Đại biểu Quốc hội còn nhiều quan ngại khi thảo luận về dự án Thủy điện Lai Châu. |
Thảo luận về dự án Thủy điện Lai Châu sáng 13/11, tuy đồng tình với chủ trương xây dựng, song đảm bảo an toàn vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu đặt ra với không ít băn khoăn, lo ngại.
Theo đại biểu Lê Văn Học, trong hồ sơ dự án chưa nêu lên tính toán an toàn cho đập và chưa thể hiện kết quả khảo sát về hiện tượng nứt gẫy, khả năng động đất trong điều kiện hồ chứa nước đang ở mức cao và các số liệu tính toán liên quan đến thượng nguồn.
Phương án ứng phó khi xảy ra lũ quét, sạt lở lớn ở khu vực công trình thủy điện, ảnh hưởng của các vùng lân cận nhà máy khi xả lũ lớn trong trường hợp mưa kéo dài gây lụt, gây úng đập và phương án ứng phó khi các đập thủy điện của các nhà máy ở phía Trung Quốc có sự cố báo cáo thuyết minh chưa nêu rõ, đại biểu Học nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng, vấn đề động đất, động đất kích ứng là điều đương nhiên xảy ra, cộng thêm lũ nữa thì luôn luôn phải tính xác suất rủi ro có thể xảy ra đó là vỡ đập. "Nếu vỡ đập thì phương án ứng phó như thế nào, nếu có sự cố ở thủy điện Lai Châu hoặc Sơn La thì ở đây chúng ta có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị và trong thời gian đó chúng ta phải làm gì? Phải có phương án hết sức chi tiết và phải diễn tập", đại biểu Xuân đề nghị.
Tuy nhiên, theo giải trình của Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh, công trình đã được tính toán động đất ở cấp 9, và về căn bản có thể yên tâm về an toàn về động đất.
Liên quan đến vấn đề xảy ra các rủi ro từ các đập ở thượng nguồn Trung Quốc, ông Thanh cho biết đã khảo sát 11 dự án thủy điện ở sông Đà phía thượng nguồn trên đất Trung Quốc. "EVN đã tính toán những phương án để giữ an toàn nhất cho dự án", ông Thanh quả quyết.
Về băn khoăn của đại biểu liên quan đến thu xếp vốn cho dự án, ông Thanh nói, EVN đề xuất phương án 20% vốn tự có đã xem xét cân đối nguồn lực của mình, bán một số cổ phần của một số nhà máy để thu xếp phần 20% vốn tự có. 80% còn lại do người bán thiết bị thu xếp.
“Phương án thu xếp là 20, 80 như vậy thì về căn bản là thỏa mãn được”, Tổng giám đốc Thanh khẳng định.
"Gói" lại các ý kiến phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu rõ, việc xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Lai Châu phải được xem xét giải quyết tổng thể vấn đề phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu quốc phòng an ninh của huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu và toàn bộ khu vực Tây Bắc.
Bên cạnh đó, cần tính toán kỹ yêu cầu để bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình, nhất là những tình huống phát sinh cùng một lúc nhiều nhân tố ảnh hưởng đến an toàn công trình.
Vốn đầu tư cho dự án xây dựng nhà máy cũng cần xác định rành mạch để đảm bảo nguyên tắc hạch toán kinh doanh của một tổ chức kinh tế hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đó là EVN.
"Đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, đặc biệt là tính khả thi về vốn gắn với tiến độ xây dựng nhà máy", Phó chủ tịch nói.
Theo ông Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết về vấn đề này gửi xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sẽ trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này.
(Theo Nguyên Hà // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com