Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tăng xuất khẩu hàng dệt may - có còn khả năng?

Hàng dệt may còn nhiều khả năng tăng trưởng khi mà còn có thể cải thiện để tăng thêm khoảng 30% năng suất lao động, tăng 20% tỷ lệ nội địa hóa. Ảnh: Lê Toàn.

Xuất khẩu của ngành dệt may đã tăng trưởng đến 78 lần trong 20 năm qua. Nhưng với tình hình lao động hiện nay, liệu ngành dệt may có còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới?

Trong hai thập niên qua, xu thế chuyển dịch thị trường cung ứng hàng dệt may trên thế giới cùng với chính sách mở cửa hội nhập kinh tế của Việt Nam đã tạo tiền đề cho ngành dệt may phát triển. Tại khu vực châu Á, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore... do thiếu hụt nhân công đã giảm dần việc sản xuất dệt may và đã mang đơn hàng sang đầu tư sản xuất hoặc gia công tại các nước khác trong khu vực có nguồn nhân công dồi dào hơn, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Mặt khác, việc gia nhập ASEAN, rồi trở thành thành viên của APEC và WTO... đã giúp cho hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng không còn bị phân biệt đối xử trên thị trường thế giới. Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại tự do và rất nhiều hiệp định thương mại, hợp tác kinh tế song phương và đa phương khác, giúp mở cửa cho hàng dệt may Việt Nam tại một số thị trường quan trọng.

Đơn cử, tại thị trường Mỹ, năm 2001 hàng dệt may Việt Nam xuất sang đây trị giá 47 triệu đô la Mỹ và chưa có tên trong bản đồ nhập khẩu của Mỹ. Đến năm 2009, hàng dệt may Việt Nam được xếp thứ hai với kim ngạch lên đến 5 tỉ đô la. Tại thị trường Nhật, năm 2009, hàng dệt may Việt Nam cũng đã vượt qua nhiều nước để xếp thứ hai với kim ngạch lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 1 tỉ đô la.

Hiện nay hàng dệt may Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường nhập khẩu quan trọng trên thế giới. Năm 2009, với kim ngạch xuất khẩu 9,1 tỉ đô la Mỹ, Việt Nam đã được xếp thứ 8 trong số các nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Nếu so với năm 1991, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã tăng 78 lần (9,1 tỉ /116 triệu đô la).

Tuy nhiên một câu hỏi đang được đặt ra: Hàng dệt may Việt Nam có còn khả năng tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới nữa không khi mà lợi thế về nguồn lao động dồi dào và giá thấp của ngành này dường như đang giảm mạnh? Để trả lời câu hỏi này trước hết cần phân tích xu thế thị trường cung ứng hàng may mặc trên thế giới hiện nay và trong tương lai 10 năm tới.

Trong vòng 10 năm qua, ba thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới là Mỹ, EU và Nhật Bản chiếm gần 70% lượng nhập khẩu hàng may mặc của thế giới. Cũng trong thời gian này, các nước cung ứng hàng may mặc chủ lực tại Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Đông Âu, Nam Âu, Bắc Phi… do điều kiện nguồn lao động giới hạn và giá lao động tăng nhanh đã phải giảm thị phần cung ứng của mình vào ba thị trường nhập khẩu nói trên một cách đáng kể. Mexico là nước cung ứng hàng may mặc lớn nhất vào thị trường Mỹ với 16,7% thị phần vào năm 2000, đến 2009 chỉ còn được 5,37%.

Tại thị trường EU, các nước cung ứng lớn cách đây 10 năm tại khu vực Đông Âu, Bắc Phi cũng đã giảm khá mạnh khả năng cung ứng. Morocco giảm từ 5,92% vào năm 2000 xuống còn 3,45% năm 2009, Ba Lan từ 4,1% còn 0,98%. Thổ Nhĩ Kỳ là nước xuất khẩu chủ lực cho EU cũng chỉ duy trì ở mức 14% (thị phần) trong nhiều năm gần đây.

Tại Nhật, các nước phương Tây như Ý, Mỹ, Pháp… đều đã giảm thị phần cung ứng hàng may mặc từ 13,2% năm 2000 xuống còn 6,1 % năm 2009...

Bù lại, các nước châu Á đã tăng nhanh thị phần cung ứng hàng may mặc vào thị trường Mỹ từ 52,7% (năm 2000) lên 75,11% (2009), vào EU từ 47,46% lên 85% và vào Nhật từ 81,71% lên 91,51%. Xu thế này cho thấy châu Á chính là nơi sản xuất hàng may mặc chủ yếu cho thế giới hiện nay và cả trong 10-20 năm tới.

Nhưng nước nào ở châu Á sẽ gia tăng được xuất khẩu hàng may mặc và hưởng phần nhiều trong chiếc bánh này? Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan có ưu thế về lực lượng sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất may mặc. Thái Lan, Malaysia có ưu thế hơn về khả năng thiết kế, chất lượng sản phẩm và năng lực tiếp thị. Bangladesh, Indonesia và Campuchia hiện có thế mạnh về giá lao động rẻ. Trong khi đó, Myanmar và Triều Tiên có thể sẽ là hai nước có nguồn nhân lực cạnh tranh nhất cho sản xuất may mặc trong năm năm tới...

Riêng về Việt Nam, 10 năm qua (2001-2009), xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng khoảng 100 lần (do trước đó không xuất được vào thị trường Mỹ vì phải chịu mức thuế phân biệt đối xử), vào EU tăng gần ba lần và vào Nhật tăng khoảng hai lần.

Tuy nhiên, nhìn về tương lai, xét về góc độ chính sách thị trường, hàng dệt may Việt Nam khó có khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh vào thị trường Mỹ, trừ trường hợp có Hiệp định Thương mại tự do Asean - Mỹ hoặc có Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà không bị ràng buộc điều kiện sử dụng sợi của Mỹ (yarn forward). Tuy nhiên, hàng dệt may vẫn còn nhiều dư địa khi tận dụng lợi thế GSP tại thị trường châu Âu và Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) tại thị trường Nhật.

Xét về dư địa tăng trưởng từ nỗ lực nội tại thì hàng dệt may còn nhiều khả năng tăng trưởng trong thời gian tới khi mà còn có thể cải thiện để tăng thêm khoảng 30% về năng suất lao động, tăng thêm 20% tỷ lệ nội địa hóa qua việc phát triển mạnh hơn công nghiệp phụ trợ, tăng về đẳng cấp chất lượng sản phẩm và nhất là tăng năng lực thiết kế thời trang nhằm chuyển phương thức xuất khẩu từ phương thức OEM (gia công đơn thuần) sang ODM (bán sản phẩm có cả thiết kế).

Đây là điểm yếu nhất của ngành may mặc Việt Nam hiện nay nhưng cũng chính là dư địa để ngành có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nếu được tập trung cải thiện đúng hướng. Đây cũng chính là định hướng của cuộc bình chọn doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua do Hiệp hội Dệt may phối hợp với nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn thực hiện nhiều năm qua.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Ngành da giày Việt: Đừng bỏ ngỏ thị trường nội địa!
  • Nghịch lý cung ứng nguyên phụ liệu dệt may
  • Vải ngoại vẫn lấn sân
  • Áp lực cho sợi dệt
  • Ngành dệt may triển khai nhiều dự án cho mục tiêu phát triển bền vững
  • Vinatex đón nhận Huân chương Sao Vàng
  • Các doanh nghiệp dệt may: Tiết kiệm điện để giảm giá thành
  • DN dệt may : Thiếu lao động và điện
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container