Ông Nguyễn Kim Tôn, học viên cao học K15 - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã gửi tới Cổng TTĐT Chính phủ ý kiến góp ý đối với các văn kiện Đại hội Đảng XI. Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết này.
Các văn kiện Đại hội của Đảng thể hiện trí tuệ, quyết tâm và ý chí của toàn Đảng, toàn dân ta. |
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng có ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn trong việc hoạch định đường lối cách mạng Việt Nam ở từng giai đoạn và từng thời kỳ khác nhau. Xây dựng nội dung của các văn kiện đó là một việc làm quan trọng hàng đầu trong mỗi kỳ Đại hội. Nó thể hiện năng lực nhận thức, quyết tâm của toàn Đảng và toàn dân ta trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tầm quan trọng của nội dung các văn kiện không chỉ thể hiện ở từng câu, từng chữ mà cả ở từng con số mà văn kiện nêu ra.
Những con số trong các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng không chỉ phản ánh những mốc đo lường về mặt lượng của những kết quả đã đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết của Đảng, phản ánh những mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân ta hướng tới trên tất cả các lĩnh vực mà còn thể hiện tính khoa học, tính chính xác, tính logic và hợp lý trong từng con số. Qua đó, thể hiện tầm nhìn của Đảng về những nội dung mà các con số đó phản ánh.
Đằng sau những con số là sự tổng kết thực tiễn của Đảng - thực tiễn đã đạt được trong hiện tại và sẽ là cơ sở để thực hiện trong tương lai. Tổng kết thực tiễn càng chuẩn xác sẽ giúp chúng ta đề ra các con số phù hợp với khả năng của mình trong tương lai. Chính vì vậy, việc xây dựng các con số, các chỉ tiêu cần có sự tính toán thật khoa học. Hơn thế nữa, cần hướng tới tính phổ thông, tính đại chúng, làm sao để mọi người cùng biết, cùng hiểu.
Để đạt được mục tiêu trên, các con số trong văn kiện của Đảng cần phải có sự thống nhất sao cho các kết quả, chỉ tiêu này luôn ăn khớp với các kết quả, chỉ tiêu khác.
Thứ nhất, cách tính một số chỉ tiêu vẫn chưa có sự thống nhất
Trong dự thảo "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020", Đảng ta khẳng định:“Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 - 3.200 USD.”
Cách tính GDP và GDP bình quân theo đầu người có sự khác nhau, vừa tính theo giá so sánh, vừa tính theo giá thực tế. Cách tính khác nhau làm cho hai chỉ tiêu này không có sự ăn khớp và liên quan với nhau. Chúng ta không thể sử dụng hai kết quả đó để tìm ra kết quả thứ 3 là số dân nước ta.
Cũng trong dự thảo "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020", so sánh phần tổng kết và mục tiêu, ta thấy, trong phần tổng kết, Đảng ta khẳng định:“Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tính theo giá thực tế ước đạt 106 tỉ USD, gấp 2 lần so với năm 2005; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD”.Trong phần mục tiêu,“Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7 - 8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010”.
Như vậy, việc tổng kết tính theo giá thực tế, còn việc đề ra phương hướng lại tính theo giá so sánh. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc so sánh kết quả giữa các thời kỳ khác nhau, các nhiệm kỳ khác nhau của Đảng.
Hơn nữa, nó sẽ gây khó khăn cho nhiều người trong việc nhận biết các chỉ tiêu đó. Chỉ những ai có kiến thức chuyên môn nhất định mới hiểu được thực chất những con số đó, còn đối với người dân bình thường, nếu không có sự hướng dẫn hoặc tìm hiểu kỹ sẽ dẫn đến sự hiểu lầm. Họ có thể nghĩ rằng 5 năm trước (2005 – 2010), tổng GDP tăng lên gấp đôi, nhưng 10 năm sau (2010 – 2020), GDP lại tăng gấp có 2,2 lần, như vậy kinh tế đang tăng chậm lại.
Để tránh những lầm tưởng trên, chúng ta nên thống nhất cách tính của các chỉ tiêu, con số theo một giá cố định ( tính theo giá so sánh) để người dân dễ dàng nhận biết sự khác nhau giữa các con số, các chỉ tiêu trong mỗi thời kỳ. Sự khác nhau này là sự khác nhau thực chất chứ không phải sự khác nhau về mặt danh nghĩa. Từ đó người dân cũng hiểu được thực chất của vấn đề.
Thứ hai, nhiều con số vẫn chưa ăn khớp với nhau
Trong dự thảo Báo cáo chính trị, Đảng ta khẳng định “Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2011 - 2015: 7,5 - 8%/năm. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.100 USD, gấp 1,7 lần năm 2010”.
Có thể dễ dàng nhận thấy, trong điều kiện tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) và GDP bình quân đầu người được tính theo một giá thống nhất, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 5 năm là 8%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2010 là 1.200 USD và dân số nước ta không tăng thì GDP bình quân đầu người năm 2015 sẽ vào khoảng 1.764 USD, gấp khoảng 1,5 lần năm 2010. Nếu dân số nước ta tăng trưởng dương thì GDP bình quân đầu người sẽ thấp hơn nhiều. Và như vậy, những con số này sẽ không ăn khớp với nhau.
Đối với văn kiện của Đảng, các con số cần phải có sự tính toán một cách chuẩn xác, chính vì vậy Ban soạn thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng nên điều chỉnh lại để các con số đó chuẩn xác hơn theo tính toán về mặt số học.
Các văn kiện của Đảng sẽ được điều chỉnh và được thông qua trong mỗi kỳ đại hội. Để cho các văn kiện đó thực sự thể hiện trí tuệ, quyết tâm và ý chí của toàn Đảng, toàn dân ta, mỗi câu, mỗi từ, mỗi con số trong văn kiện, dù là nhỏ nhất, nếu không phù hợp cũng cần phải được điều chỉnh.
(Theo Nguyễn Kim Tôn // Tin Chính Phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com