Theo các đại biểu Quốc hội, việc ban hành Luật Thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường.
Đánh thuế bảo vệ môi trường góp phần khuyến khích sử dụng sản phẩm "xanh" - Ảnh minh họa |
“Đã là sản phẩm gây tác động tiêu cực đến môi trường thì đều phải chịu thuế bảo vệ môi trường (BVMT)”, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) kiến nghị tại buổi thảo luận của Quốc hội tại hội trường về Luật thuế BVMT, ngày 5/6.
Tại buổi làm việc, có 21 đại biểu Quốc hội của 20 tỉnh, thành phố phát biểu, tập trung vào những nội dung như xác định đối tượng chịu thuế BVMT, phương pháp tính thuế, căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường…
Một số ý kiến cho rằng, Luật Thuế BVMT là chính sách tài chính mới ở Việt Nam, mặc dù có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, song không tránh khỏi tác động nhất định đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua việc tăng giá hàng hóa, nhất là đối với một số hàng hóa thiết yếu như xăng, dầu… Do đó, đề nghị đánh giá đầy đủ hơn tác động của việc ban hành luật đối với sản xuất, kinh doanh, với người tiêu dùng.
Theo các đại biểu, dự thảo Luật chỉ quy định 5 nhóm đối tượng chịu thuế (xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng) là chưa đầy đủ và bao quát hết các loại sản phẩm, hàng hóa gây tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo đại biểu Trần Hanh (Vĩnh Phúc), phải rà soát, liệt kê các mặt hàng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, phải quy định cụ thể hơn đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc đánh thuế sao cho có lý, có tình, phù hợp với sức dân, lòng dân.
Bởi, nếu thuế xăng dầu cao sẽ ảnh hưởng đến toàn dân, đến cả nền kinh tế, còn thuế thuốc bảo vệ thực vật cao sẽ ảnh hưởng đến nông dân. Đánh thuế, nhưng không gây xáo trộn cho sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến lợi ích tiêu dùng và cũng cần tránh khuynh hướng nộp thuế để tiếp tục được xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, tính toán kỹ hơn tiêu chí đánh thuế. Đại biểu Bùi Thị Hoà (đoàn Đắk Nông) cho rằng thuế đối với xăng là 1.000 - 4.000 đồng/lít, trong khi dầu diezel là 500 - 2.000 đồng/lít là chưa hợp lý vì khi sử dụng xăng gây ô nhiễm ít hơn dầu diezel.
Để tránh tình trạng thuế bảo vệ môi trường trùng lặp với phí bảo vệ môi trường một số đại biểu cho rằng, đối với những mặt hàng đang chịu phí môi trường như xăng, dầu, than, nhựa, hóa chất… khi đưa vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường thì không nên tiếp tục chịu phí môi trường.
Đại biểu Lê Dũng (đoàn Tiền Giang), Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) đề nghị bổ sung thêm thuốc lá vào diện chịu thuế. Phân tích tác hại của khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người, các chất có trong đầu lọc thuốc lá đối với môi trường, các đại biểu này cho rằng, thuốc lá hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí đánh thuế của Chính phủ.
Về phương pháp tính thuế, hiện vẫn còn hai loại quan điểm khác nhau. Có ý kiến đề nghị tính thuế trên phần trăm giá thành sản phẩm mà không theo cách tính thuế tuyệt đối như dự thảo Luật. Nhóm ý kiến này cho rằng, quy định thuế theo phương pháp tuyệt đối ngay vào Luật thì khi thị trường có biến động về giá, mức thuế sẽ nhanh chóng lạc hậu.
Ý kiến khác cho rằng áp dụng mức thuế suất tuyệt đối là hợp lý bởi đảm bảo nguồn thu ngân sách khi có biến động, trượt giá, tạo sự đơn giản, minh bạch trong việc thực hiện, bảo đảm ổn định nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước của người sử dụng sản phẩm...
(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com