Sự yếu kém của công nghiệp hỗ trợ những năm qua đã khiến tỉ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp nước ta ở mức thấp.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec (Khu Công nghệ cao TPHCM), 100% vốn đầu tư của Nhật Bản |
Theo Bộ Công Thương, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tạo giá trị gia tăng cho ngành sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển năng lực sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động.
Hiện CNHT các ngành hàng xuất khẩu trong nước còn non yếu, chủ yếu lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên hiệu quả xuất khẩu không cao. 70-80% sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn phải nhập khẩu.
Công nghiệp hỗ trợ còn ”đuối”
Những năm trước đây, có nhiều câu chuyện bất cập về CNHT ở ta. Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra minh họa, một doanh nghiệp Nhật sản xuất rượu tại Việt Nam đã dở khóc dở cười bởi trong số các sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất, phía công ty chỉ dùng được thùng carton. Tất cả các sản phẩm khác, thậm chí đến vỏ chai rượu cũng phải nhập do sản phẩm nội địa không đáp ứng được yêu cầu chất lượng lẫn độ phối màu cần thiết.
Các mặt hàng công nghiệp phụ trợ do doanh nghiệp nội địa sản xuất có giá trị thấp, sản phẩm chủ yếu là bao bì đóng gói, phụ tùng và linh kiện đơn giản, ông Hưng nhận xét.
Còn ông Keinichi Ono, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng, khi tham gia AFTA, WTO, các hiệp định thương mại tự do song phương, "doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất các cơ sở chế tạo và chỉ giữ lại các đại lý bán hàng" bởi các ngành phụ trợ còn đang yếu.
Tuy còn rất nhiều những hạn chế và khó khăn nhưng trong những năm gần đây ngành CNHT đã có những sự tiến bộ ít nhiều. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành CNHT ở nước ta hiện nay đã thành công ở lĩnh vực sản xuất xe máy và điện gia dụng. Ngành sản xuất xe máy có các tập đoàn lớn của Nhật Bản, đặc biệt là Đài Loan đầu tư góp vốn liên doanh xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu về phụ tùng trong nước.
Tương tự, ngành điện gia dụng cũng đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 70-80%. Những ngành còn lại hầu như chỉ đạt đến mức độ gia công giai đoạn cuối của sản phẩm.
Nhiều chuyên gia nhận định, CNHT đi lên chậm chạp do nguyên nhân cơ bản thiếu vốn. Để phát triển ngành CNHT, doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn trong khi đó, ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp vay ngắn hạn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp nên càng tiếp cận vốn vay hơn.
Thiếu vốn, yếu nhân lực, ngành CNHT của Việt Nam vẫn chỉ ở dạng sản xuất giản đơn dưới sự hướng dẫn của người nước ngoài.
Tạo đòn bẩy cho CNHT vươn lên
Dự thảo Nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành hàng xuất khẩu vừa được Bộ Công Thương xây dựng xong, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Theo đó, các cơ chế, chính sách cần thiết để phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt phục vụ các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực: dệt – may, da - giầy, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo đã được đề ra.
Đó là các ưu đãi về đầu tư, phát triển thị trường, về khoa học - công nghệ, về hạ tầng cơ sở, về đào tạo nguồn nhân lực, về thuế. Trong đó, đáng chú ý là các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này sẽ được hỗ trợ vay tối đa 85% tổng vốn cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, cơ chế và lãi suất vay theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp được xem xét, áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 15 năm, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo.
Theo một số chuyên gia, bên cạnh các ưu đãi của Nhà nước, các doanh nghiệp cần đa dạng hoá trong hợp tác, liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản.
Đó là những công ty có trình độ kỹ thuật cao và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chỉ có đa dạng hoá liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư thì các doanh nghiệp Việt Nam mới là một mắt xích trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.
Trước mắt với những chi tiết tương đối dễ gia công, chế tạo, các doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng đảm nhận được ngay và trong tương lai công việc đó sẽ chuyển sang cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện cả nước có khoảng 30 ngành kinh tế kỹ thuật cần đến CNHT, trong đó có một số ngành chủ yếu như dệt may, da giày, cơ khí lắp ráp, điện tử-tin học... CNHT đòi hỏi có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước cũng có thể liên doanh, liên kết để thành lập các doanh nghiệp vệ tinh, sản xuất sản phẩm phụ trợ phục vụ cho bản thân doanh nghiệp và cho xã hội.
(Theo Vũ Trọng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com