Đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, các đại biểu cho rằng bên cạnh những mặt tích cực, còn những mặt cần xem xét, rút kinh nghiệm.
Các đại biểu thảo luận tại tổ - Ảnh: Chinhphu.vn |
Thảo luận tại tổ sáng 4/6 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, đa số các đại biểu đều đề nghị quan tâm tập trung hơn những dự án liên quan đến các vấn đề quan trọng, bức xúc của đời sống xã hội. Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) đặt vấn đề, có thể chia nhỏ một luật lớn trong Chương trình là Luật Đất đai ra để làm từng phần. Chẳng hạn, có thể tách lĩnh vực bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng thành 1 luật riêng để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.
Đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) đánh giá công tác chuẩn bị nhiều dự án khá tốt, tuy nhiên còn có nhiều dự án phải lùi thời hạn trình, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, trách nhiệm cơ quan thẩm tra, đồng thời vai trò đóng góp của các đoàn đại biểu Quốc hội cũng còn hạn chế, chưa đầy đủ.
Với góc nhìn của một người đại diện cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Văn Chiến (Lai Châu) cho rằng cần công bằng hơn trong đánh giá. Theo đại biểu, trước đây, công tác thẩm tra thường gặp khó khăn do thời gian quá gấp rút nhưng nay, công tác phối hợp giữa các UB, giữa UBTVQH và Chính phủ tốt hơn, sớm hơn, tạo điều kiện để các ủy ban có những thẩm tra đảm bảo chất lượng. Các dự án trình cũng đảm bảo chất lượng hơn, nội dung kỹ hơn, thời gian trình sớm hơn. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp) nêu ý kiến, cũng cần có sự thông cảm với Chính phủ và căn cứ vào thực tiễn thể chế của Việt Nam trong khi đánh giá về việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Tuy thế, đại biểu cũng đề nghị chỉ nên rút dự án luật trong trường hợp bất khả kháng, nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm “giữ cửa” của Bộ Tư pháp trong thẩm định các dự án.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai (Bình Phước) và nhiều đại biểu, bên cạnh làm luật mới cũng cần chú ý tới việc đánh giá những luật đã ban hành, đề ra được những giải pháp mới để khắc phục những hạn chế trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc.
Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của người dân Chiều 4/6, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Tố tụng hành chính. Đa số ý kiến của các đại biểu đều tán thành với việc nâng Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính lên thành Luật Tố tụng hành chính. Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính trong những năm qua cho thấy các quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế và bất cập.
Với chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, cùng với việc Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), việc pháp điển hoá các quy định của pháp luật tố tụng để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cụ thể hoá các cam kết của Việt Nam là rất cần thiết.
Nhiều ý kiến đánh giá với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính, một bên là cá nhân, tổ chức, còn bên kia là cơ quan nhà nước, việc xây dựng và ban hành Luật tố tụng hành chính sẽ bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
(Theo Thanh Hà // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com