Ảnh minh họa. Nguồn: Corbis |
Trước đó, năm 2003, Nhà máy DAP Hải Phòng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 72 ha, với tổng mức đầu tư hơn 172,3 triệu USD, công suất 330.000 tấn/năm, với mục tiêu bảo đảm 30% nhu cầu DAP trong nước và tiết kiệm khoảng 45 triệu USD/năm do nhập khẩu sản phẩm này. Tuy nhiên, Dự án cũng ì ạch ngay từ khi khởi công, khi các ngân hàng khó khăn trong cho vay vốn và tới năm 2007, Dự án mới được đẩy nhanh tiến độ và hiện đang trong tình cảnh không thể huy động tối đa công suất.
Việc một dự án quy mô 170 triệu USD triển khai 7 năm vẫn chưa xong, chưa kể nhiều năm “khởi động” trước đó, không phải là sự kiện đặc biệt trong ngành công nghiệp. Tại đánh giá mới đây về tình hình đầu tư các dự án công nghiệp của Bộ Công thương, câu chuyện các dự án chậm tiến độ từ 6 tháng đến cả năm không phải hiếm với cái vòng luẩn quẩn: không có vốn - không triển khai được hay vốn ít – thiết bị rẻ tiền – nhà máy trục trặc. Ngoài Nhà máy DAP Hải Phòng, một số dự án khác như Thủy điện Sông Tranh 2, Thủy điện Sê San 4, Giấy Phương Nam tuy đã đưa vào hoạt động, nhưng nay vẫn chưa bàn giao được, hay một số dự án nguồn điện là Hải Phòng, Quảng Ninh phải huy động sớm đang rơi vào tình trạng vận hành không ổn định, phải ngừng để sửa chữa cũng cho thấy, cái vòng luẩn quẩn trong đầu tư các dự án.
Vấn đề là, khi các dự án lớn không vào đúng tiến độ như kế hoạch ban đầu, rất nhiều cân đối khác bị phá vỡ theo dây chuyền. Nhưng dù cuộc giao ban nào của ngành công thương, câu chuyện vốn cũng được các doanh nghiệp đặt ra và các kết luận đều nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhưng dường như vẫn không có nhiều thay đổi.
Tính đến nửa đầu năm nay, vốn đầu tư xây dựng cơ bản của các tập đoàn, tổng công ty, công ty và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Công thương thực hiện được mới chỉ bằng 36,5% kế hoạch, với số tiền giải ngân 81.667,9 tỷ đồng. Nhiều dự án điện do các doanh nghiệp nhà nước lớn thực hiện không thể triển khai được, vì không có tiền.
Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp cũng chưa tìm được bước đột phá mới, khi trong nửa đầu năm 2010, cả cấp mới và tăng vốn chỉ 8,43 tỷ USD, bằng 80,9% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, có hơn 20 dự án tăng vốn với tổng cộng hơn 500 triệu USD, bằng 10,7% so với cùng kỳ năm 2009. Với các dự án cấp mới, tuy có những dấu hiệu khởi sắc với tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD, tăng tới 43% so với cùng kỳ năm 2009, nhưng cũng không hy vọng sẽ triển khai nhanh, hoặc cho ra sản phẩm sớm. Đơn cử, Dự án BOT Điện Mông Dương của Tập đoàn AES có vốn đăng ký 2,2 tỷ USD, nhưng nhà đầu tư cũng “hẹn” sau hơn 1 năm thu xếp vốn mới định ngày khởi công. Hay Dự án Sắt xốp của Tập đoàn Kobe Steel với sản phẩm phôi thép có vốn đầu tư 1 tỷ USD, công suất 2 triệu tấn/năm, tuy được kỳ vọng sẽ triển khai đúng hẹn, nhưng cũng phải tới năm 2013 mới có thể đi vào hoạt động.
Không ít dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn đã được khởi công long trọng trong 2 năm qua cũng đang rất ì ạch. Đơn cử, Dự án Khu liên hợp luyện thép Cà Ná quy mô 9,8 tỷ USD không hẹn ngày triển khai sau lễ khởi công hoành tráng cuối năm 2008. Dự án Thép Guang Lian Dung Quất, dù đã sang tay chủ đầu tư mới với vốn đầu tư tăng lên tới trên 4 tỷ USD, nhưng cũng không có nhiều động thái mới trong xây dựng so với thời điểm lần đầu được cấp phép vào năm 2006. Ngay tổ hợp hóa dầu miền Nam (vốn đầu tư 3,7 tỷ USD) cũng chưa có động thái nào về xây dựng sau lễ khởi công hồi tháng 9/2008.
Còn có thể kể tên hàng loạt dự định khác trong ngành công nghiệp, như các dự án đầu tư vào sợi, dệt, nhuộm của ngành dệt may trong nước từ cách đây cả chục năm với các chiến lược tăng tốc, nhưng đến giờ, hàng gia công vẫn là chủ đạo trong xuất khẩu dệt may.
Hệ quả của sự chậm trễ vào cuộc ở những dự án chính là việc nhập siêu tiếp tục gia tăng và ngành công nghiệp phụ trợ không có động lực phát triển. Thực tế này cũng khiến ngành công nghiệp tiếp tục đứng trước vòng luẩn quẩn không có công nghiệp phụ trợ - không gia tăng mạnh được giá trị sản xuất trong nước – không tích lũy được nhiều để tái đầu tư, khó vay vốn để phát triển sản xuất - không có công nghiệp phụ trợ.
(Theo Thanh Hương // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com