Quy định tiêu chuẩn của người “cầm cân nảy mực” trong giải quyết tranh chấp thương mại được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường. |
Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trọng tài thương mại.
16 đại biểu Quốc hội của 13 tỉnh, thành phố phát biểu, tập trung vào những nội dung như tiêu chuẩn của trọng tài viên, nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, phạm vi trách nhiệm của trọng tài viên…
Nhiều đại biểu quan tâm tới việc quy định tiêu chuẩn trọng tài viên bởi các quyết định của trọng tài viên là rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trọng tài.
Việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với trọng tài viên và các tổ chức trọng tài.
Theo dự thảo Luật, để trở thành trọng tài viên, phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Thứ nhất, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; thứ 2, có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên và thứ 3, trường hợp đặc biệt là các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu thứ 2 nêu trên cũng có thể được chọn làm trọng tài viên.
Đại biểu Trần Việt Hưng (Hòa Bình) cho rằng, cần làm rõ thế nào là “có nhiều kinh nghiệm”, “chuyên môn cao”.
Theo đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ), nên xem xét bổ sung thêm điều kiện trọng tài viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; phải qua lớp bồi dưỡng đào tạo trọng tài viên.
Có ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm điều kiện trọng tài viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; trường hợp trọng tài viên không có bằng đại học Luật thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; quy định tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật và thương mại, tiêu chuẩn đạo đức của trọng tài viên.
Bên cạnh tiêu chuẩn trọng tài, vấn đề giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cũng được tập trung thảo luận.
Đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) cho rằng, quy định tại khoản 4, Điều 4 dự thảo Luật “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai” là chưa thỏa đáng, không có tác dụng mà nên sửa theo hướng “giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành công khai trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Tuy nhiên theo các đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh), nguyên tắc giải quyết các tranh chấp của trọng tài là không công khai, khác với nguyên tắc xét xử của Tòa án.
Nguyên tắc này phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của các bên, không gây ồn ào, ảnh hưởng đến hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp. Đại biểu Ngô Quang Xuân (Đồng Tháp) cũng đồng tình, nguyên tắc hoạt động của trọng tài là tự nguyện và không công khai. Do đó, nên quy định việc giải quyết tranh chấp tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
UBTVQH cũng cho rằng quy định như vậy cũng phù hợp với Luật mẫu về Trọng tài thương mại Quốc tế của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế và Luật Trọng tài thương mại của nhiều nước trên thế giới.
Theo chương trình dự kiến, ngày mai, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và dự thảo Luật thuế nhà, đất.
(Theo Hồng Phong // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com