Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dệt may “đau đầu” vì giá bông

picture
Giá bông biến động thất thường đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp dệt may.

Giá bông thế giới biến động thất thường từ tháng 8/2010 đến nay đang đặt ra những bài toán hóc búa khiến các doanh nghiệp trong ngành dệt may toàn thế giới phải đau đầu tìm lời giải.

Ngày 16/6, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam và Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI)  tổ chức hội thảo về biến động giá bông để đánh giá tình hình và tìm ra giải pháp hợp lý cho các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, với tốc độ sản xuất, xuất khẩu như hiện nay thì tăng trưởng nhập khẩu bông của Việt Nam khoảng 10%/năm. Năm 2010, Việt Nam đã nhập khẩu 360 nghìn tấn bông với trị giá khoảng 700 triệu USD. Dự kiến năm 2011, Việt Nam sẽ nhập khoảng 400 nghìn tấn.

Cập nhật số liệu mới nhất, ông Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 170 nghìn tấn bông, tương đương trên 600 triệu USD. Tuy khối lượng không tăng nhiều so với năm ngoái nhưng do giá bông thế giới tăng mạnh nên kim ngạch tăng thêm hơn 30%.

Dự kiến nếu giá bông thế giới duy trì ở mức 3,4-3,5 USD/kg thì kim ngạch nhập khẩu bông năm nay sẽ lên tới hơn 1 tỷ USD.

Trong năm 2010, tình hình sản xuất và xuất khẩu sợi của Việt Nam rất tốt, nhưng chỉ kéo dài được đến tháng 3/2011. Từ tháng 4/2011, giá bông sau khi lên đến đỉnh điểm gần 5 USD/kg đã giảm xuống thì các doanh nghiệp bắt đầu vấp phải khó khăn.

Do giá nhập bông cao nhưng sau khi nhập về thì giá giảm khiến các doanh nghiệp không muốn bán ra để phải chịu lỗ. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất sợi cũng gặp khó khăn về tiêu thụ, do trước đã mua bông giá cao về sản xuất, nên muốn kinh doanh có lãi thì buộc phải bán sợi với giá cao, nhưng khách hàng lại khó chấp nhận sự tăng giá đó. Bởi những nhà sản xuất hàng may mặc đã ứng phó với việc giá bông tăng khiến giá sợi cotton cũng tăng bằng cách tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế khác.

Đánh giá những vấn đề ảnh hưởng đến giá bông thế giới trong thời gian qua, TS. Gary Adams, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề kinh tế của Hội đồng Bông quốc gia Hoa Kỳ chỉ rõ, nguyên nhân chủ yếu là do các chỉ tiêu nội tại của ngành bông và do đầu cơ.

Ông Gary Adams cho biết, từ tháng 8/2010, mức dao động giá trong từng ngày giao dịch diễn biến rất phức tạp. Mức biến động có thể lên tới hơn 10 cent/pound/ngày giao dịch, trong khi bình thường để lên tới mức biến động này thường phải từ 1-2 năm.

Về các chỉ tiêu nội tại của ngành bông, lượng tồn kho bông trong năm vừa qua rất thấp, tồn kho đầu kỳ bắt đầu từ ngày 1/8/2010 khoảng 9 triệu tấn, đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Vì vậy, đây là năm đầu tiên trong nhiều năm mọi người lo ngại đến vấn đề có bông để mua không? Bởi lượng bông có sẵn vào thời điểm ngày 1/8 rất quan trọng nhằm cung cấp cho các nhà máy đến hết tháng 12 do không có bông thu hoạch thêm. Trong khi nhu cầu lượng tồn kho này phải đủ sử dụng cho toàn cầu trong 3,5 tháng.

Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác, như chính sách hạn chế xuất khẩu bông của Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu bông lớn thứ 2 thế giới), dẫn tới nguồn cung bị hạn chế. Cùng với những nguyên nhân trên thì các quốc gia sản xuất bông như Trung Quốc và Pakistan đều giảm sản lượng trong niên vụ 2010.

TS. Gary Adams cũng phân tích, có sự tương tác chặt chẽ giữa giá bông và diện tích trồng bông, nếu giá thấp thì người nông dân thu hẹp diện tích trồng, khi giá bông cao thì lại tăng diện tích.

Năm 2004, trên thế giới (trừ Mỹ) có trên 30 triệu ha trồng bông, nhưng đến năm 2009 chỉ còn 25 triệu ha. Do sản xuất giảm quá nhanh và quá mạnh nên đã không đủ sản lượng cung cấp cho thị trường. Giá bông đã phục hồi vào niên vụ 2010 thì người dân lại trồng bông nhiều hơn, nên niên vụ 2011 diện tích trồng bông đã tăng lên tới 32 triệu ha-mức lớn kỷ lục của thế giới (đã trừ Mỹ).

Theo đó, sản lượng bông năm 2011 sẽ đạt 23,3 triệu tấn sẵn sàng để bán vào mùa thu năm 2011 nếu thời tiết thuận lợi, đây là sự tăng trưởng sản lượng rất cao. Mặc dù rất khó đưa ra dự báo giá bông thế giới trong thời gian tới, nhưng TS. Gary Adams nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần quản lý rủi ro bằng các công cụ phái sinh để có thể tự bảo vệ mình.

Nếu không lựa chọn công cụ bảo hiểm giá bông thì doanh nghiệp có thể chọn hình thức mua “on-call”, tức là chốt lượng bông nhưng không ấn định giá. Điểm thuận lợi là doanh nghiệp không mất phí để sử dụng công cụ phái sinh, nhưng cái bất lợi đã xảy ra với các doanh nghiệp Việt Nam trong những tháng qua là khi giá cao vẫn phải mua với lượng đã chốt.

Trong khi đáng lẽ thấy giá tăng là phải chốt ngay thì các doanh nghiệp Việt Nam lại vẫn ngồi chờ, đến thời điểm bắt buộc phải chốt giá thì giá đã “ở trên trời”, ông Gary Adams phân tích. Hoặc với hình thức chọn mua cố định giá thì thường người ta sẽ sử dụng khi dự đoán giá sẽ tăng, nhưng sẽ bất lợi khi giá xuống.

Do vậy, các doanh nghiệp nên sử dụng công cụ phái sinh. Phái sinh thứ nhất là quyền chọn mua, doanh nghiệp có thể mua quyền chọn mua để bảo vệ mình khi giá tăng và có lợi khi giá giảm. Phái sinh thứ hai là quyền chọn bán, theo đó, doanh nghiệp chốt giá trước rồi mới chọn quyền bán, thuận lợi và bất lợi cũng tương tự như với quyền chọn mua.

Nhưng với 2 công cụ phái sinh này, do giá bông biến động mạnh nên phí quyền chọn mua, quyền chọn bán rất cao. Nếu lấy thời điểm ngày 1/3 trong vòng 5 năm trở lại đây để so sánh thì mức phí chỉ tăng khoảng 3-5 cent/pound cho đến tận thời điểm tháng 1/2010, nhưng đến tháng 1/2011, phí này đã tăng 18,09 cent/pound, và hiện tại tăng lên tới 21-22 cent/pound. Tất nhiên, khi giá bông không biến động nhiều thì phí quyền chọn cũng ít hơn.

(Theo Vneconomy)

  • Bông nguyên liệu cho ngành dệt may: Cuối năm lại tăng giá?
  • Phát triển bền vững ngành dệt may
  • “Giấc mơ bông” và “cơ hội cuối cùng”
  • Việt nam sẽ là "công xưởng" dệt may của Nhật Bản?
  • Trung Quốc gom mua sợi: lãi trước, lỗ sau
  • Người mua ít, sản xuất cầm chừng
  • TPP – Được và mất của dệt may Việt Nam
  • Ngành da giày đối mặt với "cơn bão giá” đầu vào
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container