Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần làm nhiều hơn... nói

Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khai. Ảnh: Duy Khương.

Đây là thời điểm Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ), nếu không muốn quá muộn. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thời gian tới ngành công nghiệp hỗ trợ có phát triển hay không tùy thuộc vào những chính sách thích hợp của Chính phủ và quyết tâm thực hiện của các bộ, ngành, doanh nghiệp.

Nói nhiều, làm thì ít

“Chúng ta đã bàn thảo quá nhiều về công nghiệp hỗ trợ, nhưng thực tế phát triển không như mong đợi...”, ông Trần Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, nói với TBKTSG bên lề cuộc tọa đàm “Công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa” do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức vào cuối tuần qua ở TPHCM.

Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có, nhưng theo ông Hùng, điều quan trọng nhất là các bộ, ngành phải thay đổi tư duy, quan niệm về cách thực hiện. Đã có nhiều chính sách, nghị định, thông tư hướng dẫn phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng đọc không ai hiểu, hoặc đọc xong bỏ qua, vì không thể thực hiện được. “Cái gốc của vấn đề vẫn nằm ở tư duy của nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách. Nếu nói nhiều, nhưng làm ít hoặc không làm thì ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn không thể phát triển được trong thời gian tới”, ông Hùng khẳng định.

Cho đến hiện tại, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chỉ phát triển ở mức độ “sơ khai”, vừa thiếu và yếu trong mọi lĩnh vực. Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hiện vẫn ở trình độ phát triển thấp, chất lượng không ổn định, chủ yếu phục vụ trong nước nên không đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng giới hạn ở một số nhà cung cấp cho các doanh nghiệp lớn đang hoạt động ở Việt Nam như Canon, Honda, Samsung... Đáng lo ngại nhất là các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn còn yếu kém về trình độ, quy mô và khả năng cung cấp.

Thực trạng này là do chính sách của Chính phủ chưa tốt, những ưu đãi về đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển vẫn dựa trên nền tảng là các doanh nghiệp nhà nước, hoạt động không hiệu quả, nặng nề, ỷ lại, không có động cơ phát triển.

Cần nhắm vào doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa

“Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước mang tính bảo hộ, gây tác dụng tiêu cực đến sự phát triển của ngành” - ông Hùng chỉ ra những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển chậm trong thời gian qua - “Nhà nước không thể ép các doanh nghiệp FDI nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng mệnh lệnh hành chính mà cần cải thiện khả năng cung cấp các sản phẩm hỗ trợ trong nước. Thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư các linh kiện và bộ phận với giá thành rẻ và chất lượng cao theo cơ chế thị trường, tỷ lệ nội địa hóa chắc chắn sẽ tăng lên”.

Cùng quan điểm với ông Hùng, ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp, Bộ Công Thương, cũng cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Năm 1975, Hàn Quốc đã ban hành Luật Xúc tiến thầu phụ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật này quy định một số ngành công nghiệp, cũng như sản phẩm trong các ngành này là sản phẩm thầu phụ. Theo đó, các doanh nghiệp lớn buộc phải mua ngoài các linh kiện, sản phẩm chứ không được sản xuất toàn bộ trong quá trình hoàn thiện thành phẩm.

“Hàn Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng linh kiện phải phát triển các sản phẩm này thay thế nhập khẩu. Với cách làm này, họ đã thúc đẩy được các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển”, ông Tuất phân tích. Một chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thích hợp đã thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia chế tạo và sản xuất linh kiện cung cấp cho các doanh nghiệp lớn. Cách làm này đã xã hội hóa được quá trình sản xuất công nghiệp hỗ trợ thông qua việc huy động nhân lực, nguồn tài chính trong dân cư. Các doanh nghiệp lớn giảm được áp lực về tài chính trong việc đầu tư phát triển linh kiện, tình trạng kinh doanh “khép kín” kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ giảm bớt.

Với chính sách này, doanh nghiệp nhỏ phải nỗ lực cạnh tranh bằng cách nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, để có hợp đồng cung cấp linh kiện và giao hàng đúng hạn cho doanh nghiệp lớn. Chất lượng các sản phẩm làm ra sẽ cao hơn khi có tính cạnh tranh và chịu sự kiểm tra khắt khe của những doanh nghiệp lớn. Sản phẩm linh kiện của các doanh nghiệp tư nhân cung cấp sẽ khắc phục được tình trạng những sản phẩm “được chăng hay chớ” của các công ty con, trực thuộc tập đoàn.

Cần xem công nghiệp hỗ trợ là nền tảng của phát triển kinh tế trong giai đoạn tới

Ông Tuất cũng cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ giải quyết được căn bệnh nhập siêu của Việt Nam trong thời gian tới. Tăng trưởng kinh tế trong nước đang định hướng vào các ngành công nghiệp xuất khẩu, nếu công nghiệp hỗ trợ không phát triển kịp thời, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ linh kiện đầu vào từ nước ngoài với chi phí cao. Điều này sẽ là hệ lụy của việc phát triển kinh tế dựa trên xuất khẩu tài nguyên và “nhập khẩu đầu vào để xuất khẩu”. Nguy hiểm hơn, Việt Nam cũng đối mặt với thực tế là phải “nhập khẩu” luôn các căn bệnh của các quốc gia xuất khẩu về lạm phát, tỷ giá, các ràng buộc phi thương mại khác... Hậu quả là kim ngạch xuất khẩu càng cao, tỷ lệ nhập siêu của nền kinh tế càng lớn.

Theo ông Tuất, “công nghiệp hỗ trợ như một chân núi vững chắc cho một nền công nghiệp bền vững, ngành công nghiệp hoàn thiện, lắp ráp chỉ được coi là phần ngọn của quả núi kinh tế”. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ phải được ưu tiên và được coi là nền tảng phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Nhà nước cần sớm thành lập một cơ quan đầu mối đủ mạnh có khả năng hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ nhất quán hiệu quả hơn. Cơ quan này phải có liên hệ và tham mưu trực tiếp cho Chính phủ trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy một chính sách đúng được triển khai và thực hiện tốt sẽ có tác dụng nhanh thúc đẩy hiệu quả ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã chứng minh sự yếu ớt của các nền công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và công nghiệp lắp ráp vì chúng dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Ngược lại, các quốc gia có nền công nghiệp chế tạo với hệ thống công nghiệp hỗ trợ mạnh đã dễ dàng tận dụng cơ hội thúc đẩy sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mới đón đầu sự phục hồi trở lại của nền kinh tế với vị thế cạnh tranh mới.

Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp giảm mạnh - Tỷ lệ giá trị gia tăng/giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp (VA/GO) liên tục giảm sút:
 
Tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp (GDP của ngành công nghiệp) cũng liên tục giảm sút, từ hơn 15% trong giai đoạn 1995-2000 giảm xuống còn 11% trong giai đoạn 2001-2005. Đến năm 2008, tốc độ này còn ở mức 8,14% và năm 2009 là 3,98%. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp, những con số thống kê này cho thấy ngành công nghiệp của Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển chủ yếu theo bề rộng, tập trung vào gia công và lắp ráp.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • VN cần có chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ
  • Phát triển công nghiệp phụ trợ: Thực tế và giải pháp cho Việt Nam
  • Phát triển công nghiệp phụ trợ: Thực tế và giải pháp cho Việt Nam
  • Sẽ tái diễn "cuộc chiến” giành mía nguyên liệu?
  • Phát triển công nghiệp phụ trợ: Cần một mạng lưới
  • Thế lưỡng nan của ngành thức ăn chăn nuôi
  • Các nhà máy đường tranh giành vùng nguyên liệu
  • Muối dư thừa nhưng vẫn nhập
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container