Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Xuất khẩu dệt may, da giày: Lãi thực bao nhiêu?

Ngành dệt may, da giày đang hứa hẹn mang về hàng chục tỉ USD xuất khẩu trong năm nay. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm đó là giá trị gia tăng thực chất ở mỗi lô hàng xuất khẩu của từng doanh nghiệp là bao nhiêu.

Theo các doanh nghiệp, chi phí sản xuất gia tăng khiến phần lợi nhuận tiếp tục bị thu hẹp dù giá đơn hàng đã được điều chỉnh tăng.

Nội địa hóa quá thấp

Nhận được đơn hàng xuất khẩu gần 12 triệu đôi giày trong năm nay, tương ứng khoảng 85 triệu USD, nhưng giám đốc điều hành một doanh nghiệp xuất khẩu giày có quy mô lớn hiện nay xác nhận: “Nếu quản lý giỏi lắm phần giá trị gia tăng chỉ khoảng 5-6% trên tổng kim ngạch xuất khẩu”.

Theo tính toán của vị giám đốc trên, nếu một đôi giày nhận hợp đồng làm theo giá FOB (hàng xuất giao tại cảng trong nước) trị giá 20 USD/đôi thì 60% của đơn giá đôi giày được chi mua nguyên phụ liệu sản xuất, 34-35% trị giá còn lại được tính vào chi phí sản xuất (gồm tiền lương nhân công, lãi vay ngân hàng, khấu hao thiết bị...). Tỉ lệ 5-6% còn lại trên tổng giá trị FOB của một đôi giày chính là phần thực hưởng (lợi nhuận) mà chủ doanh nghiệp có thể thu vào.

Trường hợp chỉ nhận gia công, tức doanh nghiệp làm đúng theo mẫu của nhà đặt hàng, không phải mua nguyên phụ liệu vật tư sản xuất, mức tối đa trả cho chi phí gia công đơn thuần chỉ khoảng 1,8-2,5 USD/đôi. “Sau khi trả lương cho công nhân, tiền thực hưởng thu về khoảng 10-15 cent/đôi không hơn không kém” - bà L., chủ một doanh nghiệp giày đang có gần 1.000 công nhân ở Bình Dương, cho hay.

Giá trị gia tăng trong ngành dệt may cũng tương tự da giày. Lấy cho chúng tôi xem một chiếc áo đã may, đóng gói hoàn chỉnh để xuất khẩu, ông H. - tổng giám đốc một công ty cổ phần trong ngành may mặc tại TP.HCM - cho biết gần như toàn bộ nguyên phụ liệu làm ra chiếc áo đều nhập khẩu. “Tỉ lệ nội địa hóa ở đây gần như bằng 0. Nếu có yếu tố nội địa thì chỉ là sức lao động của công nhân nhà máy!” - ông H. cho hay. Từ vải may, cúc áo, chỉ may đến những chiếc kim, ghim để giữ nếp gấp của áo... công ty đều phải nhập khẩu.

Còn ông M., tổng giám đốc một đơn vị chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Nhật (có nhà máy tại TP.HCM và Bình Định), cho biết tám tháng đầu năm ngoái giá trị thặng dư xuất khẩu đạt gần 20%, năm nay công ty đã xuất được 21,2 triệu USD nhưng lại nhập khẩu nguyên phụ liệu tới 17,6 triệu USD, nếu tính cả phần nguyên phụ liệu mua qua một nhà nhập khẩu khác, giá trị thặng dư chỉ đạt khoảng 16%.

Theo ông M., nguyên nhân giảm là do bị tác động mạnh bởi giá nguyên phụ liệu thế giới tăng hồi giữa năm, trong khi đơn hàng xuất khẩu đã ký trước đó cả nửa năm.

Bà Kim Hồng, phòng kinh doanh Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết với hợp đồng mặt hàng quần tây xuất khẩu sang Nhật làm theo giá FOB hiện nay trung bình khoảng 10 USD/quần, phần giá trị gia tăng thu về khoảng 30 cent/quần. Còn nếu hợp đồng gia công đơn thuần thì mức thực hưởng chỉ khoảng 3-4 cent/quần.

Trở về bài toán nguyên phụ liệu

Với chi phí sản xuất ngày càng gia tăng, không ít doanh nghiệp cho rằng “khéo co thì ấm” chỉ khi doanh nghiệp đó có lượng đơn hàng nhiều hơn với năng suất lao động tăng, còn giá trị thặng dư hầu như tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp sản xuất giày thể thao xuất khẩu cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới hiện nay tiết lộ: “Hầu như các nhà đặt hàng đều đã định sẵn mức lời cho các hợp đồng theo giá FOB ở tỉ lệ cố định 5-6%/giá trị đôi giày. Nếu doanh nghiệp sản xuất cuối năm kết sổ thấy vượt hơn mức này là do doanh nghiệp đó tiết kiệm được chi phí quản lý vật tư, hoặc đàm phán được giá tốt khi đặt mua nguyên phụ liệu từ nơi khác”.

Thực tế cho thấy số doanh nghiệp có hợp đồng theo giá FOB trị giá cao, chẳng hạn vài chục USD/sản phẩm, hiện nay không nhiều. Ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso), xác nhận mức giá FOB phần lớn các doanh nghiệp sản xuất giày nhận được chỉ 9-10 USD/đôi, trên mức này cũng có nhưng “bù qua sớt lại cho các đơn hàng thấp hơn thì bình quân giá cũng rơi về mức 9-10 USD/đôi” - ông Kiệt nói.

Đây cũng là lý do vì sao cả Lefaso lẫn Hiệp hội Dệt may VN khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường thực hiện hợp đồng theo giá FOB, thay vì đơn thuần làm gia công do giá trị thặng dư mang lại cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Tuy nhiên, để làm được điều này, vòng luẩn quẩn lại quay về khi bài toán nguồn cung nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa có lời giải triệt để.

(Báo Tuổi Trẻ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container