Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Người mua ít, sản xuất cầm chừng

Sức mua giảm đã buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc nội địa phải tiết giảm sản xuất.

Công ty may Việt Tiến đang phải điều tiết sản xuất để tránh tồn kho. Ảnh: Nguyệt Hồng

Bà Hương, một trong những chủ kinh doanh sỉ vải cotton, vải toan lớn nhất ở khu chợ sỉ Soái Kình Lâm và Tân Bình chuyên phân phối vải cho các công ty, cơ sở may mặc trên toàn quốc cho biết: lượng vải bán ra chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại ba công ty do bà làm chủ, từ mức bình quân hàng tháng bán ra gần cả triệu mét vải giờ giảm còn hơn 200.000m.

Người dùng ít mua

Ghi nhận tại chợ vải sỉ Soái Kình Lâm và Tân Bình, mặt hàng duy nhất vẫn còn đang bán được là vải trắng và xanh để sản xuất đồng phục học sinh. Tuy nhiên lượng bán ra ở các đầu mối vẫn thấp hơn năm ngoái khoảng 20%. Loại vải bán chạy nhất vào mùa hè ở các năm trước là cotton, kate, toan, thun lạnh, thun bốn chiều… dùng để may thời trang mùa hè, trang phục đi biển, quần áo mặc trong nhà, hiện đều tồn nhiều ở các cửa hàng. Chị Viên, nhân viên bán vải và nguyên phụ liệu may mặc trên đường Ba Gia, quận Tân Bình cho biết: mọi năm tháng này là cao điểm các nơi mua hàng để sản xuất, chợ sỉ tấp nập khách đến xem hàng, khách đặt qua điện thoại, còn năm nay chợ sỉ vắng tanh, thỉnh thoảng mới có khách.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, giám đốc trung tâm thời trang Sanding (thuộc công ty may Sài Gòn 2) đánh giá: “Giá tất cả các loại hàng hoá đều tăng, mà lương thì chưa tăng theo kịp nên người dân buộc lòng phải ưu tiên mua hàng thiết yếu là thực phẩm, thuốc trước, rồi mới tính đến mặc sau”.

Tình hình kinh doanh của hệ thống Sanding trên toàn quốc giảm gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ phận kinh doanh của Sanding ghi nhận những khách có nhu cầu và có khả năng mua sắm thì mua ít đi, thay vì mua hai, ba chiếc một lần thì chỉ mua một chiếc.

Ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc công ty may Việt Tiến cho biết: “Tăng trưởng nội địa của các nhãn hiệu hiện chỉ đạt được 25% so với mức 40% của năm ngoái”. Theo ông Kiệt, kinh doanh nội địa đang gặp phải khó khăn như thị trường năm 2008, nhưng năm nay phức tạp và nan giải hơn ở chỗ giá vải tăng gấp đôi, dự trữ nguyên liệu từ trong nước đến nước ngoài đều giảm xuống. Về sức mua, ông Kiệt so sánh: “Một triệu đồng năm ngoái mua được bốn chiếc sơmi, thì hiện nay chỉ mua được 2 – 3 chiếc. Chưa kể số tiền dự chi cho quần áo chắc phải nhường chỗ cho thực phẩm nên ngành may mặc đành chịu chung tình cảnh giảm khách mua”, ông Kiệt nói.

Doanh nghiệp giảm sản xuất

Gần chục cơ sở thường lấy vải của bà Hương đã thu hẹp sản xuất. Bà Hương dẫn chứng như cơ sở may của bà Thanh Hằng ở phường 11, Tân Bình từ 20 công nhân chỉ còn 12 người, cơ sở may Hải ở quận 11 lúc trước tiêu thụ gần 10.000m vải/tháng nay chỉ lấy cầm chừng hơn 2.000m/tháng.

Ở công ty may Việt Tiến, theo ông Phan Văn Kiệt thì các nhãn hàng phải điều tiết lại sản xuất, tránh tình trạng tồn kho. Trung tâm thời trang Sanding giảm số lượng sản xuất trên mỗi mẫu thời trang. Cụ thể, theo ông Toàn thì mỗi mẫu trước đây thường sản xuất trên 200 hoặc 300 chiếc, nay chỉ chừng hơn 100 chiếc.

Theo tổng giám đốc công ty may mặc có trụ sở tại quận Tân Bình, dù đã giảm số lượng xuống 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng hàng sản xuất để bán nội địa từ sau tết đến nay tồn kho gần 40%. Số hàng này sẽ được sử dụng trong các chương trình khác, không bán thanh lý bởi “hàng từ đợt tết giảm giá 70% nay vẫn tồn hơn 800 sản phẩm”.

Bà Dư, chủ sạp bán sỉ quần áo may sẵn tầng 1 chợ An Đông cho biết, công ty may của bà đang tạm ngưng sản xuất từ giữa tháng 4 này vì còn gần 1.000 mẫu áo tung ra thị trường từ tháng ba, chờ mãi các mối ở tỉnh vẫn không lên lấy hàng.

(Theo Bích Thuỷ/sgtt)

  • TPP – Được và mất của dệt may Việt Nam
  • Ngành da giày đối mặt với "cơn bão giá” đầu vào
  • Da giày sẽ trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn vào năm 2020
  • Da giày bị kiện chống bán phá giá: Thiệt hại 100 triệu USD/năm
  • Xuất khẩu dệt may điêu đứng vì phí
  • Dệt, nhuộm khát vốn FDI
  • Thắng kiện bán phá giá, DN da, giày VN vẫn gặp khó
  • Dùng nguyên liệu nội, chiếm lợi thế
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Phân tích ngành than và điện năm 2010
  • Xuất khẩu Dệt May năm 2010 : Mục tiêu 10,5 tỷ USD
  • Năm 2010, xuất khẩu gỗ đạt 3 tỷ USD?
  • Phấn đấu đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD
  • Bàn về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020
  • "Đường đi" của giá vật liệu xây dựng sẽ ra sao?
  • Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ: Cơ hội đã đến
  • Phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam: Bài học đắt giá
  • Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế miền trung
  • Ngành gốm sứ: Công nghiệp phát triển, thủ công lu mờ
  • Còn chỗ cho đầu tư bia, nước giải khát
  • Top 15 hãng tàu container