Các vị Bộ trưởng đã giải trình trước Quốc hội trong ngày làm việc 1/11 về nhiều vấn đề được dư luận quan tâm như thiếu điện, quy hoạch thép và xi măng, nhập siêu.
Thừa nhận năm 2010 là năm có nhiều khó khăn trong cung ứng điện, đặc biệt trong mùa khô từ tháng 5 đến tháng 7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, có nguyên nhân về trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện VI giai đọan 2006-2010 và tầm nhìn 2015.
3 giải pháp quan trọng phát triển điện
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - Ảnh: Chinhphu.vn |
Bộ trưởng cho rằng, nếu thực hiện đúng theo quy hoạch VI sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện. Bởi theo tính toán, trong giai đọan từ năm 2006-2015, bình quân mỗi năm phụ tải điện sẽ tăng 16 -17%. Thực tế, trong những năm từ 2007- 2010, phụ tải luôn tăng trưởng ở mức 15 -17%.
Lý giải cho việc huy động các nguồn lực vào cung ứng điện có chậm chễ, thiếu vốn là một trong những nguyên nhân được Bộ trưởng Hoàng đưa ra. Trong giai đoạn 2008-2009, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc chúng ta phải thực hiện một số giải pháp thắt chặt chi tiêu, trong đó có hạn chế đầu tư. Một số công trình trong ngành điện gặp khó khăn trong việc vay vốn đã ảnh hưởng tiến độ và việc huy động nguồn vào năm 2010 và những năm sau.
Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xác định EVN cùng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là 3 đơn vị chủ lực tham gia cung ứng điện.
Giải pháp quan trọng nhất được Chính phủ chỉ đạo là đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình nguồn điện theo tổng sơ đồ VI và tới đây là tổng sơ đồ VII, đồng thời nhanh chóng ổn định hoạt động của những công trình nhiệt điện mới xây dựng. Cụ thể, với những khiếm khuyết về mặt kỹ thuật tại một số nhà máy vừa đi vào họat động như nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Quảng Ninh, Cẩm Phả, Chính phủ đã chỉ đạo chậm nhất trong năm 2011 phải xử lý xong.
Giải pháp thứ hai được Chính phủ đặt ra đó là tái cơ cấu ngành điện. Năm 2009, Bộ Công Thương đã phối hợp các Bộ xây dựng đề án tái cơ cấu ngành điện, tuy nhiên một số nội dung chưa phù hợp, hiện Chính phủ đã yêu cầu hoàn chỉnh và trình Chính phủ sớm.
Thứ ba, Bộ đang tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn.
Rà soát quy hoạch thép và xi măng
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân - Ảnh: Chinhphu.vn |
Phát biểu về quy hoạch ngành xi măng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận, lượng cung hiện đang cao hơn cầu và Bộ đang trình Chính phủ quy hoạch bổ sung.
Theo Bộ trưởng, mỗi năm thị trường xi măng tăng trưởng 11%, năm 2010 lượng tiêu hụ khoảng 50,5 triệu tấn.
Bộ trưởng nói rõ thêm, đặc điểm của thị trường xi măng Việt Nam là miền Bắc nguyên liệu dồi dào, nguồn cung lớn thì cầu ít, trong khi miền Nam nguyên liệu ít thì lượng tiêu thụ xi măng lại cao.
Do đó, trong quy hoạch bổ sung đang được soạn thảo, Bộ phải tính toán cân đối hợp lý trên cơ sở vùng miền và cân đối cung cầu.
Ghi nhận hiện tại cung xi măng có cao hơn cầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết Bộ đang đề xuất các biện pháp, trong đó phải kể đến việc tăng cường tiêu thụ xi măng hơn nữa cho các công trình giao thông, thủy lợi và tiến tới xuất khẩu.
Liên quan tới quy hoạch thép, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát lại ngành thép trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, quy hoạch ngành thép sẽ là quy hoạch cứng, chỉ các dự án nằm trong quy hoạch mới được triển khai. Các dự án nằm ngoài quy hoạch hoặc công nghệ lạc hậu sẽ phải chấm dứt họat động.
Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường kiểm tra đảm bảo quy hoạch thép theo hướng tập trung vào các dự án phôi thép, hạn chế dự án thép thành phẩm.
Cần thời gian dài để khắc phục nhập siêu
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, khi đồng thời thừa nhận tình hình hiện nay nhập siêu còn cao, là thách thức đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đã có bước tiến nhất định mặc dù tỷ lệ nhập siêu còn cao. Cụ thể, năm 2008 chúng ta nhập siêu 18 tỷ USD, năm 2009 gần 13 tỷ USD và dự kiến năm 2010 khoảng 12 tỷ USD thấp hơn dự báo13,5 tỷ.
Tỷ lệ nhập siêu cũng liên tục giảm từ năm 2007. Cụ thể, năm 2007, nhập siêu xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Con số tương ứng của năm 2008 là 28,8%, năm 2009 là 22,5% và năm 2010 dự báo khoảng 18%.
Bộ trưởng khẳng định, xử lý bài toán nhập siêu phải cần thời gian dài bởi chúng ta đang tập trung nhiều cho đầu tư xây dựng năng lực sản xuất, cần phải nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị.
(Theo Lê Sơn - Quỳnh Hoa - Nhật Bắc // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com