Trong tháng 11 này, hầu hết các nhà máy đường (NMĐ) ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên bắt đầu bước vào niên vụ ép mía 2010 - 2011, với nỗi lo “thường trực” thiếu mía nguyên liệu. Nhiều khả năng sẽ tái diễn “cuộc chiến” khốc liệt giành nhau mua mía nguyên liệu ở khu vực này.
Bước vào niên vụ ép 2010 - 2011, trong số các NMĐ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có lẽ chỉ có NMĐ Phổ Phong (tỉnh Quảng Ngãi) là đơn vị tạm yên tâm về nguyên liệu mía. Bởi lẽ, dù NMĐ Quảng Phú (Quảng Ngãi) vẫn chưa được sát nhập vào NMĐ An Khê (Gia Lai) được như dự kiến trong năm 2010, nhưng NM này đã được tháo dỡ hoàn toàn. Và như vậy, toàn bộ diện tích 4.500ha mía hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sẽ thuộc sở hữu của NMĐ Phổ Phong, có công suất ép 1.500 tấn/ngày.
Cuộc chiến không khoan nhượng
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong niên vụ sản xuất mía đường 2010-2011, các vùng nguyên liệu phía Bắc và phía Nam của tỉnh này sẽ cho sản lượng gần 250.000 tấn mía cây. Khi hoạt động sản xuất còn bình thường, với sự song hành của 2 NMĐ thì nguyên liệu mía ở tỉnh Quảng Ngãi bị thiếu trầm trọng, dù vùng đất này trước đây nổi tiếng về mía. Thế nhưng bây giờ, khi NMĐ Quảng Phú đã dừng hoạt động thì tại tỉnh Quảng Ngãi đã không còn đối mặt với tình trạng “đói” nguyên liệu như ngày nào.
Nói về “cuộc chiến” mía đường không khoan nhượng trong vài năm gần đây, khi giá đường “leo thang” theo từng năm, áp lực về nguyên liệu của các NMĐ tại khu vực giáp ranh giữa miền Trung - Tây Nguyên càng tăng. Ông Nguyễn Tấn Cương - Giám đốc NMĐ An Khê, cho biết, trong niên vụ sản xuất này, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai là thủ phủ mía đường khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 19.000ha. Nếu không bị nắng hạn, năng suất mía ở vùng này sẽ đạt khoảng 55 tấn/ha, tổng sản lượng toàn vụ là hơn một triệu tấn mía.
Chỉ tính riêng NMĐ An Khê, sản xuất toàn vụ 150 ngày đã ngốn đến gần 700.000 tấn. Nhưng vùng nguyên liệu mía vùng Đông Gia Lai không chỉ cung ứng cho mỗi NMĐ An Khê mà đây còn là vùng mía “nóng bỏng” mà các NMĐ Kon Tum (có nhu cầu 100.000 tấn/vụ), Công ty cổ phần nhiệt điện - mía đường Gia Lai (công suất 1.800 tấn/ngày) thường xuyên “xâm lấn” vì thiếu nguyên liệu.
Ở một hướng khác, nằm sát cạnh vùng mía Đông Gia Lai, NMĐ Bình Định thuộc Công ty cổ phần (CTCP) đường Bình Định với vùng nguyên liệu tại địa bàn chỉ trên 2.000ha, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha thì sản lượng cho niên vụ ép 2010 - 2011 chỉ có hơn 100.000 tấn. Trong khi đó nhu cầu cho công suất của NM là 3.200 tấn/ngày, sản xuất toàn vụ 150 ngày cần phải có 480.000 tấn mía cây, thiếu đến gần 400.000 tấn mía. Do đó, cứ “đến hẹn lại lên”, NMĐ Bình Định phải mở biên thu mua ra các vùng mía Tây Phú Yên, Đông Gia Lai thì mới đủ nguyên liệu phục vụ sản xuất. Kết cục là tình trạng tranh mua nguyên liệu, “ngăn sông cấm chợ” của các NMĐ trong khu vực cứ tái diễn mỗi khi vào vụ ép mới.
Cần có quy hoạch tổng thể
Trở lại với việc thu mua nguyên liệu, sự tranh giành mía thường “nóng” vào cuối mỗi vụ ép mía. Các NMĐ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên thường cho người, xe lấn sang các vùng nguyên liệu lân cận. Và nhiều khi cảnh sát giao thông, chính quyền các địa phương cũng “vào cuộc” bất đắc dĩ.
NMĐ Kon Tum, dù công suất chỉ 1.500 tấn/ngày (lẽ ra phải đầu tư nguyên liệu trên vùng đất mình đứng chân) nhưng do thiếu mía, nên phải xuống tận vùng mía thuộc khu vực Đông Trường Sơn như huyện Đăk Pơ, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) để mua mía.
Đáng nói hơn cả là tình cảnh của NMĐ An Khê. Nhà máy đường này nằm giữa vùng nguyên liệu mía rộng đến hàng chục héc-ta, nhưng vùng nguyên liệu này lại bị chia năm xẻ bảy bởi các NMĐ Kon Tum, Bình Định… nên vẫn thường xuyên thiếu mía.
Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, để phần nào hạn chế tình trạng tranh chấp vùng mía, trong niên vụ 2010 - 2011, tỉnh đã mở rộng vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai lên đến xấp xỉ 20.000ha. Song song đó, các NMĐ cần phải chú trọng đầu tư chiều sâu để năng suất đạt ít nhất 60 tấn/ha thì sản lượng của vùng mía trọng điểm này sẽ được tăng lên 1,2 triệu tấn/vụ. Tiếp đến, nếu CTCP đường Bình Định thực hiện được kế hoạch tăng diện tích vùng nguyên liệu trên địa bàn lên 6.000ha, sản lượng đạt 300.000 tấn/vụ thì đến lúc đó, mía nguyên liệu sẽ đáp ứng được khoảng 80-90% tổng công suất của các NMĐ trong khu vực. Lúc đó cuộc chiến cạnh tranh nguyên liệu hằng năm mới bớt nóng bỏng.
Ông Phan Lâm Tường - Phó Tổng giám đốc CTCP đường Bình Định, cho rằng để dẹp yên tình trạng "mua tranh bán cướp" mía, Hiệp hội Mía đường VN cần phải thống nhất thời điểm khởi động sản xuất của các NMĐ ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm tránh chuyện cạnh tranh nguyên liệu thiếu lành mạnh. Đồng thời, các NMĐ phải nghiêm túc tuân thủ việc khai thác trong vùng nguyên liệu đã được các địa phương quy hoạch cho riêng mình, không được xâm lấn. Đặc biệt, đối với hai NMĐ An Khê và Bình Định, các đối trọng khai thác chung vùng nguyên liệu phía Đông Gia Lai, về lâu dài cần phải được rạch ròi vùng quy hoạch riêng rẽ để mỗi nhà máy chủ động được kế hoạch ép mía, cũng như tránh được tình trạng giành giật nguyên liệu mỗi khi vào cuối vụ ép.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng cần có sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho các NMĐ, để nâng năng suất vùng mía. Quan trọng hơn cả là cần có chủ trương xuất khẩu đường, quy hoạch vùng sản xuất thật kế hoạch để sản phẩm đường làm ra của các NMĐ không chỉ để tiêu dùng trong nước.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com