Khó tiếp cận chính sách hỗ trợ của Chính phủ Đông đảo cử tri và nhân dân cho rằng các nhóm giải pháp kích cầu của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng, từng bước đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, dần dần hồi phục và tăng trưởng ở mức phù hợp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri và nhân dân, do có nhiều quy định chưa thật sự phù hợp nên các hộ nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm cả chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất mua máy móc thiết bị.
Nhu cầu của phần lớn các hộ nông dân muốn được hỗ trợ để có vốn lưu động sản suất, trong khi quy định phải trả hết nợ cũ mới được vay mới, do đó nhiều người không đủ điều kiện để được vay nguồn vốn ưu đãi này.
Theo phản ánh của Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam và Hiệp hội các làng nghề Việt Nam, chỉ có dưới 10% các hội viên, tổ chức thành viên của các tổ chức này có nhu cầu đã được vay từ các nguồn vốn kích cầu.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan về hiệu quả của các gói kích cầu trước khi đưa ra các giải pháp mới; kịp thời chấn chỉnh việc cho vay không đúng đối tượng và sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn ưu đãi.
Chính phủ cần chỉ đạo ngành ngân hàng cải tiến hơn nữa các quy định nhằm đơn giản các thủ tục vay vốn nhất là đối với khu vực nông thôn.
Mặt khác, cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ kéo dài thời hạn cho vay ưu đãi đến hết năm 2010, đồng thời cần tiếp tục có những cơ chế khuyến khích phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, các doanh nghiệp mới thực hiện các dự án có hiệu quả, tạo nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, khu vực các huyện nghèo nhất nước.
Cần sớm có giải pháp đồng bộ về lao động, việc làm Trong bối cảnh suy thoái của
kinh tế thế giới đã tác động mạnh vào Việt Nam, người lao động thiếu việc làm và mất việc làm gia tăng; lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc phải về nước trước thời hạn khá nhiều.
Việc thu hồi đất nông nghiệp, lâm nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, sân "golf" nhiều nơi chưa hợp lý; quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; việc đền bù, tái định cư chưa được quan tâm đúng mức.
Trong khi đó người nông dân bị thu hồi đất phần lớn chưa được đào tạo nghề, hoặc được đào tạo nhưng rất hình thức, chất lượng tay nghề không cao nên rất khó kiếm được việc làm dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng, đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số được cử đi học theo chế độ cử tuyển về địa phương cũng không có việc làm...
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có những giải pháp đồng bộ về lao động, việc làm để giải quyết những vấn đề nêu trên; cần quan tâm hơn nữa đến công tác hậu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất để nơi tái định cư bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, sát hợp, quyết liệt hơn trong việc thực hiện Nghị quyết 30a về hỗ trợ 62 huyện nghèo, Quyết định 167 về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo; đồng thời chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung sức giúp đỡ nhân dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 9.
Còn chậm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường Cử tri và nhân dân cho rằng việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của các địa phương, các ngành chức năng rất chậm trễ trong khi đây luôn là mối quan tâm, bức xúc lớn của toàn xã hội.
Trong thực tế, hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường sống; nhiều phương tiện giao thông quá cũ nát không đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải; tình trạng xâm mặn ngày càng lớn đối với một số tỉnh phía Nam.
Hiện trạng môi trường nước thải, ngập úng sau mưa và nguồn nước tự nhiên ở các đô thị cũng bị ô nhiễm nặng nề, gây thiệt hại cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân...
Cử tri kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản nói chung, đặc biệt là khai thác rừng, than, bôxít, titan; đồng thời tăng cường kiểm tra chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường, có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm và xử lý đối với những đơn vị, tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường.
Cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để các cấp, các ngành chức năng có cơ sở pháp lý, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm, kể cả rút giấy phép hoạt động hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người gây ra nguồn ô nhiễm nguy hiểm.
Quan tâm đúng mức tới công tác quản lý thị trường Đông đảo cử tri cho rằng, công tác quản lý thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn bày bán công khai đã gây hậu quả xấu cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, người tiêu dùng chưa được hưởng một cơ chế bảo vệ hữu hiệu từ phía các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm; làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương; đồng thời kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện pháp luật và tăng cường hơn nữa công tác giám sát đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng khi đề xuất ban hành cơ chế, chính sách cần đề cao quan điểm và ý thức phục vụ nhân dân. Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu cần có lộ trình và bước đi thích hợp để không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, người nghèo, người có thu nhập thấp.
Phát huy sức mạnh toàn dân trong chống tham nhũng Cử tri và nhân dân cả nước nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm triển khai trên diện rộng. Nhận thức của cán bộ và nhân dân về phòng, chống tham nhũng đã được nâng lên một bước.
Tuy nhiên, các giải pháp để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao, nhất là các lĩnh vực đầu tư từ ngân sách, từ nguồn vốn nước ngoài thủ tục còn rườm rà, dễ phát sinh tham nhũng.
Một số quy định về quản lý, sử dụng đất đai, về chi tiêu ngân sách, mua sắm tài sản công, về thuế chưa sát hợp với thực tế và yêu cầu phòng ngừa tham nhũng; một số vụ tham nhũng gây bức xúc còn chậm được giải quyết; chưa phát huy được sức mạnh toàn dân trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần ban hành các quy định chặt chẽ và có tính minh bạch cao đối với một số lĩnh vực như đầu tư, xây dựng cơ bản, quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu, chi tiêu ngân sách, thuế để phòng ngừa tham nhũng.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết hơn nữa trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng; có chính sách bảo vệ, khen thưởng thích đáng, kịp thời đối với những công dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ trình bày báo cáo về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại các kỳ họp Quốc hội; kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung giải quyết dứt điểm những vụ án tham nhũng lớn và đưa tin kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát.
Xử lý các vi phạm pháp luật về an toàn giao thông Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp; số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn gia tăng; đặc biệt chỉ trong một thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra nhiều tai nạn giao thông nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương, hầu hết lại xảy ra ngay trong “Tháng an toàn giao thông”.
Đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các địa phương điều tra, khảo sát đầy đủ hiện trạng sử dụng đất công, kiên quyết thu hồi cho Nhà nước diện tích đất bị chiếm dụng trái phép hoặc sử dụng sai mục đích, chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị.
Đồng thời cử tri cũng kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật an toàn giao thông, an toàn lao động, đồng thời cần sớm ban hành các quy định nâng mức xử phạt cao hơn nữa để đủ sức răn đe những người coi thường tính mạng người khác, cố tình vi phạm pháp luật.
Tình trạng nhiều cơ quan, doanh nghiệp của Nhà nước quản lý và sử dụng đất đai, nhà xưởng, kho bãi không đúng mục đích gây lãng phí nghiêm trọng tại các đô thị, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Tình trạng mạng lưới điện cũ nát ở các thành phố lớn vừa mất mỹ quan đô thị, vừa không đảm bảo an toàn cho nhân dân, thậm chí gây chết người ở một số địa phương. Việc đào đường, dựng các “lô cốt” gây cản trở giao thông không giảm; nhiều “điểm đen” về giao thông chậm được khắc phục gây nhiều lo lắng cho nhân dân...
Cử tri và nhân dân cũng tiếp tục kiến nghị trong kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ sớm chỉ đạo giải quyết những vấn đề mà cử tri đã kiến nghị tại các kỳ họp trước như: trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; trong việc tổ chức thu mua lúa đảm bảo cho người nông dân không bị thiệt thòi./.