Sau 2 năm VN gia nhập WTO, đến nay, các DN dệt may VN đã được hưởng điều kiện kinh doanh bình đẳng: không còn quota xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng dệt may giảm, Dệt may VN đã có thể dễ dàng thâm nhập vào thị trường thế giới…Tuy nhiên, ngành vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi vẫn chỉ là “xưởng gia công” của thế giới.
GIÁ TRỊ GIA TĂNG KHÔNG… GIA TĂNG!
Theo nhận định của các nhà quản lý và các DN, ngành dệt may đã có sự tăng trưởng vượt bậc sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, cho dù bị cạnh tranh gay gắt. Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) Phan Chí Dũng cho biết, thành công đáng ghi nhận của ngành dệt may trong thời gian này là đã nâng kim ngạch xuất khẩu năm 2007 lên trên 7,8 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với năm 2004 và chiếm tới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kết quả này đã đưa Việt Nam vươn lên vị trí thứ 9 trong các nước xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 9,5 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Hiện Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu của Việt Nam, chiếm tới 57% thị phần xuất khẩu, vượt xa so với thị trường tiềm năng khác là EU chiếm 18%, Nhật Bản 9%.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng vẫn đang là vấn đề lớn đặt ra đối với ngành này. Công nghệ nhuộm và may các sản phẩm cao cấp chậm được cải tiến, chủ yếu là công nghệ trung bình. Giải quyết được việc làm cho hơn 2,2 triệu lao động nhưng tỷ lệ lao động tay nghề cao, có kỹ năng, kỹ xảo lại thấp. Công nghiệp phụ trợ ngành dệt may chưa phát triển mặc dù đã có nỗ lực trong nhiều năm qua. Đến năm 2007 ngành vẫn phải nhập tới 90% bông, gần 100% các loại xơ tổng hợp, hóa chất thuốc nhuộm, máy móc thiết bị và phụ tùng; 70% vải và các loại phụ liệu cho may xuất khẩu.
Theo ông Hồ Lê Nghĩa - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp - Bộ Công Thương, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành may mặc thấp; giá trị gia tăng thấp… Trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may, VN chỉ mới chủ yếu tham gia vào khâu gia công sản phẩm cuối cùng, khâu tạo ra lượng giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị và có tới 90% DN may mặc của VN hoạt động ở khâu này.
CÓ THỂ BIẾN THÁCH THỨC THÀNH CƠ HỘI?
Năm 2008 cũng như tới đây là thời điểm thị trường dệt may thế giới có nhiều biến động. Các nước Nam Á và Đông Nam Á nổi lên thành nguồn cung quan trọng đối với các khách hàng Mỹ, EU. Nhập khẩu hàng dệt may của cả Mỹ và EU từ các nước sản xuất giá rẻ ở châu Á đều tăng trưởng khá mạnh. Các chuyên gia nghiên cứu và các DN đều nhận định, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để ngành dệt may Việt Nam phát triển nếu biết tận dụng và nhìn nhận thách thức đó theo hướng tích cực và nắm bắt kịp thời những xu hướng mới của thị trường dệt may thế giới. Bên cạnh đó, khi kinh tế thế giới đang suy thoái, người tiêu dùng các nước phải thắt chặt chi tiêu thì đây cũng có thể là cơ hội cho hàng dệt may xuất khẩu giá rẻ của VN.
Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam phải nhận thức được những thách thức và cơ hội khi hội nhập chuẩn bị phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, nhất là từ 1-1-2009, khi Việt Nam phải mở cửa thị trường bán lẻ cho các DN nước ngoài thì sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Tín, Trưởng ban nghiên cứu Xúc tiến thị trường, Tập đoàn dệt may Việt Nam, DN dệt may Việt Nam cần chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn nguyên phụ liệu trong nước. Việc này không chỉ làm giảm giá thành mà còn góp phần vào công cuộc giảm tỷ lệ hàng gia công…
(Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com