Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trồng dó bầu lấy trầm hương: Kẻ cười, người khóc

Trầm hương của ông Nguyễn Công Búp, Trảng Bom, Đồng Nai thu hoạch từ cây dó bầu 10 năm tuối, Giá bán 1kg trên thị trường từ 3-4 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Hùng

Nhiều hộ nông dân một số tỉnh Đông Nam bộ và Nam Trung bộ đã đầu tư lớn cho việc trồng dó bầu để tạo trầm hương. Tuy nhiên, trên thực tế không phải người trồng nào cũng thu về lợi nhuận cao mà nhiều hộ nông dân đang mất ăn mất ngủ vì trồng gần mười năm nhưng dó bầu lại không cho trầm hương.

Ông Võ Trọng Nha, nhà ở huyện Tân Phú, Đồng Nai có 7.000/10.000 cây dó bầu đã tạo trầm, có thể bán với giá khoảng 5 triệu đồng/cây. Theo ông Nha, cây dó bầu tạo ra lợi nhuận cao vì cành, thân đến rễ đều bán được với giá cao.

Tại cuộc hội thảo tổng kết các phương pháp tạo trầm trên cây dó bầu do Hiệp hội Trầm hương Việt Nam tổ chức ngày 17-3 tại TPHCM, có hơn 200 người tham dự, chủ yếu là những người trồng dó bầu lấy trầm hương đến từ Khánh Hòa, Bà Riạ- Vũng Tàu, Đồng Nai… để cùng trao đổi kinh nghiệm.

Đầu tư lâu năm nhưng không dễ thu lợi

Không chỉ trao đổi kinh nghiệm, nhiều nông dân còn chia sẻ cả niềm vui nỗi buồn trong quá trình đầu tư cho cây dó bầu tại cuộc hội thảo. Nhiều người đến dự sự kiện với niềm vui vì cây cho trầm bán với giá cao thì cũng có những người không giấu nỗi buồn và lo lắng khi cây đã trồng 5-10 năm nhưng vẫn chưa thu được thành quả.

Trong những tỉnh có nhiều hộ trồng dó bầu để lấy trầm hương thì Đồng Nai được xem là có nhiều trường hợp thành công nhất. Ngoài trường hợp ông Nha ở huyện Tân Phú, hộ gia đình ông Ngô Duy Tư có 1.500 /3.000 cây dó bầu đã bắt đầu cho trầm từ 3 năm nay. Theo ông Tư thì giá mỗi cây dó bầu được thương lái hỏi mua là 6 triệu đồng nhưng ông vẫn chưa đồng ý bán.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Tư cho biết nhu cầu sử dụng trầm hương trên thị trường hiện khá lớn, đặc biệt là trầm hương có chất lượng, nên chỉ cần khoảng 1,5 năm nữa thì mỗi cây dó bầu của ông có giá không dưới 10 triệu. Nếu trồng thêm vài năm nữa thì có thể mang về cho ông Tư khoảng 20 triệu đồng/cây.

Ngoài Đồng Nai thì Khánh Hòa là địa phương có diện tích cây dó bầu tạo được trầm hương lớn, đơn cử trường hợp Công ty TNHH một thành viên Khánh Phương hiện đang có 5.000 cây dó bầu đang cho trầm và trong tương lại mang về cho công ty này một số tiền tính từ 9 con số không trở lên.

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng trồng dó bầu là tạo được trầm, điển hình là Bà Rịa-Vũng Tàu. Theo số liệu của Hội làm vườn tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có 200 héc ta trồng dó bầu nhưng phần lớn không tạo được trầm dù người dân áp dụng tất cả những cách thức tạo trầm như đóng đinh lên cây, lột vỏ cây, dùng hóa chất lẫn phương pháp vi sinh vật.

“Có thời gian, diện tích trồng dó bầu ở Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên rất nhanh chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) không biết số lượng chính xác là bao nhiêu. Nay, chúng tôi có 200 héc ta trồng dó bầu nhưng người dân chặt bỏ để trồng cao su vì không tạo được trầm. Hiện diện tích cây bị chặt bỏ cũng nhiều và nhanh như thời kỳ mới trồng cây này”, ông Thái Văn Dũng, Chủ tịch Hội làm vườn Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay.

Không kiểm soát được thuốc tạo trầm kém chất lượng

Theo ông Trần Hợp, Chủ tịch Hội Trầm hương Việt Nam, Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á có điều kiện địa lý, khí hậu để phát triển cây dó bầu tạo trầm hương có chất lượng tốt cũng như sản lượng nhiều. Tuy nhiên, do cách thức trồng và tạo trầm vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân các hộ nông dân nên hiệu quả không cao.

Ông Hồ Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ Tinh Đất Việt, nói rằng hiện có nhiều công thức tạo trầm hương khác nhau và việc áp dụng những loại thuốc này phải tùy theo điều kiện khí hậu, địa lý, độ tuổi của cây. Cùng một công thức có thể ở địa phương này thì cây dó bầu cho trầm hương còn ở địa phương khác lại không.

Theo phản ánh của những hộ nông dân thì những người tạo trầm thuê, các công ty bán hóa chất tạo trầm thường đến trực tiếp từng hộ chào mời với những chiêu thức quảng cáo hấp dẫn để thuyết phục chủ vườn làm theo. Nhưng sau khi nhận tiền thì những người tạo trầm thuê, công ty kể trên ra đi, còn kết quả như thế nào thì chủ vườn phải phó thác cho may rủi.

Ông Tư cho biết, hiện ở Đồng Nai có khoảng 10 loại thuốc tạo trầm, gồm bốn loại do người trong tỉnh tự sản xuất và 6 loại làm từ các địa phương khác được mang đến chào bán. Đa phần các loại thuốc này kém chất lượng nên khi người dân mua về cấy vào cây dó bầu thì một thời gian sau cây chết, chỉ được dùng làm củi đun.

“Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hướng dẫn những biện pháp kỹ thuật cũng như có khuyến cáo người dân về loại thuốc tạo trầm hương có chất lượng. Nếu tình trạng hiện nay cứ kéo dài thì người trồng dó bầu sẽ trắng tay vì thuốc kém chất lượng bán tràn lan trên thị trường”, ông Tư nói.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề này, ông Trần Hợp cho biết, Hiệp hội Trầm hương Việt Nam sẽ kiến nghị với Bộ NN&PTNT sớm có chỉ định một đơn vị kiểm tra các loại thuốc tạo trầm hương và cấp chứng chỉ lưu hành trên thị trường, nhằm giúp người trồng mua được thuốc chất lượng tốt.

Song, Hiệp hội Trầm hương Việt Nam cũng thừa nhận, đây là việc làm khó thực hiện được trong thời gian ngắn. Và trong khoảng thời gian chờ đợi giải pháp hữu hiệu thì người trồng dó bầu vẫn phải sống chung với những loại thuốc tạo trầm đang có bán trên thị trường. Nghĩa là sẽ có người may mắn với thuốc chất lượng tốt, sẽ làm giàu và ngược lại, có thể sẽ trắng tay sau 10 năm trồng dó bầu và buộc phải chuyển sang trồng loại cây trồng khác.

Hiện trên thế giới có khoảng 25 loài cây, trong đó có 15 loài có khả năng cho trầm hương. Ở Việt Nam có 3 loài có khả năng cho trầm hương, trong đó phổ biến nhất là cây dó bầu.

Theo giáo sư Gishi Honda, Đại học Tokyo, Nhật Bản, trầm hương Việt Nam có chất lượng tốt trên thế giới. Còn trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ( 1726-1784) có viết trầm hương Việt Nam có thể chữa được nhiều loại bệnh khác nhau như suy tim, đau ngực, đau bụng, buồn nôn…

Hiện khách hàng mua trầm hương của Việt Nam đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, khu vực Trung Đông.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam
  • Công nghiệp Việt Nam 6 tháng: Sản xuất và tồn kho đều tăng
  • Tranh cãi về chuyện nuôi chim yến
  • Người chăn nuôi đối mặt với lỗ
  • Ngành chăn nuôi lao đao
  • Vùng nguyên liệu mía ở Tây Ninh: Nguy cơ xóa trắng
  • Xây nhà tiền tỷ cho... chim yến
  • Ngành phân bón: Loay hoay quản lý giá
  • Công nghiệp Việt Nam đang đi khập khiễng
  • Ngành nhựa: Quy hoạch lệch thị trường
  • Sản lượng đường niên vụ mới có thể tăng thêm 250.000 tấn
  • Chưa kiểm soát được muối nhập khẩu
  • Công nghiệp Việt Nam: Rầm rộ và...lặng lẽ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container