Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị sắp xếp lại chi ngân sách theo hướng tăng chi cho phúc lợi và an sinh xã hội. Ngân sách chi cho đầu tư sẽ được khai thác nhiều nguồn với nhiều phương thức khác nhau.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường - Ảnh: VNA |
Thảo luận tại hội trường ngày 3/11 về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2011, đa số các đại biểu Quốc hội đều đánh giá việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2010 cơ bản đạt và vượt không quá cao như những năm trước.
Chính phủ đã nỗ lực thực hiện theo ý kiến của Quốc hội, khắc phục dần tình trạng chênh lệch giữa dự toán trình thông qua và thực hiện không cân đối, tạo sự chủ động trong điều hành ngân sách và cân đối vĩ mô ngay từ đầu năm.
Cần chia sẻ với phương án của Chính phủ
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ngân sách của Việt Nam hiện khoảng 25 tỷ USD mỗi năm, không thể đáp ứng được việc lĩnh vực nào, khu vực nào cũng đòi tăng chi mà phải tính toán với cái chung và cần chia sẻ với phương án của Chính phủ.
Đặt vấn đề sắp xếp lại chi theo hướng là tăng chi cho phúc lợi và an sinh xã hội, cho con người, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngân sách chi cho đầu tư sẽ được khai thác từ nhiều nguồn vốn với nhiều phương thức khác nhau.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị, phương án phân bổ ngân sách cần đưa ra những tiêu chí mới, điều chỉnh một số hệ số, đảm bảo điều hành một cách hợp lý để có nhiều nguồn thu hơn trong quá trình chỉ đạo. Đồng thời, cho dù có dựa trên các tiêu chí, định mức hợp lý nhưng ngân sách nhà nước vẫn phải dành một khoản cho Trung ương cầm giữ để có thể chủ động điều hoà, bổ sung giữa các ngành, các lĩnh vực và các địa phương khi cần thiết.
Đánh giá việc thu ngân sách vượt dự toán, bội chi ngân sách giảm so với dự kiến là kết quả đáng trân trọng của một cố gắng lớn, song đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cũng nhìn nhận, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước vẫn còn mức thấp (trên 60%) cho dù có tăng.
Để đưa bội chi về mức 5% trong năm 2011, theo đại biểu này, cần giải quyết một số vấn đề mà trước hết là phải khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống và đổi mới cơ cấu thu ngân sách Nhà nước, tăng tính bền vững và sự ổn định của ngân sách Nhà nước. Hiện nay tỷ trọng giữa thuế gián thu trong tổng thu ngân sách là quá cao, xấp xỉ 50%, trong khi việc quá phụ thuộc vào các khoản thuế gián thu sẽ làm cho ngân sách Nhà nước dễ tổn thương trước biến động của kinh tế - xã hội.
Thứ hai, về chi ngân sách Nhà nước, cần phải tiếp tục thực hiện việc rà soát sắp xếp, bố trí lại kế hoạch đầu tư, lĩnh vực được lựa chọn cũng không nhất thiết phải là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả kinh tế cao nhất, mà phải là lĩnh vực có khả năng mở rộng tiềm năng phát triển của nền kinh tế.
Thứ ba, phải tiếp tục chính sách tiết kiệm đối với chi thường xuyên. Đối với chi an sinh xã hội, đây là một lĩnh vực cần tiếp tục ưu tiên trong điều kiện mở cửa kinh tế, thiên tai, dịch bệnh bất ổn gia tăng và giá cả có thể leo thang.
Các dự án từ trái phiếu Chính phủ có kết quả rõ rệt
Các công trình được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã đem lại kết quả rõ rệt - Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ |
Còn theo đại biểu Lương Phan Cừ (Đắk Nông) với nhu cầu đầu tư rất lớn, nếu không bội chi phát hành trái phiếu thì ngân sách Chính phủ không thể cân đối được. Nếu bội chi phát hành trái phiếu là để đầu tư cho phát triển thì nợ công có cao cũng không đáng quan ngại.
Đại biểu lưu ý, đầu tư cho phát triển cũng chính là đầu tư để giải quyết vấn đề xã hội như tạo việc làm, đảm bảo thu nhập, xóa đói giảm nghèo, bền vững v.v...
Đại biểu Phan Lương Cừ đề nghị, đối với mức bội chi năm 2011, nên giao cho Chính phủ điều hành không vượt quá 5,5% và phát hành trái phiếu không quá mức Chính phủ đề nghị là 45.000 tỷ đồng, bởi con số này đã được tổng hợp, phân tích, chọn lựa, thẩm định kỹ càng từ nhu cầu đầu tư, phát triển của các Bộ, ngành, các địa phương.
Dẫn chứng Báo cáo giám sát về việc thực hiện quản lý phân bổ và chỉnh đốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn năm 2003 - 2010 của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, ông Phan Lương Cừ cho biết các dự án, công trình được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được phê duyệt bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, dự án đem lại kết quả rõ rệt, đóng góp tích cực cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Với khoản thu vượt 58.000 tỷ đồng của năm 2010, ngoài việc ưu tiên cho việc giảm bội chi, chi cho an sinh xã hội thì cần dành một khoản thích đáng cho việc tăng đầu tư phát triển, nhất là cho các dự án hạ tầng còn đang dang dở để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, tránh gây bức xúc trong nhân dân, trong dư luận.
Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tạo cơ chế thông thoáng để Chính phủ chủ động điều hành trong bối cảnh phục hồi kinh tế chưa ổn định, nhiều nguy cơ bất ổn còn tiềm ẩn, kinh tế thế giới chưa phục hồi dễ tác động xấu vào kinh tế nước ta.
Cũng trong ngày làm việc hôm nay, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán và Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật này.
Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.
(Theo Quỳnh Hoa // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com