Xu hướng tất yếu của sản xuất trong một nền kinh tế thị trường là luôn diễn ra quá trình chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa sản phẩm và dịch vụ để không ngừng nâng cao năng suất, tạo nhiều giá trị gia tăng, giảm giá thành nhằm tồn tại và phát triển trong cạnh tranh khốc liệt.
Lấy một ví dụ, khi xí nghiệp may đi vào hoạt động thì hầu như ngay lập tức đã có rất nhiều nhà sản xuất hoặc các đại lý chuyên cung ứng phụ liệu ngành may như đăng ten, chỉ, khuy cúc, phéc mơ tuya v.v... đến chào hàng. Mỗi người đảm trách một khâu và sản phẩm may cuối cùng lại được những nhà phân phối trong và ngoài nước đem đi tiêu thụ. Ngoài ra các dịch vụ ngân hàng cho vay vốn, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thiết kế sản phẩm, đăng ký thương hiệu và sở hữu công nghiệp, tư vấn thương mại và luật pháp, dịch vụ vận chuyển container, bảo hiểm hàng gửi, quảng cáo v.v... sẽ không thể thiếu được trong cả quá trình khép kín bao gồm sản xuất và tiêu thụ. Tất cả những loại hình sản phẩm và dịch vụ có tính hỗ trợ, thúc đẩy bộ máy vô cùng phức tạp của kinh tế thị trường vận hành trơn tru từ lâu đã được các nhà kinh tế phương Tây quan tâm nghiên cứu và đặt cho tên gọi là "khu vực dịch vụ giao dịch thị trường". Doanh số của khu vực này còn được gọi là "các chi phí giao dịch trên thị trường". Trên thực tế các nền kinh tế thị trường tiên tiến đều đặt nền móng trên khu vực "dịch vụ giao dịch thị trường" phát triển cao và phong phú. Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ từ những năm 70 của thế kỷ trước doanh số của khu vực dịch vụ này (cả tư nhân và Nhà nước) đã chiếm tới hơn 50% GNP và có tới hơn 40% lao động xã hội làm việc ở đây. (Trong khi đó con số này ở Liên Xô - một nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung - quan liêu chỉ có 10%) (1). Khu vực dịch vụ giao dịch thị trường nói chung hàng trăm năm nay đã hình thành một cách tự phát, với quy mô ban đầu nhỏ lẻ với loại hình vô cùng phong phú lại mang dấu ấn văn hóa - lịch sử của mỗi quốc gia hay dân tộc. Chẳng hạn người Hoa có dịch vụ tín dụng và giao hàng bán chịu dựa trên cơ sở chữ tín, người Do Thái, người Nhật cũng có những truyền thống kinh doanh mang tính cộng đồng đoàn kết rất đặc thù của mình. Nhưng tựu chung muốn có khu vực dịch vụ giao dịch thị trường phát triển thiết nghĩ cần những điều kiện sau: - Cộng đồng doanh nghiệp phải có tinh thần hợp tác, phân công cùng có lợi (win-win) trong kinh doanh dài hạn, khắc phục lối tư duy thiển cận. Thời nay không thể tự tỏa sáng bằng cách thổi tắt nến của người bên cạnh. Tuy rằng cơ chế thị trường sẽ buộc những người tham gia vào cuộc chơi dần dần hiểu ra chân lý này nhưng người Việt vốn có những thói xấu trong hợp tác làm ăn, nếu không có tinh thần tự phê phán mạnh mẽ thì không biết bao giờ chúng ta mới có thể làm được việc "ba cây chụm lại nên hòn núi cao". - Nhà nước cần tạo môi trường vĩ mô thuận lợi cho các doanh nghiệp và tư nhân như được giảm thuế, hưởng ưu đãi tín dụng và sử dụng thông tin thị trường (đặc biệt là thị trường quốc tế) v.v...khi phát triển công nghiệp phụ trợ. Không nên quá hy vọng chờ đợi việc Nhà nước sẽ tổ chức thành công khu vực này mà không có sự tham gia của khu vực tư nhân vì đặc thù của khu vực này như đã nêu ở trên là sản phẩm của nó rất đa dạng, phong phú và biến động nhanh đòi hỏi sự linh động cao vốn là lợi thế của khu vực dân doanh. - Ở những nền kinh tế tiên tiến khu vực dịch vụ giao dịch thị trường là sản phẩm của hàng trăm năm phát triển, tuy nhiên với lợi thế của người đi sau chúng ta có thể học tập những mô hình phù hợp để rút ngắn thời gian. Trung Quốc đã rất thành công khi sử dụng Hồng Kông như là nơi chuyển giao kinh nghiệm và kiến thức hiện đại về phát triển khu vực dịch vụ giao dịch thị trường khi đất nước mở cửa làm ăn với thế giới. Chính ngành công nghiệp phụ liệu dệt may và giầy, dép của Hồng Kông đã góp phần quan trọng cho sự cất cánh của ngành này ở Đại Lục ngày nay. Cuối cùng và trên hết vẫn là quy luật kinh tế về lợi thế so sánh. Ý nguyện tốt đẹp là tạo ra nhiều giá trị gia tăng trên quê hương mình để Việt Nam thoát khỏi tình trạng làm gia công ngành may mặc, giầy da xuất khẩu sẽ mãi mãi vẫn là ý nguyện nếu thực tế chúng ta không có khả năng cạnh tranh với phụ liệu ngoại. Và khi đó cần suy nghĩ lại liệu có nên tái cơ cấu nền kinh tế, mở ra những hướng phát triển mới phù hợp với xu thế thời đại kinh tế tri thức để làm sao khỏi phải làm kẻ lẽo đẽo đi sau trong tư thế "trâu chậm uống nước đục" và "lấy công làm lãi"? Cuộc sống luôn dành cơ hội cho những người biết sáng tạo dám bước đi trên những nẻo đường mới. ---- (1) Li Tan. Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp. Tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào Nhà nước. NXB Trẻ. 2008Thời nay không thể tự tỏa sáng bằng cách thổi tắt nến của người bên cạnh
Tác giả: PHẠM GIA MINH // TuanVietNam
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com