Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển công nghiệp phụ trợ: Cần một mạng lưới

Lắp ráp ô tô trong một nhà máy ở TPHCM. Ảnh: LÊ TOÀN.

Phát triển SI, câu hỏi chưa có lời giải đáp. SI (supporting industries), thường được gọi là công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ, là một đề tài được nhiều người, nhiều giới quan tâm vì vai trò quan trọng đối với phát triển nền công nghiệp.

Tuy nhiên, dù vấn đề này đã được nhắc tới nhiều lần, với nhiều phép thử, song cả một thời gian dài trôi qua, khi các nước xung quanh thay đổi như vũ bão, thì SI của Việt Nam vẫn mãi loay hoay quanh điểm xuất phát.

Để tìm giải pháp khắc phục, trước tiên cần lý giải kỹ hơn vấn đề vì sao những chiến lược hay chính sách phát triển SI trước nay thường “giẫm chân tại chỗ”. Nhìn tổng thể, việc phát triển SI của Việt Nam suốt hơn một thập niên qua không thoát khỏi trạng thái bùng nhùng có thể do ba nguyên nhân. Một là bản thân chính sách hỗ trợ thiếu rõ ràng. Hai là tư tưởng hỗ trợ mang tính bảo hộ của Chính phủ, cùng thái độ trông chờ hỗ trợ của doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba là tình trạng hoạt động riêng rẽ và thiếu chủ động yêu cầu hỗ trợ của khối doanh nghiệp tư nhân, vốn là nhân vật chính của cuộc chơi kinh tế thị trường và cũng là đối tượng chính cần hỗ trợ.

Chính sách hỗ trợ thiếu rõ ràng

Chính sách hỗ trợ thiếu rõ ràng bắt đầu từ chỗ không có một định nghĩa về SI rõ ràng, khoa học và phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại.

Lúc đầu, SI là một thuật ngữ chỉ các nhà sản xuất linh kiện bộ phận phục vụ lắp ráp chế tạo sản phẩm cuối cùng (như ô tô, đồ điện gia dụng, máy móc thiết bị các loại…), do giới công nghiệp và các nhà lập chính sách Nhật đưa ra từ cuối thập niên 1980, theo nhu cầu dịch chuyển sản xuất (đầu tư) ra nước ngoài (lúc đó chủ yếu là các nước ASEAN).

Cụ thể, một dự án nghiên cứu từ 1987-1990 của JICA đã khảo sát tình hình SI ở Malaysia và Thái Lan. Theo đó, các nhà lập chính sách Nhật đương thời đã đưa ra mười lĩnh vực như gia công đúc ép, chế tạo linh kiện ô tô xe máy, linh kiện bộ phận thiết bị máy văn phòng, gia công đế cao su (giày dép), chế tạo màn hình (CTR)… áp dụng cho Malaysia, và hai ngành gia công đồ nhựa và gốm sứ (bao gồm cả máy móc, thiết bị cho tới nguyên vật liệu, và sản phẩm) áp dụng cho trường hợp của Thái Lan.

Trong khi đó, Ủy ban Xúc tiến đầu tư của Thái Lan lại định nghĩa SI bằng mười chín chuyên ngành sản xuất cụ thể như chế tạo khuôn và gia công đúc (mould and die), gia công đồ gá (jig and fixture), đột dập (forging), chế tạo dụng cụ mài (grinding), xử lý bề mặt (surface treatment) cho tới gia công hệ thống chống khóa phanh (anti lock brake system)…

Xuất phát từ những định nghĩa này, Nhật đã cùng các nhà lập chính sách của Malaysia và Thái Lan đề ra những chương trình hỗ trợ và biện pháp khuyến khích khác nhau, giúp các doanh nghiệp SI (cả vốn đầu tư nước ngoài và trong nước) của họ phát triển. Cần nói thêm là các chính sách hỗ trợ này không đưa ra những mục tiêu cụ thể thay doanh nghiệp, và cũng không chỉ định doanh nghiệp nào sẽ được hỗ trợ.

Trường hợp Việt Nam, tham khảo bản “Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ” trên website Chính phủ, có thể thấy SI bao hàm khắp các lĩnh vực từ dệt may, giày dép, ô tô, xe máy, cơ khí, cho tới công nghệ thông tin.

Những mục tiêu đặt ra rất hoành tráng như “ngành dệt may đến năm 2010 đáp ứng trên 30% nhu cầu nội địa, đến 2015 khoảng 39%”…; hay về công nghiệp ô tô: “các doanh nghiệp nhà nước (VEAM, VINAMOTOR, TKV, SAMCO) và các công ty Xuân Kiên, Trường Hải là những cơ sở giữ vai trò chủ đạo” và “sản lượng các loại phụ tùng dự kiến đến năm 2010 và 2020: …cụm động cơ các loại từ 44.000 lên 88.600 cái; hệ thống lái và cầu trước từ 63.000 lên 109.500 cái”… Tuy nhiên, không hề có một định nghĩa rõ ràng công nghiệp hỗ trợ là gì. Vì vậy chính sách đã không xác định được đối tượng hỗ trợ rõ ràng, ngoại trừ khoanh vùng một số doanh nghiệp nhà nước.

Với tâm lý trói buộc nền công nghiệp quốc gia loanh quanh chỉ những doanh nghiệp nhà nước này thì khó có thể kỳ vọng một tương lai tươi sáng. Việc lờ đi doanh nghiệp tư nhân (cả vốn trong và ngoài nước) trong số đối tượng cần khuyến khích, dù vô tình hay hữu ý đã là một động tác vô hiệu hóa bản thân chính sách này.

Hỗ trợ mang tính bảo hộ

Nguyên nhân thứ hai này liên quan tới cả cơ quan công quyền và doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu, quy hoạch cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô một quốc gia hơn chục năm sau mà tính đếm được tới con số lẻ mấy trăm cụm động cơ, mấy trăm hệ thống lái… thì có thể thấy tâm lý bảo hộ và di sản kế hoạch hóa tập trung của các nhà làm chính sách còn nặng nề tới chừng nào.

Còn về phía các doanh nghiệp SI vốn nhà nước cũng như khối doanh nghiệp nhà nước nói chung, tâm lý trông chờ vào những hỗ trợ (thực chất là bảo hộ) hoặc về vốn, hoặc về thị trường (thế độc quyền), bảo hộ về quyền sử dụng đất, vị trí kinh doanh thuận lợi… đã thành một căn bệnh khó chữa.

Doanh nghiệp tư nhân thờ ơ với chính sách

Qua những cuộc điều tra thực tế, khi phỏng vấn các doanh nghiệp SI tư nhân (trừ những doanh nghiệp kiểu sân sau của quan chức) về những chính sách hỗ trợ, hầu hết câu trả lời là “chỉ cần nhà nước đừng làm phiền chứ không màng tới chuyện được hỗ trợ”.

Sự thờ ơ của doanh nghiệp SI tư nhân phản ánh mức độ lòng tin của họ đối với chính sách. Nó chính là hệ quả của việc làm chính sách với nội dung sáo rỗng, phi lý, và những biện pháp hỗ trợ không hiệu quả do cách thức cũng như đối tượng hỗ trợ không được xác định đúng, trong suốt một thời gian dài. Điều đáng tiếc là sự thờ ơ của các doanh nghiệp tư nhân vô hình trung đã khiến họ tự bỏ đi cái quyền được đòi hỏi những chính sách hỗ trợ chính đáng.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vừa với tư cách là chủ thể kinh tế, vừa là một chủ nhân của đất nước phải có quyền đòi hỏi Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ riêng. Chính sách hỗ trợ ở đây không phải là việc tạo ra những đặc quyền (từ thông tin cho đến vốn) để rồi chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm cá nhân và những doanh nghiệp hoặc có vốn nhà nước, hoặc là sân sau của quan chức.

Để có một chiến lược phát triển công nghiệp SI hiệu quả, cần phải khắc phục cả ba nguyên nhân trên, nhưng trong đó giải quyết nguyên nhân thứ ba là quan trọng nhất. Lý do đơn giản vì doanh nghiệp tư nhân là chủ thể chính trong cuộc chơi tự do cạnh tranh. Nhưng để tìm biện pháp giúp doanh nghiệp tư nhân chủ động đòi hỏi và tận dụng cơ hội hỗ trợ để phát triển, trước hết cần xem qua thực trạng của SI Việt Nam.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Thế lưỡng nan của ngành thức ăn chăn nuôi
  • Các nhà máy đường tranh giành vùng nguyên liệu
  • Muối dư thừa nhưng vẫn nhập
  • Các nhà máy đường không được bán số lượng lớn
  • Khi đất hiếm lên ngôi
  • Sắp có nhà máy sản xuất cừ bằng nhựa
  • Nhiều tỉnh thành tìm đầu ra cho muối
  • Sôi động việc thu mua mía nguyên liệu tại ĐBSCL
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container