Mặc dù đồng USD, EUR giảm giá chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu (XK) hàng dệt may (DM) trong nước; song, theo dự báo từ nay đến cuối năm, tỷ giá USD, EUR sẽ còn tiếp tục giảm, nếu tình trạng nợ công của các nước thuộc khu vực châu Âu không có dấu hiệu khả quan, nên nhiều DN DM đã tìm giải pháp bảo đảm doanh thu, lợi nhuận của đơn vị ngay từ bây giờ.
Tình hình kinh tế thuộc khu vực châu Âu trở nên bất ổn do khủng hoảng nợ khiến EUR giảm giá so với USD, trong khi tỷ giá hai loại ngoại tệ nói trên đóng vai trò quan trọng trong thanh toán xuất, nhập khẩu đối với DN trong nước nói chung, DN DM nói riêng. Ngày 23-6, giá bán USD của các ngân hàng giữ ở mức 18.990 VND/USD; giá mua USD ở mức khá thấp, 18.940 VND/USD. Sau đà trượt giảm mạnh, giá EUR đã tăng trở lại, lên 23.501 VND/EUR. Tuy nhiên, so với cuối năm 2009, giá ngoại tệ hiện nay đã giảm khá mạnh (cuối tháng 11-2009, giá EUR là 29.300 VND/EUR). Đại diện một DN DM cho biết, tác động của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đến nền kinh tế nước ta hiện nay nói chung là không lớn do hàng hóa xuất - nhập khẩu chủ yếu thanh toán bằng USD. Khoảng 2 tuần trở lại đây, đồng USD có giảm nhưng không đáng kể, nên DN chưa bị ảnh hưởng nhiều. Thậm chí, các DN sẽ được lợi nếu tranh thủ nhập nguyên phụ liệu đầu vào hoặc đầu tư thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Nhưng với các DN XK lại phải chấp nhận chịu thiệt, vì doanh thu từ XK giảm khi quy đổi ra VND, kéo theo lợi nhuận của DN cũng bị giảm. Bên cạnh đó, đồng EUR yếu đương nhiên sẽ dẫn đến việc XK vào khu vực đồng EUR sẽ giảm. Nếu sự mất giá của đồng EUR tiếp tục kéo dài, các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ muốn một sự thỏa thuận mới về giá theo hướng bất lợi cho các DN XK. Ngoài ra, không chỉ giá các loại nguyên, nhiên, phụ liệu đầu vào tăng gây không ít khó khăn cho các DN trong ngành, trong khi từ đầu tháng 5-2010 lương tối thiểu đã tăng khiến chi phí nhân công cũng tăng theo.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, việc dùng USD để thanh toán sẽ có lợi hơn, vì vậy các DN nên tập trung khai thác các hợp đồng XK tới các khu vực ngoài châu Âu là những thị trường ít bị ảnh hưởng bởi EUR. Đồng thời, đàm phán để cân đối lại mức giá cho hợp lý với những hợp đồng đã ký và cân đối giữa XK - nhập khẩu để tránh thiệt hại do tỷ giá ngoại tệ giảm. Tranh thủ thời điểm USD giảm giá, nhiều DN đã đầu tư đồng bộ thiết bị hiện đại cho các khâu từ kéo sợi, dệt, nhuộm đến may hoàn chỉnh sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành hàng hóa để tăng nhanh năng lực cạnh tranh. Ông Nguyễn Khánh Sơn, Tổng giám đốc Hanosimex cho biết, để giảm mức tiêu thụ điện năng, DN đã đầu tư chuyển đổi các nồi hơi chạy dầu phải nhập khẩu nguyên liệu sang đốt than sẵn có trong nước theo công nghệ cao, vừa không gây ô nhiễm môi trường, lại tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền điện...
Trong bối cảnh như hiện nay, các DN cũng đề xuất Nhà nước đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế để DN không bị kẹt vốn ở cơ quan thuế; có chính sách hỗ trợ người lao động (vì hỗ trợ DN dễ dẫn đến vi phạm luật quốc tế). Tuy tỷ giá USD, EUR giảm so với VND những ngày vừa qua chưa gây ảnh hưởng nhiều đến các DN sản xuất, XK trong ngành, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, tỷ giá các loại ngoại tệ này sẽ còn tiếp tục giảm vào thời điểm cuối năm nếu tình trạng nợ của các nước thuộc khu vực châu Âu không được cải thiện. Vì vậy, ngay từ bây giờ các DN DM cần có biện pháp đồng bộ để thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí... để bảo đảm doanh thu và lợi nhuận.
(Theo Thanh Hiền // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com