Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang cần nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao, giá cả ổn định. |
Với sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, Ấn Độ sẽ là một trong những thị trường nguồn quan trọng cho các nhà sản xuất dệt may Việt Nam.
Đó là khẳng định của ông V.S Velayutham, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm dệt, sợi cotton Ấn Độ (Texprocil) tại chương trình Gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may vừa diễn ra ngày 29/6.
Chủ tịch Texprocil V.S Velayutham cho rằng Việt Nam đang nổi lên như một trong những nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, và đang hướng tới ngành dệt may chất lượng cao. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu dệt may Ấn Độ rất mong muốn trở thành nhà cung cấp nguyên liệu chất lượng cao, cũng như công nghệ mới cho ngành dệt may Việt Nam.
Trong những năm gần đây, dệt may là mặt hàng chủ chốt đem lại kim ngạch lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2009, trong khi các thị trường dệt may toàn cầu sụt giảm tới 15% do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thì các nhà xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng và mở rộng thị phần sang những thị trường trọng điểm như Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Với tham vọng đạt 10,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm 2010 và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang tìm nguồn nguyên phụ liệu chất lượng cao, giá cả ổn định. Chính vì thế, trong hành trình tìm kiếm này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã phối hợp với Hội đồng xúc tiến xuất khẩu sản phẩm dệt, sợi cotton Ấn Độ tạo cơ hội cho các nhà cung cấp nguyên liệu của Ấn Độ và các nhà sản xuất dệt may Việt Nam thiết lập quan hệ, trao đổi giao thương.
Theo đó, từ ngày 26/6 – 2/7/2010, đoàn doanh nghiệp Ấn Độ đã sang Việt Nam với thành phần đoàn gồm 17 doanh nhân thuộc các công ty chuyên sản xuất xuất khẩu những sản phẩm chất lượng cao từ sợi, cotton.
“Với tiềm năng nhập khẩu nguyên phụ liệu rất lớn của ngành dệt may xuất khẩu Việt Nam, Ấn Độ sẽ là nhà cung cấp tin cậy và là bạn đồng hành trong hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Velayutham nhấn mạnh.
Hiện nay, Ấn Độ là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm dệt sợi tổng hợp và sợi pha, đứng thứ hai về sản xuất các loại sợi rayon, thứ năm về sản xuất sợi nhân tạo. Ấn Độ đã sản xuất được một loạt các sản phẩm dệt polyester, tơ nhân tạo (Rayon), acrylic, sản phẩm dệt pha trộn các chất liệu khác nhau... và có thể cung cấp cho các nhà nhập khẩu quốc tế đa dạng nhu cầu về chất lượng, số lượng. Mỗi năm, Ấn Độ xuất khẩu khoảng 3.500 triệu USD sản phẩm dệt tổng hợp, tơ nhân tạo đến 166 quốc gia.
Các sản phẩm dệt Ấn Độ không những đảm bảo theo yêu cầu chất lượng, giá cả cạnh tranh mà còn giao hàng đúng hẹn. Ấn Độ có dây chuyền sản xuất gồm hàng loạt các nhà máy dệt tầm cỡ thế giới do đã đầu tư đáng kể vào ngành kéo sợi để sản xuất sợi se cao cấp. Lĩnh vực dệt (khung cửi) và xử lý cũng được Ấn Độ đầu tư với quy mô lớn để đảm bảo cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng.
Đại diện Tập đoàn dệt may Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng Ban nghiên cứu xúc tiến thương mại và thị trường đã đánh giá cao sự hợp tác của Texprocil với Tập đoàn. Bà Tín cũng gợi mở ra một xu hướng mới là các thương gia dệt may Ấn Độ nên tăng cường đầu tư vào Việt Nam để sản xuất hàng dệt may để vừa tạo nguồn hàng xuất khẩu lại Ấn Độ, đồng thời xuất khẩu đi các thị trường khác.
Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2010 và tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt khoảng 10,5 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD so với năm 2009. Do vậy, trong tương lai, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần sự hợp tác, giao thương với doanh nghiệp ngành sản xuất sợi cotton của Ấn Độ để phục vụ sản xuất tốt hơn.
Thời gian gần đây, xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Ấn Độ sang Việt Nam liên tục tăng. Năm 2008, Ấn Độ xuất sang Việt Nam khoảng 80 triệu USD vải cotton, bông các loại, 57 triệu USD nguyên phụ liệu dệt may khác.
Các sản phẩm chính Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam gồm vải may comple, áo sơmi, vải may đầm, vải thêu, vải may hàng thời trang cao cấp, vải nội thất...; các loại sợi như chỉ thêu, sợi pha polyester và filament, polyester và viscose, polyester và cotton, các loại sợi acrylic và nhiều sản phẩm hoàn tất khác như: khăn quàng, khăn choàng đi biển, ren, phụ liệu trang trí...
Riêng xuất khẩu sản phẩm dệt cotton như sợi, vải và quần áo máy sẵn từ Ấn Độ sang Việt Nam đã gia tăng từ 8,9 triệu USD năm 2007 tăng lên trên 26 triệu USD năm 2009 với mức tăng trưởng trung bình trên 71%/năm.
Cùng với chiến lược hợp tác này, ông Velayutham cũng mong muốn doanh nghiệp Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào hội chợ triển lãm chuyên ngành dệt may quốc tế được tổ chức tại Ấn Độ vào đầu năm 2011.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com