Mới đây, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - người vừa được cử làm Trưởng liên ngành nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ đã nhấn mạnh rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ rất cần được hỗ trợ từ Nhà nước, nếu không sẽ khó phát triển.
Sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ giúp chủ động trong sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm công nghiệp, góp phần hạn chế nhập khẩu, gạt đi nỗi ám ảnh nhập siêu bấy lâu nay.
Quan điểm là vậy, song trên thực tế, không nhiều ngành làm được như vậy. Chẳng hạn, ngành dệt may - luôn đứng ở vị trí nhất, nhì về kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong nhiều năm qua, tuy nhiên, sau 20 năm lăn lộn trên thị trường quốc tế, hình thức gia công vẫn đóng vai trò chủ đạo. Kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu chính như bông, xơ, vải, hóa chất... cho sản phẩm may mặc chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu.
Hay như ngành công nghiệp điện tử, nhiều doanh nghiệp trong nước đã không trụ vững, dẫn đến giải thể. Ngay cả một số doanh nghiệp điện tử có tên tuổi của Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đã nhanh chóng chuyển sang nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc. Hoặc có doanh nghiệp kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt 1 tỷ USD, song có tới 950 triệu USD linh phụ kiện phục vụ sản xuất được nhập khẩu.
Mới đây, việc Tập đoàn Ford Motor (Mỹ) quyết định đầu tư 450 triệu USD để xây dựng nhà máy ô tô thứ ba tại Thái Lan, thay vì Việt Nam cũng đặt cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam một câu hỏi lớn về cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong việc gia tăng hàm lượng nội địa hoá. Hàng năm, Ford Motor sẽ chi 800 triệu USD mua linh phụ kiện được sản xuất ngay tại Thái Lan để phục vụ cho nhà máy này.
Trong hơn 10 năm qua, nhiều lần chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được đặt ra, nhưng đích thì vẫn chưa đi tới. Thậm chí tại thời điểm này, những cơ chế cụ thể để khuyến khích sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa ra đời. Các đề nghị có hơi hướng hỗ trợ đều được các tổ chức tài chính, ngân hàng "nhanh chóng" gạt ra khỏi danh mục ưu đãi vì e ngại vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bình luận về lo ngại này, ông Tuyển cho rằng, một trong những nguyên tắc chống trợ cấp là các sản phẩm làm ra phải gây nguy hại ở mức độ nhất định cho nền sản xuất tại nước có nhập khẩu sản phẩm đó. Đó là chưa kể chi phí điều tra lớn, chi phí để kiện cũng lớn và mất nhiều thời gian, nên không phải lúc nào câu chuyện đi kiện cũng được các nước đưa ra khi xem xét. Trong khi đó, nếu không phát triển được công nghiệp hỗ trợ, nước ta khó thoát khỏi vòng "nhập siêu".
Các chuyên gia đến từ Nhật Bản - một quốc gia có kinh nghiệm về phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng cho rằng, một việc cần làm ngay, ở góc độ vĩ mô, là Việt Nam phải nắm bắt được thực trạng của các doanh nghiệp trong nước, phải có cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp để có những đối sách hỗ trợ thích hợp.
Dĩ nhiên, vai trò của doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ rất quan trọng, song nếu Nhà nước không có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và khơi dậy sự chủ động, hứng thú của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất công nghiệp - vốn cần nhiều vốn đầu tư và đòi hỏi không ít thời gian để đi tới thành công, thì đích chắc chắn vẫn còn rất xa.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com