc hội, người đại diện cho ý chí và trí tuệ cử tri luôn có được những điều kiện thuận lợi nhất để trình bày quan điểm, nhận định và kiến nghị của mình không chỉ trong nghị trường Quốc hội mà còn trên cả các phương tiện truyền thông rất phong phú và đa dạng.
Trong bối cảnh đó, những ý kiến mang tính xây dựng và thiện chí có thể phát huy được tối đa tác dụng tích cực của mình, góp phần tạo nên tư duy, nhận thức mới về những yếu kém, bất cập và đề ra những giải pháp khắc phục phù hợp để tất cả chúng ta cùng chung tay góp sức vào sự nghiệp chung tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh…
Thế nhưng, đáng tiếc có một số đại biểu khi đưa ra những phát biểu mang nặng tính chủ quan và võ đoán của mình trên diễn đàn Quốc hội đã khiến các cử tri phải kinh ngạc vì ở đó không thể hiện một tinh thần khách quan, xây dựng; một sự hiểu biết thấu đáo vấn đề mình đề cập đến, mà chỉ cốt bày tỏ cho được thái độ chủ yếu phủ định đối với các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của cơ quan hành pháp hay các nhân vật có trách nhiệm theo phân công công tác.
Thậm chí có những ý kiến, được hình thành trên những thông tin không chuẩn xác, chung chung, mang nặng tính hình thức hoặc chưa được kiểm chứng, nên đã mang màu sắc dân túy, nói lấy được, chứ không nhằm mục đích cùng kiến tạo hiệu quả đích thực cho công việc chung.
Có đại biểu, tuy là trí thức nhưng khi phát biểu công khai lại không dựa trên các luận chứng khoa học mà chủ yếu lại nương theo tâm lý của một bộ phận mang nặng ác cảm với thực tế khách quan, cố tình bỏ qua những mảng sáng trong bức tranh toàn cảnh, theo kiểu mà dân gian thường lên án gọi là “bới lông, tìm vết”. Những phát ngôn như thế, kéo theo cách thông tin giật gân, câu khách của một số phương tiện thông tin đại chúng chuyên thổi phồng thông tin lên hoặc nói ngược mới ăn. Đó là một thực trạng rất đáng lo ngại, không nên để tiếp diễn.
Dân chủ hóa đời sống xã hội là xu thế phát triển bất di bất dịch của đất nước chúng ta. Người dân và đặc biệt là các đại biểu của nhân dân trong đà phát triển chung ngày càng có thêm điều kiện để thể hiện chính kiến, quan điểm và vai trò cao quý của mình.
Các phương tiện thông tin đại chúng cũng ngày càng có thêm điều kiện để thực hiện chức năng xã hội chân chính của mình. Thế nhưng, cũng chính vì thế, những phát ngôn của mỗi người trước công chúng và của từng phương tiện truyền thông càng cần phải được thể hiện sao cho đúng với năng lực, trí tuệ, trách nhiệm và đạo đức công vụ được giao, đúng với nghĩa vụ công dân và cái tâm trong sáng của mỗi người trong sự nghiệp chung của mọi người, của đất nước.
(Theo Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com