Ngày 1/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và phương hướng kế hoạch năm 2011. Vấn đề Vinashin được nhiều đại biểu tập trung phân tích, thảo luận, làm rõ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. |
Bên cạnh các nhóm vấn đề như đầu tư cho “tam nông”, quy hoạch xi măng, an ninh năng lượng, quy hoạch ngành thép, hạn chế nhập siêu, phát triển nguồn nhân lực..., cơ chế pháp lý và hoạt động của các tập đoàn kinh tế cũng được các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá, thảo luận thông qua bài học từ tập đoàn Vinashin.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, hiện cả nước có 12 tập đoàn kinh tế được thành lập thí điểm. Việc thí điểm có thể thất bại hoặc thành công, do đó phạm vi thí điểm nên hẹp, sau một thời gian nhất định phải tiến hành đánh giá, tổng kết, chấn chỉnh những thiếu sót.
Đại biểu này cho rằng, mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước rất phức tạp về địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, cơ cấu tổ chức, nhất là việc thực hiện quyền đối với phần vốn Nhà nước tại tập đoàn. Sau khi các tập đoàn đi vào hoạt động, tháng 11/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định 101 về thí điểm thành lập tập đoàn kinh tế Nhà nước.
Tuy vậy, việc tổng kết quá trình thí điểm thành lập và hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước đến nay vẫn chưa hoàn thành để báo cáo Quốc hội theo Nghị quyết 42 của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Từ bài học của Vinashin, đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị cho kiểm toán, thanh tra toàn bộ hoạt động của các tập đoàn kinh tế khác, nhất là đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tổng kết mô hình Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước…
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng cho rằng, sự cố “con tàu” Vinashin cũng làm ảnh hưởng phần nào đến quá trình hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chính sách của Nhà nước.
“Tôi cho rằng, việc tái cấu trúc Vinashin phải là một điển hình đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, đòi hỏi chúng ta có những chuyển đổi phù hợp trong tư duy và luật pháp về doanh nghiệp Nhà nước”, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nói.
Khiếm khuyết trong giám sát
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng - Ảnh: Chinhphu.vn |
Liên quan tới việc phân cấp quản lý Nhà nước đối với Tập đoàn Vinashin, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng (đại biểu Đắk Nông) giải thích, Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện chủ sở hữu trực tiếp của Nhà nước tại tập đoàn.
Bộ Giao thông vận tải quản lý chuyên ngành thực hiện một số chức năng quản lý nhà nước và chủ sở hữu đối với nhà nước được Chính phủ giao. Hiện, phân cấp quản lý Nhà nước đối với Vinashin là tương đối rõ trong lĩnh vực vận tải biển, an ninh an toàn vận tải biển, phối hợp thực hiện các quy định quốc tế…
Đối với công tác giám sát đầu tư, Bộ GTVT có phát hiện một số vấn đề báo cáo Chính phủ, nhưng nhiều vấn đề không phát hiện ra, phát hiện chậm, thậm chí cả vấn đề cố ý làm trái. Đó là trách nhiệm, khuyết điểm của Bộ Giao thông vận tải, song cũng phải kể đến phần hạn chế trong cơ chế thực hiện.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng nhìn nhận, vẫn còn khó khăn, lúng túng trong thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu.
Cần điều chỉnh cơ chế thanh tra, kiểm tra
Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền - Ảnh: Chinhphu.vn |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền giải trình thêm những vấn đề về công tác thanh tra tập đoàn này thời gian qua.
Theo Tổng thanh tra Chính phủ, riêng với Vinashin, Thanh tra Chính phủ đã chủ động nắm tình hình, đã phát hiện nhiều vi phạm của Vinashin. Từ giữa năm 2008 đến đầu năm 2010, Thanh tra Chính phủ đã 3 lần xây dựng kế hoạch thanh tra toàn diện tập đoàn này. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan như tập trung chống suy giảm kinh tế, tránh sự chồng lấn trong kế hoạch thanh tra giữa các cơ quan nên chưa có một cuộc thanh tra toàn diện tập đoàn này.
Việc thanh tra không đầy đủ, xử lý kịp thời, đúng mức trong những lần thanh tra từng bộ phận của Vinashin, Tổng thanh tra Chính phủ cho rằng, do có sự chồng chéo, không phân định rõ nên còn có sự chờ đợi lẫn nhau chứ không phải là đùn đẩy.
“Ở mặt này, cả Chính phủ và Thanh tra Chính phủ cũng nhận thấy trách nhiệm và cũng đã rút kinh nghiệm. Để khắc phục cần tăng cường quản lý Tập đoàn và các Tổng công ty, ngoài việc ban hành các cơ chế quản lý chung cần phải điều chỉnh lại cơ chế về hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát làm sao để có cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp và có cơ quan chịu trách nhiệm gián tiếp”, Tổng thanh tra Trần Văn Truyền phân tích.
Tổng thanh tra cũng thẳng thắn cho rằng, dưới góc độ công tác thanh tra, chưa thấy có dấu hiệu bao che đối với Vinashin trong quá trình hoạt động của tập đoàn này.
(Theo Lê Sơn – Quỳnh Hoa - Nhật Bắc // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com