Trong điều kiện hiện nay, tuy thật khó để thực hiện “giấc mơ bông” như cách đây đã 35 năm, nhưng để đáp ứng được một phần quan trọng nhu cầu bông rất lớn của ngành dệt may trong rất nhiều năm nữa, có lẽ đã đến lúc chúng ta nói không, hoặc ngược lại, tăng tốc đầu tư để phát triển vượt bậc loại cây trồng này.
“Mục tiêu kép” và những thăng - trầm của bông
Trước hết, bông là một trong số rất ít loại cây trồng chủ yếu đã được định hướng phát triển với mục tiêu rõ ràng ngay sau khi đất nước vừa được quy về một mối, thế nhưng lại cũng là loại cây chịu thăng - trầm nhiều nhất.
Trong báo cáo trước Đại hội IV của Đảng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 1976-1980, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Ưu tiên dành diện tích ở những vùng có điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp (Phú Khánh, Thuận Hải, Cheo Reo) cho cây bông” nhằm mục tiêu “kép”: “có vải may mặc và để gia công hàng dệt cho nước ngoài”. Điều này có nghĩa là, mục tiêu của chúng ta là phát triển một cách đồng bộ lĩnh vực này, hoặc nói một cách dân dã, là “ăn từ gốc đến ngọn”.
Và kết quả kỳ diệu đầu tiên đã đạt được ngay sau đó: diện tích bông năm 1977 đã lập tức tăng nhảy vọt 72,1%. Tuy nhiên, sản lượng bông chỉ tăng 31,8%, chắc chắn năng suất bông ngay trong năm này đã giảm mạnh đã là một nguyên nhân quan trọng khiến diện tích bông trong năm 1978 chững lại và liên tục trong ba năm sau đó “rơi tự do” để trở về “vạch xuất phát”.
Từ đó đến nay, tuy nhiều hình, nhiều vẻ khác nhau, nhưng nét chung nhất trong quá trình phát triển của cây bông nước ta là cứ sau “một bước tiến” lại “một bước lùi” và tổng cộng đã có tới sáu lần “tiến - lùi” liên tiếp như vậy trong vòng 35 năm qua.
Trong đó, bước lùi trong năm 2008 vừa qua là nghiêm trọng nhất, vì hai lẽ.
Xét trực diện, với chỉ 5.800 héc ta, đó là diện tích bông thấp kỷ lục trong suốt cả chặng đường dài 35 năm qua.
Còn xét trong tương quan với nhu cầu tiêu dùng bông, đó cũng là mức thấp kỷ lục. Bởi lẽ, chỉ với 8.000 tấn bông hạt, quy bông xơ chỉ vỏn vẹn 2.667 tấn, tổng sản lượng bông này nếu được thu mua toàn bộ thì chỉ đủ cho ngành công nghiệp dệt may nước ta hoạt động trong ba ngày.
Chính vì cây bông trong nước quá èo uột như vậy, chuỗi giấc mơ liên hoàn: trồng bông, kéo sợi, dệt vải, may xuất khẩu của chúng ta không chỉ luôn luôn thiếu mất “phần gốc”, mà còn ngày càng rơi vào thế bất lợi, cho dù ngành may xuất khẩu đã đạt được những thành tựu hết sức ngoạn mục. Đến năm 2010 vừa qua kim ngạch xuất khẩu ngành may đạt kỷ lục 11,2 tỉ đô la Mỹ.
Trong khi đó, các số liệu thống kê của nước ta từ năm 1986 trở lại đây lại cho thấy, xét về lượng, nhịp độ tăng nhập khẩu bông trong thời kỳ 1986-2000 chỉ đạt 3,2%/năm, còn về giá trị chỉ tăng 2,1%/năm. Điều này có nghĩa là, giá bông nhập khẩu trong thời kỳ này khá mềm, cho nên thuận lợi cho cả ngành dệt lẫn ngành may.
Thế nhưng, trong thập kỷ vừa qua, trong khi lượng bông nhập khẩu tăng vọt 15,6%/năm và đạt kỷ lục 357.400 tấn vào năm 2010, thì giá trị bông nhập khẩu còn tăng đại nhảy vọt tới 20,9%/năm và đạt kỷ lục 674,2 triệu đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là, không chỉ khối lượng bông nhập khẩu tăng rất mạnh và chiếm tới 99,3% tổng cung bông của nước ta, mà giá bông nhập khẩu còn tăng mạnh hơn đương nhiên làm giảm hiệu quả của ngành dệt may.
Năng suất bông chính là then chốt
Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, cho dù có nhiều nguyên nhân khác nhau, lý do chính khiến cho cây bông của nước ta không phát triển được là năng suất bông của nước ta còn quá thấp. Các số liệu thống kê của thế giới cho thấy, năng suất bông của nước ta hiện chỉ bằng 65% năng suất bình quân của thế giới.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, người giữ cả hai “vai”: cường quốc số một thế giới về sản xuất bông và cường quốc số một thế giới về tiêu dùng bông, năng suất gấp đôi năng suất bình quân của thế giới; còn mức này của “người khổng lồ” thế giới về xuất khẩu bông Hoa Kỳ là 99%; hoặc của quốc gia xuất khẩu nhiều bông và cũng tiêu dùng nhiều bông là Pakistan cũng là 97%. Ngay ở quốc gia giữ vị trí khiêm nhường trong sản xuất và tiêu dùng bông như Indonesia thì con số này cũng đã 71%...
Hơn thế, các số liệu thống kê cũng cho thấy rằng, trong 10 năm trở lại đây, bình quân năng suất bông của nước ta chỉ tăng 2,4%/năm, vừa đúng bằng mức tăng bình quân của năng suất bông thế giới, cho nên nếu không có bước tăng đột phá, thì chúng ta sẽ vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Rõ ràng, do năng suất bông của nước ta quá thấp như vậy, cho nên khi giá bông thế giới sốt nóng và đứng ở mức cao, nông dân nước ta mới có thể sống với cây bông. Còn khi giá bông thế giới hạ, năng suất thấp buộc họ phải từ bỏ cây bông để chuyển sang loại cây trồng khác. Vì vậy sản lượng bông vẫn sẽ khi trồi lúc sụt và có lẽ chỉ đủ cho những chiếc xa kéo sợi và con cúi trong dệt thủ công còn đâu đó trong những nhóm dân cư nhỏ của nước ta.
Đường nào đến “giấc mơ bông”?
Có lẽ, “nguyên nhân của những nguyên nhân” dẫn đến năng suất bông của nước ta quá thấp hiện nay chính là do không được ưu ái dành cho những diện tích đất tốt, không được đầu tư thủy lợi thỏa đáng, mà phải dựa vào nước trời. Do vậy, cách duy nhất để tăng vọt năng suất bông chính là đầu tư cho hệ thống tưới cho cây bông ở những vùng khô khát.
Theo hướng này, có lẽ những thử nghiệm trồng bông theo mô hình trang trại có tưới nhỏ giọt của Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nguyên phụ liệu Dệt May Việt Nam đang triển khai mới là những thử nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực trồng bông theo mô hình công nghiệp với diện tích tập trung lớn được đầu tư hiện đại.
Cho dù vậy, nếu dựa vào những kết quả trồng bông khảo nghiệm theo mô hình trang trại có tưới của Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã tiến hành một số năm gần đây, có lẽ chúng ta cũng có thể hy vọng rằng, năng suất bông của nước ta sẽ không còn ỳ ạch ở mức 1,46 tấn/héc ta như hiện nay, mà có thể tăng vọt lên 2 tấn/héc ta, thậm chí có thể đạt 2,5-3 tấn/héc ta, tức là chí ít thì cũng ngang bằng với năng suất bông bình quân của thế giới.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, phát triển ngành bông vải theo mô hình trang trại có đầu tư lớn là con đường tất yếu để hiện thực hóa “giấc mơ bông”. Tuy nhiên, đầu tư hệ thống thiết bị và công nghệ tưới nhỏ giọt được nhập khẩu từ Israel với tổng mức đầu tư ban đầu là 1,6 tỉ đồng và chi phí ban đầu là 53 triệu đồng/héc ta (thời gian sử dụng hệ thống đường ống tưới là 10 năm) như doanh nghiệp nói trên đang triển khai là thách thức có thể nói là hầu như không thể vượt qua đối với hầu hết nông dân nước ta.
Do vậy, để hiện thực hóa “giấc mơ bông”, rõ ràng là không thể chỉ dựa vào một doanh nghiệp hoặc một số doanh nghiệp, mà vấn đề đặt ra là phải huy động lực lượng đông đảo nông dân ở những vùng có điều kiện khí hậu và đất đai thích hợp, nhưng đa phần lại là những nông dân nghèo vào cuộc.
Và để đạt được điều đó, phải chăng cần có những chính sách đặc thù. Bởi lẽ, nếu không, diện tích đất không nhiều còn dành cho cây bông hiện nay chắc chắn sẽ bị các loại cây trồng khác đoạt mất. Rõ ràng, câu trả lời chỉ có thể đến từ phía các nhà hoạch định chính sách.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com