Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quốc hội: Cần làm rõ sự cần thiết của Trục Thăng Long

Đây là ý kiến của đại biểu Quốc hội về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân báo cáo trước Quốc hội (ngày 2/6).Cần làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trục Thăng Long

Mô hình trục Thăng Long. 

Về định hướng không gian trong Đồ án, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nêu, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hình thành các trục không gian hướng Đông Tây có trục Thăng Long, trục quốc lộ 32, trục Láng-Hòa Lạc, trục quốc lộ 6...

Trong đó, trục Thăng Long được xây dựng kết nối từ đường Hoàng Quốc Việt đến Quốc lộ 21, kết nối Ba Vì với khu vực Hồ Tây - Ba Đình.

Trục Thăng Long hỗ trợ các tuyến Láng Hòa Lạc, quốc lộ 32 phát triển các đô thị vệ tinh Sơn Tây dân số trên 18 vạn người và Hòa Lạc dân số khoảng 60 vạn người. Trục cũng kết nối với các tuyến giao thông Bắc Nam như: đường Hồ Chí Minh, đường 21, đường cảnh quan Bắc Nam, đường vành đai 4… phát triển các vùng Sơn Tây, Phúc Thọ, Ba Vì, Quốc Oai; kết nối các đô thị vệ tinh và sinh thái rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế giữa trung tâm TP với các khu vực ngoại thành; kích cầu phát triển kinh tế dịch vụ, hàng hóa, vận chuyển nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp ở phía Tây TP; hỗ trợ phát triển vùng phía Tây Bắc thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ theo các hướng kết nối Bắc Nam. Ngoài ra Trục Thăng Long cũng kết nối văn hóa Thăng Long - Hà Nội với văn hóa xứ Đoài. 

Sau khi thẩm tra Đồ án, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cho biết, UB Kinh tế nhận thấy Trục Thăng Long là một điểm nhấn quan trọng trong Đồ án quy hoạch, sẽ là một trục phát triển trung tâm của Hà Nội sau này, đặc biệt, trục này sẽ phát huy giá trị hơn khi đã hình thành Trung tâm hành chính Quốc gia.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng Trục Thăng Long, nhất là cần đặt trong quy hoạch các trục giao thông chính song song và gần với Trục Thăng Long, diện tích đất nông nghiệp (đất trồng lúa) cần thu hồi để làm đường. Hiện đã có khá nhiều trục song song với trục này (trong đó, chỉ cách Trục 4 km có đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, Quốc lộ 32).

Còn đối với các trục không gian Bắc - Nam cũng được định hướng trong Đồ án (có trục quốc lộ 3, trục quốc lộ 1A, quốc lộ 1 mới, trục Nhật Tân - Nội Bài…). Chủ nhiệm Hà Văn Hiền cũng cho biết, Đồ án mới chỉ thể hiện bố trí các cụm công trình phục vụ công cộng, văn phòng... chủ yếu là tạo điểm nhấn đô thị. 

Theo đó, một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm cân đối, cả về hướng tuyến và vùng, gắn kết với các địa phương phía Bắc, thu hút sự phát triển lan tỏa của các tuyến giao thông cao tốc phía Bắc, cần nghiên cứu thêm việc bố trí trục không gian Bắc - Nam để không tạo ra sự mất cân đối trong phát triển với trục Thăng Long. 

Không thể để trung tâm hành chính như hiện nay 

Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền (Ảnh: Dân trí) 

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, vị trí trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định tại quận Ba Đình.

Trong đó, trụ sở của các Bộ và cơ quan ngang Bộ tập trung tại 4 quận nội thành Hà Nội cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, 2 quận Ba Đình và Đống Đa có diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu hiện nay về sử dụng và hạ tầng giao thông đô thị).

Hiện nay đã có một số Bộ, ngành đã và đang xây dựng trụ sở tại khu vực Mễ Trì - Mỹ Đình, Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục quy hoạch chọn địa điểm để đưa 1 số Bộ, ngành nữa ra ngoài khu vực nội đô.

Trong quy hoạch này cũng đã dành khu đất dự trữ tại Ba Vì, để trong tương lai, sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ.

Đồ án cũng nêu, Trung tâm hành chính của TP giữ nguyên vị trí như hiện nay tại khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, các cơ quan công sở cấp TP sẽ được hợp khối chức năng và xác định cụ thể ở giai đoạn sau.

Về định hướng này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, nhiều ý kiến nhận định, với quy mô Thủ đô vào năm 2030, 2050 thì không thể để trung tâm hành chính như hiện nay (thực tế chưa có Trung tâm hành chính quốc gia theo đúng nghĩa, các cơ quan nhà nước được đặt tại nhiều địa điểm phân tán) - cần có một Trung tâm hành chính quốc gia tương xứng với Thủ đô của Quốc gia có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa đang hội nhập và có vị trí quan trọng trong khu vực. 

Tuy nhiên, có ý kiến nêu, nếu đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh, do vậy cần làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình. 

Ý kiến khác lại đề nghị không nên tách biệt Trung tâm hành chính quốc gia khỏi Trung tâm chính trị vì cho rằng chỉ có một Trung tâm hành chính và chính trị quốc gia. Hơn nữa, Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay. 

Có đại biểu còn đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước lập tách riêng khu vực hành chính có hiệu quả không? 

Trong khi đó, một số ý kiến khác băn khoăn với định hướng của Đồ án “Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050. Bao gồm trụ sở của các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hóa...”trong điều kiện hiện nay một số bộ, cơ quan Trung ương đã và đang xây dựng trụ sở làm việc mới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ xin trân trọng tiếp thu và sẽ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội yêu cầu Liên danh tư vấn hoàn thiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt vào tháng 8/2010.

Chiều 3/6, Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô sẽ được các Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Ngày 15/6 tới, Đồ án sẽ được thảo luận tại hội trường.

Khái toán tổng mức đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khung cho cả giai đoạn 2010-2030 là khoảng 60 tỷ USD, trong đó giao thông là 33,3 tỷ USD.

Cụ thể, giai đoạn từ năm 2010-2020: Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, trong đó ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các tuyến vành đai 3, 4, tuyến đường Láng-Hòa Lạc, quốc lộ 32, tuyến Nhật Tân-Nội Bài, Thăng Long-Nội Bài, trục Thăng Long…, xây dựng mạng lưới giao thông công cộng (Metro), hạ tầng các Khucông nghiệp, các khu thương mại đầu mối trên tuyến vành đai 4; Xây dựng đại học Quốc gia Hà Nội, bước đầu di dời các cơ sở đại học, y tế. Tiếp tục hoàn thiện các khu vực dự án: Làng Văn hóa các dân tộc Việt 
Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao trong đô thị Hòa Lạc.

Giai đoạn 2020-2030: Tiếp tục xây dựng các hạng mục công trình đã triển khai trong giai đoạn 2010-2020. Xây dựng hạ tầng các đô thị vệ tinh và hệ thống giao thông công cộng kết nối khu vực nội đô với các đô thị vệ tinh. Thực hiện việc giãn dân nội đô và cải tạo khu vực nội đô. Xây dựng hạ tầng khu dân cư nông thôn.

Giai đoạn đến năm 2050, xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật tăng thêm khoảng 29,9 tỷ USD, trong đó giao thông chiếm khoảng 16,8 tỷ USD. Giai đoạn này sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình đã xây dựng trong giai đoạn 2010-2030.


Theo VTC

  • “Đo” tín nhiệm: Từ Quốc hội đến hội đồng nhân dân
  • Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”
  • Ưu đãi thuế cho nhà ở xã hội từ 1/7
  • Lãng phí “vô tội vạ” và trách nhiệm người đứng đầu
  • Đại diện Chính phủ nói gì về Vinashin, Vinalines?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi