Đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), coi đây là khâu đột phá trong cải cách thể chế, bước đầu xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, lành mạnh, hiện đại.
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc (thứ 2 từ bên trái) trao đổi với các đại biểu về tình hình thực hiện cải cách TTHC - Ảnh Chinhphu.vn |
Chiều nay (9/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận Báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo giám sát việc thực hiện cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp.
Sớm sửa đổi các văn bản quy phạm
Cải cách TTHC là một trong những lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận sôi nổi.
Báo cáo trước Quốc hội về công tác cải cách TTHC thời gian qua, kế hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, theo tính toán sơ bộ, để đơn giản hóa gần 5.000 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của 24 bộ, ngành, dự kiến các cơ quan Trung ương phải sửa đổi 1.016 văn bản, địa phương phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản (mỗi tỉnh sửa khoảng 50 văn bản).
“Đây là áp lực lớn đối với các bộ ngành, địa phương, bởi lẽ chỉ khi nào các cơ quan chức năng ban hành xong các văn bản này, lúc đó người dân và cộng đồng doanh nghiệp mới chính thức được hưởng lợi”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
“Vấn đề quan trọng mang tính quyết định là phải sớm hoàn thành thực thi phương án đơn giản của gần 5.000 TTHC còn bất cập, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ TTHC, tránh phát sinh TTHC mới gây phiền hà và tạo hành lang pháp lý cho người dân tham gia giám sát việc thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền”.
Nhằm thực thi có hiệu quả các phương án đơn giản hóa TTHC, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội ưu tiên đưa vào chương trình làm việc năm 2011 việc sửa đổi, bổ sung những luật, pháp lệnh để bảo đảm việc thực thi các phương án đơn giản hóa những TTHC thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan trực tiếp đến 4 lĩnh vực được giám sát nói riêng, Đề án 30 nói chung theo nguyên tắc một luật sửa nhiều luật, một pháp lệnh sửa nhiều pháp lệnh và theo trình tự thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục đưa nội dung giám sát việc thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC theo Đề án 30 vào một chương trình kỳ họp thích hợp của Quốc hội Khóa XIII để bảo đảm việc thực hiện cải cách TTHC triệt để, sớm mang lại lợi ích cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
“Cải cách TTHC là nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền, giải phóng các nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Cần ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách TTHC
Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời kiến nghị tại Kỳ họp này Quốc hội cần ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách TTHC trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp.
Các đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng, công cuộc cải cách TTHC thời gian qua có nhiều khởi sắc, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân.
Đồng thời kiến nghị, các cơ quan như Hội đồng Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cần tăng cường giám sát các cơ quan hành chính nhà nước, phát huy vai trò của mình để kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh những cán bộ không thực hiện đúng quy trình nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
“Muốn vậy, cần nâng cao đạo đức công vụ và lành mạnh hóa bộ máy hành chính Nhà nước”, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp nêu quan điểm.
TS. Trần Du Dịch, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP. HCM đồng tình với Báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đại biểu, Đề án 30 đã thực hiện một bước tiến rất lớn trong việc công khai tất cả các TTHC, tức là trao cho người dân và doanh nghiệp công cụ giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
“Đây là điểm đột phá vào một trong những “điểm nghẽn” hiện nay đối với công cuộc cải cách hành chính”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đại biểu cũng ủng hộ việc sớm thành lập cơ quan kiểm soát TTHC, có vị trí độc lập tương đối với các cơ quan hành chính khác để bảo đảm thực sự là cơ quan “gác cửa”, là “máy xén” những TTHC không hợp lý, hợp pháp và rườm rà, gây khó khăn cho nhân dân.
“Hiến kế” việc tiến hành sửa đổi luật, pháp lệnh một cách hiệu quả, nhanh chóng, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cần rà soát lại các đạo luật theo nhóm TTHC cần sửa đổi như nhóm TTHC về bất động sản gồm các đạo luật thuộc lĩnh vực nhà đất, xây dựng… Có như vậy mới đẩy nhanh tiến độ sửa đổi luật, pháp lệnh hiện nay.
“Ba nhất” khi ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách TTHC
Liên quan đến lĩnh vực đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên (đại biểu Hà Nội) cho biết, ý kiến của các đại biểu là hết sức xác đáng, phản ánh sự quan tâm lớn của đại biểu và cử tri cả nước về những bức xúc trong lĩnh vực đất đai hiện nay.
Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành tổng kết thi hành Luật Đất đai, xây dựng đề cương dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong dự thảo này, sẽ dành hẳn một chương quy định các điều khoản liên quan đến TTHC như về đăng ký sử dụng, chuyển nhượng, thế chấp bất động sản, đồng thời rút ngắn thời gian cấp mới, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu bức thiết của nhân dân.
Đề cập đến ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp (đại biểu Hưng Yên) cho rằng, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách TTHC sẽ được “ba cái nhất” là nhanh nhất, nhiều nhất, ít tiêu cực nhất.
Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, chúng ta muốn xây dựng Chính phủ điện tử phải có “công chức điện tử” và “công dân điện tử” mới đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống số hiện nay.
(Theo Lê Sơn // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com