Sáng 12-3-2009, một sự kiện lịch sử trong ngành nuôi trồng hải sản đã diễn ra tại cảng Lincoln (Úc). Đàn cá ngừ vây xanh miền Nam – cho thịt ngon rất được ưa chuộng và phân bổ ở các vùng biển Nam bán cầu – nuôi trong bể bắt đầu đẻ trứng và đẻ không ngừng suốt hơn một tháng. “Người ta cho rằng chuyện này bất khả thi nhưng chúng tôi đã làm được”, Hagen Stehr – người sáng lập công ty nuôi trồng thủy sản Clean Seas - nói.
Ước tính, từ thập niên 1950 đến nay, đàn cá ngừ vây xanh miền Nam đã giảm hơn 90%. Mặc dù nhiều công ty đã áp dụng kỹ thuật nuôi nhân tạo trong lồng dưới biển nhưng bằng cách “dỗ” cá ngừ vây xanh miền Nam sinh sản trong ao, Clean Seas đang mở ra tương lai tươi sáng cho ngành nuôi cá ngừ thế giới.
15. Bộ ổn nhiệt thông minh
Cách đây 2 năm, trong lúc lái chiếc Prius, Seth Frader-Thompson chợt nhìn vào bảng đồng hồ – hiển thị lượng nhiên liệu tiêu hao trên mỗi km. Trong đầu ông lóe lên ý nghĩ: các gia đình cũng nên có thiết bị tương tự. Thế là Thompson đã mày mò sáng chế EnergyHub Dashboard – thiết bị nhỏ có màn hình, có thể kết nối không dây với các trang thiết bị trong nhà. Nó hiển thị lượng điện mà mỗi thiết bị điện đang tiêu thụ và tính ra số tiền điện phải trả.
EnergyHub cũng có thể tự động tắt mở các thiết bị điện và tăng giảm nhiệt độ lò sưởi hoặc máy lạnh để giúp bạn hạn chế lượng điện tiêu thụ trong nhà. Dự kiến, bộ điều nhiệt thông minh này sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm 2010.
16. Chơi game không cần bộ điều khiển
Lâu nay người chơi game luôn phải trang bị nhiều phụ tùng như cần điều khiển, chuột máy tính, súng quang... Thế nhưng với công nghệ Project Natal vừa được Microsoft trình diễn, các game thủ không cần dùng bộ điều khiển mà chỉ cần cử động cơ thể và dùng miệng ra lệnh. Nói cách khác, cơ thể người chơi chính là bộ điều khiển game. Project Natal sử dụng nhiều máy quay kết hợp với micrô chuyên dụng cộng với các phần mềm đặc biệt để theo dõi cơ thể người chơi và “phiên dịch” giọng nói của họ. Ví dụ, nếu bạn cử động tay, nhân vật trong trò chơi cũng sẽ cử động tay như thế.
17. Viễn di vật thể
Các chuyên gia Đại học Maryland (Mỹ) đã thành công trong việc dịch chuyển dữ liệu từ nguyên tử này sang nguyên tử khác nằm trong hộp kín cách đó 1 m. Mặc dù không thể ứng dụng cho việc “viễn di” cơ thể người nhưng thử nghiệm trên được xem là cột mốc trong công nghệ teleportation – dịch chuyển tức thời qua không gian xa cách. Công nghệ dịch chuyển từ nguyên tử này sang nguyên tử khác hứa hẹn có thể áp dụng để chế tạo ra thế hệ máy tính với tốc độ xử lý siêu nhanh và siêu bảo mật.
18. Kính viễn vọng quan sát ngôi sao vô hình
Tại một số nơi trong vũ trụ, nhiệt độ băng giá đến nỗi ánh sáng không thể chiếu rọi khiến không ít thiên thể trở nên vô hình (mắt thường không thể nhìn thấy được). Nhưng nay, kính thiên văn Herschel được Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) phóng lên vũ trụ tháng 5-2009 đang phơi bày những tinh tú ẩn ra ánh sáng. Được trang bị gương cầu đường kính 3,5 m, Herschel – kính thiên văn lớn nhất hoạt động trên không gian hiện nay - quan sát sóng hồng ngoại do các dải ngân hà, ngôi sao, hành tinh và sao chổi phát ra.
Để tránh tình trạng nhiễu hồng ngoại và biến động nhiệt độ do thời tiết ở Trái đất, kính Herschel được đặt lơ lửng tại điểm Lagrange thứ 2 cách Trái đất 1,5 triệu km - nơi lực hút Trái đất và Mặt trời cân bằng nhau. Trong thời gian hoạt động, dự kiến ít nhất 3 năm, Herschel sẽ theo dõi các ngôi sao và hành tinh mới sinh ra nhằm hé lộ thêm về quá trình hình thành vũ trụ.
(Theo BẢO TRÂM (Theo Time) // Cần Thơ Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com