Để phát triển bền vững, ngành dệt may cần đầu tư nguyên liệu, áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường
“Tính đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 4,65 tỉ USD và dự báo mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 10,5 tỉ USD có thể đạt được khi nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết năm.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian sắp tới, ngành dệt may cần hướng tới hai mục tiêu là chủ động nguồn cây nguyên liệu, áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường” -Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) Lê Trung Hải nhấn mạnh.
Nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 50%
Dù đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) về kim ngạch xuất khẩu dệt may vào hai thị trường lớn là Mỹ và Nhật, chiếm gần 2,7% thị phần thế giới nhưng nếu xét trong chuỗi sản xuất liên hoàn từ bông, xơ, kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất vải và may mặc thì các DN dệt may VN mới chỉ thực hiện tốt công đoạn cuối cùng là may mặc.
Trong khi đó, nguồn nguyên phụ liệu vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Vì vậy, không ngạc nhiên khi tổng giá trị nhập khẩu hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày trong 5 tháng đầu năm lên tới 3,7 tỉ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là giá bông nguyên liệu cùng thời điểm trên cũng tăng 40% so với cùng kỳ khiến các DN gặp không ít khó khăn.
Dây chuyền may veston xuất khẩu tại Tổng Công ty Cổ phần May Nhà Bè. Ảnh: HỒNG THÚY
Để ứng phó với tình hình trên, ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Vinatex, cho rằng trong chiến lược nâng cao giá trị gia tăng của ngành dệt may, đơn vị đã đầu tư gần 15,3 tỉ đồng để sản xuất nguyên liệu bông, xơ tổng hợp, sợi, dệt vải, nhuộm hoàn tất và các nguyên liệu phụ trợ khác nhằm nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 50% vào năm 2011 và 70% vào năm 2017. Bên cạnh đó, Vinatex còn hợp tác với Campuchia và Myanmar trồng bông để từng bước ổn định nguồn nguyên liệu.
Sản phẩm thân thiện với môi trường
Ông Nguyễn Đức Hùng, Viện trưởng Viện Mẫu thời trang, cho biết:Ngày càng có nhiều DN chú trọng đầu tư, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Sắp tới, Công ty Dệt kim Đông Phương sẽ giới thiệu mẫu vải làm từ sợi cây tre; Công ty May Đồng Nai cũng chuẩn bị đưa ra dòng sản phẩm áo vô trùng làm từ sợi cácbon, áp dụng công nghệ dệt không bám dính, không chứa bụi.
Bên cạnh đó, Công ty May 2 cũng giới thiệu sản phẩm mới nhãn hiệu M2-double lucky thiết kế trên nền vải đã qua công đoạn giặt loại bỏ hóa chất tồn tại trong quá trình hình thành sản phẩm... Ưu điểm của các sản phẩm này là tạo sự an toàn cho người mặc và thân thiện với môi trường.
Trước đó, Phòng Thí nghiệm sinh thái dệt may của Trung tâm Thí nghiệm dệt may cũng đi vào hoạt động. Đây là dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu, đào tạo và phát triển thử nghiệm các kỹ thuật dệt” do Viện Dệt may và Vinatex quản lý với tổng mức đầu tư 1,22 triệu euro. Trung tâm này sẽ là nơi thử nghiệm đầu tiên được Bộ Công Thương chỉ định thực hiện giám định chất lượng hàng dệt may thông qua một số chỉ tiêu quan trọng phục vụ xuất khẩu.
Nâng hình ảnh dệt may - da giày VN Hướng tới mục tiêu chủ động nguồn nguyên liệu và môi trường, chủ đề của hội chợ Dệt may VN VIFF 2010 do Vinatex, Hiệp hội Da giày VN tổ chức từ ngày 3 đến 9-7 tại Trung tâm Triển lãm và Hội chợ quốc tế TPHCM xoay quanh hình ảnh cây bông, nguyên liệu quan trọng trong chuỗi sản xuất liên hoàn các sản phẩm may mặc. Không nặng tính kinh doanh, mục đích của hội chợ lần này nhằm nâng hình ảnh dệt may – da giày VN; giới thiệu năng lực sản xuất và xuất khẩu của các DN dệt may, phản ánh những bước phát triển mới của thời trang VN . Đây cũng là dịp kết nối những nhà cung cấp nguyên phụ liệu với các nhà sản xuất dệt may và da giày. |
(Theo Mai Vân // Nguoilaodong Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com