Theo đánh giá của ngành chức năng, nước ta đang phải đối mặt với tình trạng nhập siêu, trong đó có nhiều mặt hàng nhập khẩu (NK) lớn gồm thiết bị, máy tính, linh kiện, nguyên phụ liệu dệt, may, da, ô tô... Điều này cho thấy, nhiều ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (XK) vẫn chủ yếu dựa vào nguyên liệu, linh kiện NK.
|
Sản xuất linh kiện ô tô tại Công ty TNHH DENSO Việt Nam. Ảnh: Yến Ngọc |
Do vậy, sớm phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ giúp các ngành sản xuất trong nước tạo ra giá trị gia tăng lớn, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài và góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) vào năm 2020.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm điện, điện tử, các tập đoàn, công ty tầm cỡ thế giới đã vào nước ta với nhiều dự án quy mô lớn. Nhưng, hiện nay giá trị hàng XK vẫn chủ yếu sử dụng linh kiện NK, nên giá trị gia tăng rất thấp. Sản xuất các sản phẩm dệt may, da giày, mặc dù giá trị XK tăng nhanh, nhưng thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu chỉ dựa trên lợi thế về lao động, nguyên, phụ liệu vẫn chủ yếu NK, nên khả năng cạnh tranh thấp, giá trị gia tăng không lớn... Lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện, nguyên liệu trong nước còn nhiều vướng mắc, do chưa khuyến khích được các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo phản ánh từ các DN trong nước, việc sản xuất phụ kiện không được ưu đãi về thuế, trong khi đó các DN NK phụ kiện lại được hưởng chính sách này. Đây là vấn đề cần được điều chỉnh để hướng tới mục tiêu phát triển CNHT và tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất trong nước so với sản phẩm NK. Được biết, các sản phẩm CNHT thuộc các ngành công nghiệp mũi nhọn của nước ta, gồm các lĩnh vực sản xuất nguyên, phụ liệu cho ngành dệt - may, da - giày, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô và cơ khí chế tạo sẽ được hưởng chính sách ưu đãi như ưu đãi về đầu tư, phát triển thị trường, hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực...
Riêng về lĩnh vực thuế, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT sẽ được xem xét áp dụng mức thuế thu nhập DN 10% thời hạn 15 năm; được miễn thuế thu nhập DN trong thời hạn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập DN trong 9 năm tiếp theo. Những DN này còn được hưởng các ưu đãi cao nhất về thuế suất thuế NK, cùng những cơ chế ưu đãi có liên quan khác theo quy định của pháp luật. Để giúp các DN có nguồn vốn thực hiện các dự án phát triển CNHT, Nhà nước sẽ cho những dự án này được vay tối đa 85% tổng vốn cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển. Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mua sản phẩm CNHT sản xuất trong nước được ưu tiên xem xét cho vay vốn từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước...
Theo các chuyên gia, chủ trương phát triển CNHT cần sớm được thực hiện để các ngành XK cũng như sản xuất công nghiệp của nước ta có thể chủ động phát huy sức mạnh nội tại của nền sản xuất trong nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 6 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch NK của cả nước khoảng 38,8 tỷ USD, trong khi kim ngạch XK đạt hơn 32,1 tỷ USD. Giá trị nhập siêu 6 tháng đầu năm là 6,7 tỷ USD (chiếm 20,9% kim ngạch XK). Như vậy, "bệnh" nhập siêu sẽ không được giải quyết có hiệu quả nếu không sớm xây dựng, phát triển ngành CNHT.